Chiến đấu cơ MiG-29 Myanmar bị F-16 Thái Lan chặn khi vào không phận

ANTD.VN - Thái Lan điều động hai chiến đấu cơ F-16 xuất kích sau khi một chiến đấu cơ MiG-29 Myanmar bị cáo buộc xâm nhập không phận trái phép. Hiện Myanmar chưa đưa ra bình luận về thông tin trên. 

Không quân Hoàng gia Thái Lan hôm 30/06 cho biết, hai tiêm kích F-16 được triển khai sau khi "một máy bay không xác định xâm nhập không phận" ở tỉnh Tak, miền tây nước này, giáp biên giới Myamnar.

Sau đó phía Thái Lan cho biết, chiếc máy bay này thuộc không quân Myanmar đã biến mất khỏi màn hình radar giám sát (Hình ảnh chiến đấu cơ MiG-29 Myanmar xuất hiện ở huyện Phop Phra, tỉnh Tak, Thái Lan hôm 30/6).
Tùy viên quân sự Thái Lan tại Yangon đã được yêu cầu phối hợp cùng các cơ quan liên quan của Myanmar để gửi cảnh báo và tìm biện pháp ngăn chặn những sự cố tương tự trong tương lai.

Kể từ khi chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi bị lật đổ, hàng nghìn người Myanmar đã chạy sang Thái Lan để tị nạn.

Giới chức tỉnh Tak đã cung cấp chỗ ở và thực phẩm cơ bản cho khoảng 300 người Myanmar chạy qua biên giới.

Quân đội Myanmar gần đây đã tiến hành các cuộc không kích và pháo kích trong 5 ngày "giao tranh ác liệt" ở bang Kayin, giáp tỉnh Tak, theo Saw Nerdah Mya, thành viên Tổ chức Phòng vệ Quốc gia Karen, một trong số các nhóm vũ trang chống lại lực lượng an ninh nước này.

Gần 700.000 người đã buộc phải sơ tán kể từ khi chính quyền của bà Suu Kyi bị lật đổ vào năm ngoái, theo thống kê của Liên Hợp Quốc hồi tháng 5.

Được biết, không quân Myanmar hiện có khoảng 80 chiến đấu cơ, chiếm số đông là máy bay xuất xứ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, loại tiêm kích hiện đại nhất mà Myanmar có được là mẫu MiG-29 do Nga sản xuất.

Năm 2001, Myanmar đã đặt mua 12 chiếc MiG-29 (gồm 10 MiG-29B và 2 MiG-29UB) từ Belarus.

Thêm một hợp đồng trị giá 570 triệu USD nữa được ký với Nga vào tháng 12/2009 đem về thêm 12 MiG-29 (gồm 10 MiG-29B, 6 MiG-29SE và 4 MiG-29UB).

Trong 3 biến thể tiêm kích đánh chặn MiG-29 mà Không quân Myanmar có được thì 2 kiểu MiG-29B và SE chuyên dùng cho chiến đấu, trong khi kiểu UB dành cho huấn luyện phi công lái MiG-29.

20 chiếc tiêm kích MiG-29B thuộc thế hệ đầu của dòng MiG-29 được trang bị radar có tính năng hạn chế RLPK-29 (tầm phát hiện máy bay chiến đấu địch cách 70km, theo dõi được 10 mục tiêu nhưng chỉ dẫn tên lửa hạ được một trong số đó).

Loại radar này cũng không thể cho phép MiG-29B mang được tên lửa đối không tầm trung R-77. Ngoài ra, kiểu MiG-29B cũng gặp một hạn chế nữa là không thể khai hỏa pháo 30mm nếu mang theo thùng nhiên liệu phụ giữa thân.

Còn 6 chiếc MiG-29SE thuộc thế hệ 2 dòng tiêm kích MiG-29 với cải tiến khắc phục nhược điểm của MiG-29B.
Máy bay được trang bị radar N019ME có khả năng theo dõi 10 mục tiêu và diệt 2 mục tiêu cùng lúc. Loại radar này cũng cho phép MiG-29 mang được tên lửa đối không R-77 tự dẫn radar chủ động.
Mẫu MiG-29SE cũng được bố trí pháo 30mm về phía bên trái cho phép khai hỏa khi máy bay mang thùng nhiên liệu giữa.
MiG-29UB là biến thể huấn luyện 2 chỗ ngồi của dòng tiêm kích MiG-29, buồng lái được kéo dài để đặt thêm một ghế thứ 2 cho giáo viên bay.

Máy bay không được trang bị radar điều khiển hỏa lực mà thay bằng modul huấn luyện để giáo viên có thể đưa ra các tình huống giả định trong trận đánh và các trường hợp khẩn cấp.

Việc không có radar khiến MiG-29UB chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ huấn luyện, không có khả năng mang tên lửa không đối không cũng như đã bị rút bỏ pháo GSh-301 30mm.

Mikoyan MiG-29 (định danh NATO Fulcrum – Điểm tựa) là một loại máy bay tiêm kích phản lực thế hệ thứ 4 do Liên Xô cũ/Nga thiết kế chế tạo. MiG-29 được thiết kế cho vai trò chiếm ưu thế trên không.
MiG-29 có chiều dài 17,37 m, sải cánh 11,4 m, trọng lượng rỗng 11.000 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 21.000 kg. M
MiG-29 trang bị hai động cơ Klimov RD-33, sức đẩy 81.4 kN mỗi chiếc giúp chiến đấu cơ có thể đạt vận tốc cực đại Mach 2.4 km/h, tầm bay 700 km (khi chiến đấu) và 2.900 km (khi tuần tiễu), trần bay 18.013 m, vận tốc bay lên cực đại 330 m/s.

Các thế hệ tiêm kích MiG-29 mà Không quân Myanmar sở hữu chỉ được bố trí 6 điểm treo trên cánh cho phép mang tổng cộng khoảng 3,5 tấn vũ khí các loại gồm các loại tên lửa không đối không, bom và rocket (không mang được vũ khí tấn công mặt đất chính xác cao).

Trong ảnh là đạn tên lửa không đối không tầm ngắn tự dẫn hồng ngoại R-73E – vũ khí không chiến tầm gần tốt nhất của Myanmar. Tên lửa đạt tầm bắn 20km.

Hiện Không quân Myanmar đang dự định sẽ nâng cấp một số chiếc lên chuẩn “MiG-29SM” đem lại khả năng không đối đất bằng vũ khí thông minh.