Chủ đầu tư nói gì về việc bị nhà thầu “doạ” đào cát dự án cao tốc Bến Lức- Long Thành do nợ tiền?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những ngày qua, tại dự án cao tốc Bến Lức- Long Thành xảy ra lùm xùm về việc một doanh nghiệp cung cấp nguyên vật liệu phục vụ dự án đã “doạ” đào cát mang đi vì bị nợ tiền cung cấp nguyên vật liệu.

Theo Ban QLDA các đường cao tốc phía Nam (đại diện chủ đầu tư cao tốc Bến Lức – Long Thành), việc doanh nghiệp đòi lại cát đắp tại gói thầu A1.1 - nút giao kết nối với cao tốc TP.HCM - Trung Lương là việc tranh chấp giữa các nhà thầu. Chủ đầu tư đã chấm dứt hợp đồng với nhà thầu cũ. Do vậy các phát sinh khiếu kiện là việc riêng của các nhà thầu.

Theo ông Đặng Hữu Vị, Giám đốc Ban QLDA các đường cao tốc phía Nam (SEPMU - thuộc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam VEC) – đại diện chủ đầu tư cao tốc Bến Lức - Long Thành cho biết, đơn vị đang làm việc với địa phương về việc một doanh nghiệp cản trở thi công tại đường dẫn kết nối cao tốc.

"Đến nay chủ đầu tư đã chấm dứt hợp đồng với nhà thầu cũ và thanh toán giải ngân tiền cho các nhà thầu. Việc tranh chấp là việc riêng của nhà thầu cũ với doanh nghiệp cung cấp vật liệu. Có kiện cáo thì kiện nhà thầu cũ không liên quan gì đến công trường hiện tại. Chúng tôi đã đề nghị địa phương hỗ trợ giải quyết việc cản trở thi công tại gói thầu này", ông Vị thông tin.

Cao tốc Bến Lức- Long Thành

Cao tốc Bến Lức- Long Thành

Theo Ban QLDA cao tốc Bến Lức - Long Thành việc tranh chấp tài sản xảy ra giữa các nhà thầu cũ, chủ đầu tư đã làm việc và đề nghị địa phương hỗ trợ bảo vệ thi công đường dẫn nút giao cao tốc.

Hiện tại gói thầu A1.1 - nút giao kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành với cao tốc TP.HCM - Trung Lương đang khẩn trương thi công. Những ngày đầu năm 2024 trên công trường nhộn nhịp xe máy, thiết bị sau tái khởi động trở lại.

Ông Lê Thế Nghiêm, Giám đốc điều hành gói thầu A1.1 (Liên danh Tổng Công ty 319 - Vinaconex) phụ trách thi công xác nhận, hiện phạm vi 700m trên đường dẫn hướng quốc lộ 1 kết nối cao tốc TP.HCM - Trung Lương nhà thầu chưa thể thi công.

"Đến cuối tháng 3 nhà thầu sẽ hoàn thành xong việc thi công phần mặt bằng đã được bàn giao. Tuy nhiên, còn 700m đường dẫn đến nay chưa được giao mặt bằng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thiện nút giao", ông Nghiêm nói.

Gói thầu A1.1 được tái khởi động từ tháng 11/2023 nhiều đoạn tuyến đã được thảm nhựa mặt đường hoàn chỉnh.

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, tại gói thầu A1.1 cao tốc Bến Lức - Long Thành thời gian qua bị cản trở thi công của một doanh nghiệp.

Theo tìm hiểu, gói thầu A1 trước đây do liên danh Công ty Halla Copration - Công ty CP Vinaconex E&C triển khai, có hợp đồng với Công ty CP Vicomex (nhà thầu phụ) thi công.

Công ty cổ phần Vicomex đã mua cát của nhà cung cấp là Công ty TNHH kinh doanh và xây dựng Hoàng Anh. Đơn vị cung cấp cát này được tư vấn giám sát chấp thuận.

Đến năm 2022, chủ đầu tư đã chấm dứt hợp đồng với liên danh Công ty Halla Copration - Công ty cổ phần Vinaconex E&C. Hai bên rà soát khối lượng đã thực hiện (được tư vấn giám sát nghiệm thu) và đã thanh toán cho nhà thầu.

Theo chủ đầu tư cao tốc Bến Lức - Long Thành, tư vấn giám sát chỉ chấp thuận nhà cung cấp cát là Công ty Hoàng Anh. Còn việc mua bán cát giữa Công ty Thảo Lan và Công ty Hoàng Anh dựa trên hợp đồng kinh tế giữa hai đơn vị, nhà thầu trước đây cũng không trình cho tư vấn giám sát.

Công ty Hoàng Anh mua cát của Công ty TNHH Thảo Lan Việt Nam (Công ty Thảo Lan) đưa vào công trình.

Tháng 7/2017, do công nợ của hai bên chưa được xử lý, Công ty Thảo Lan đã cản trở nhà thầu A1 thi công đoạn tuyến 700m nói trên cho đến nay. Theo đơn vị cung cấp vật liệu khối lượng cát đắp đưa đến công trường 127.000m3.

Cao tốc Bến Lức (Long An) - Long Thành (Đồng Nai) dài 57,8km, vốn đầu tư 31.320 tỷ đồng từ nguồn vốn vay (hơn 25.000 tỷ đồng) và vốn đối ứng gần 5.690 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành được kỳ vọng giúp kết nối khu vực Đông Nam Bộ và miền Tây.

Công trình được khởi công từ năm 2014 dự kiến hoàn thành năm 2019. Ba năm qua các gói thầu đã dừng thi công do khó khăn về nguồn vốn, chính sách, nhà đầu tư phải xin lùi tiến độ đến quý III/2025.

Mặt đường tuyến cao tốc qua đây rộng 24m với 4 làn xe chạy và 2 làn dừng khẩn cấp. Công trình được thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc loại A, vận tốc tối đa 120km/h.