Chi phí học phí, trái tuyến chiếm 40,3% tổng chi phí dành cho giáo dục

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Theo Tổng cục Thống kê, năm 2022, chi phí dành cho giáo dục bình quân của 1 người là 7 triệu đồng, giảm khoảng 70.000 đồng so với năm 2020.
Cơ cấu các khoản chi cho giáo dục (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Cơ cấu các khoản chi cho giáo dục (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Cơ quan thống kê cho hay, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2022 theo giá hiện hành đạt 4,67 triệu đồng, tăng 11,1 điểm % so với năm 2021. Bên cạnh chi tiêu cho lương thực, thực phẩm, đầu tư cho giáo dục của hộ gia đình cũng ngày càng cải thiện thể hiện ở chi giáo dục, đào tạo bình quân 1 năm cho 1 người đi học. Tuy nhiên năm 2022 có phần giảm so với năm 2020.

Năm 2022 chi giáo dục, đào tạo bình quân 1 năm của 1 người đi học là 7 triệu đồng; giảm khoảng 70 nghìn đồng so với năm 2020. Chi giáo dục đào tạo chủ yếu giảm ở hai khoản chi là chi cho học thêm và chi giáo dục khác (gồm các loại hình đào tạo khác ngoài chính quy).

Đáng chú ý, trong cơ cấu chi cho giáo dục, khoản học phí, trái tuyến (chiếm 40,3%), học thêm (chiếm 16,6%) và chi giáo dục khác (chiếm 19,3%) là các khoản chi chiếm tỷ trọng lớn.

Các khoản chi cho giáo dục, đào tạo năm 2022 đều tăng so với 2020 trừ hai khoản giảm là chi cho học thêm và chi giáo dục khác.

Tương tự, về y tế, cơ quan thống kê cho hay, chi tiêu y tế bình quân 1 người có khám chữa bệnh năm 2022 cũng giảm so với 2020. Cụ thể năm 2022 là 2,5 triệu đồng trong khi năm 2020 là hơn 3 triệu đồng. Năm 2022, chi tiêu bình quân một người có khám chữa bệnh nội trú xấp xỉ 9 triệu đồng và một người có khám chữa bệnh ngoại trú là gần 1,4 triệu đồng.

Một khía cạnh khác cũng phản ánh chất lượng đời sống hộ gia đình Việt Nam là sử dụng đồ dùng lâu. Theo kết quả khảo sát, năm 2022, trên cả nước có tới 99,9% hộ gia đình có đồ dùng lâu bền. Tỷ lệ này đã đạt 100% ở khu vực thành thị, một số vùng kinh tế (Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long) và các hộ gia đình có mức thu nhập thuộc nhóm 3 (nhóm trung bình) trở lên.

Trị giá đồ dùng lâu bền bình quân một hộ gia đình có đồ dùng lâu bền tăng dần trong giai đoạn từ 2012-2020 và giảm nhẹ trong năm 2022. Năm 2022 trị giá đồ dùng lâu bền bình quân một hộ là hơn 84 triệu đồng, giảm gần 3,7 triệu đồng so với năm 2020.

Tổng cục Thống kê đánh giá, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu trong năm 2022 do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, có thể thay đổi hành vi tiêu dùng do tác động của đại dịch, sự gia tăng của giá cả (giá hàng hóa, giá xăng dầu), hạn chế nguồn cung dịch vụ (ăn uống ngoài gia đình, du lịch, giải trí…).

Mặc dù chi tiêu bình quân đầu người giảm nhưng thu nhập bình quân đầu người có xu hướng tăng so với năm trước, đánh dấu sự phục hồi của đời sống hộ gia đình sau đại dịch.