Chính sách thay thế hàng nhập khẩu của Nga gặp khó khăn

ANTD.VN - Nga đang gặp nhiều khó khăn trong chính sách thay thế nhập khẩu, tránh phụ thuộc vào các doanh nghiệp phương Tây.

Theo báo chí Nga, chính sách thay thế nhập khẩu của nước này đang mang lại kết quả tích cực, các doanh nghiệp trong nước đã nhanh chóng lấp đầy chỗ trống khi nhiều công ty nước ngoài rời đi.

Tuy nhiên theo truyền thông phương Tây, thực tế xảy ra tại Nga lại hoàn toàn khác với những gì mà chính quyền nước này vẫn tuyên bố, một vài ví dụ sau đây được nêu ra như dẫn chứng rõ nét.

Một trong những dự án gây tiếng vang nhất của Nga là nỗ lực sản xuất ô tô Moskvich 3 trên cơ sở nhà máy cũ của Renault. Nhưng các chuyên gia nhanh chóng nhận ra phương tiện này là bản sao từ thương hiệu JAC của Trung Quốc.

Quá trình "sản xuất tại Nga" cũng cực kỳ đơn giản: Sau khi thành phẩm rời khỏi dây chuyền lắp ráp ở Trung Quốc, một số thiết bị được đóng gói rồi đưa tới Nga, nơi họ lắp đặt những phần còn thiếu.

Bất chấp thực tế trên, sản phẩm hoàn chỉnh vẫn là một chiếc xe hơi được xem là sản xuất tại Nga dưới nhãn hiệu mới, do quá trình lắp ráp diễn ra trên một dây chuyền duy nhất.

Tuy nhiên không chắc sản phẩm như vậy được coi là lý do để ngành công nghiệp ô tô Nga có thể tự hào, đặc biệt khi giá của nó cao hơn khoảng 50% so với nguyên bản JAC sản xuất tại Trung Quốc.

Dự báo trong tương lai gần, sẽ ngày càng nhiều ô tô có nguồn gốc Trung Quốc với thương hiệu Chery, Haval, FAW, Dongfeng... hay những thứ tương tự sẽ xuất hiện trên đường phố Nga.

Trung Quốc đang nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường ô tô Nga và tăng giá đối với tất cả các mẫu xe phổ biến được lắp ráp tại chỗ. Tin tức thú vị tiếp theo là Nga sắp nhập khẩu xe điện từ Uganda, trong khi đất nước châu Phi này cũng lắp ráp xe hơi theo linh kiện Trung Quốc.

Ngành hàng không Nga cũng rơi vào tình trạng nguy cấp, khi những chiếc máy bay cũ của phương Tây được tháo dỡ để lấy phụ tùng thay thế cho những chiếc còn lại.

Đối với máy bay do Nga sản xuất nhưng sử dụng linh kiện nước ngoài thì tình trạng cũng chẳng khá hơn. Điển hình như công ty Yakutia đã tháo dỡ 2 trong số 4 chiếc Superjet SSJ-100 cho mục đích này.

Bộ Giao thông Vận tải Liên bang Nga còn đưa ra đề xuất sửa chữa những máy bay chở khách hiện có bằng linh kiện không nguyên bản, bởi rất khó tìm được phụ tùng chính hãng do hiệu lực các lệnh trừng phạt.

Mặc dù báo chí Nga vẫn đang dãn nhãn sản phẩm nội địa đối với máy bay nước ngoài như một bước phát triển đột phá, nhưng tương tự ngành công nghiệp ô tô, các phi cơ Dobrynya và Gorynych đều được lắp ráp từ bộ phận của Trung Quốc.

Khi bỏ qua lĩnh vực công nghệ cao, các doanh nghiệp Nga có vẻ vẫn chưa thành công trong lĩnh vực thay thế hàng tiêu dùng, điển hình là trường hợp đồ ăn nhanh của hãng McDonald's.

Những chiếc bánh mì kẹp thịt nhãn hiệu "Vkusno i Tochka" vướng phải tai tiếng khi nhiều bức ảnh cho thấy nấm mốc xuất hiện, đây là kết quả của việc thay thế công thức nấu ăn ban đầu và không tuân thủ các tiêu chuẩn thực phẩm.

Giới truyền thông Nga còn biết rằng các quan chức đã tìm ra một cách khác để thay thế việc nhập khẩu hàng tiêu dùng phổ biến, khi họ quyết định mua nhiều loại quần áo từ Trung Quốc hay Triều Tiên.

Tuy nhiên để có nơi cất trữ số quần áo trên cũng là điều nan giải, khi tủ đựng đồ hiệu IKEA mà mọi người yêu thích không còn có sẵn để mua trong lãnh thổ Nga.

Công chúng cũng phàn nàn về việc các loại thực phẩm của Nga kém hơn đáng kể so với sản phẩm nhập khẩu, điển hình là pho mát Parmesan đã không được "sao chép" về mặt chất lượng.

Tuy nhiên vẫn có hy vọng rằng theo thời gian, các công ty Nga sẽ đáp ứng tốt tiêu chuẩn chất lượng. Niềm tin được đặt vào các doanh nghiệp nhỏ, khi những người có óc sáng tạo và tư duy đổi mới nhận kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi, từ đó dẫn tới việc phục hồi sản xuất.