Châu Âu nín thở vì sợ đại chiến Anh - Tây Ban Nha bùng phát

ANTĐ - Trong thời gian qua, vấn đề tranh chấp chủ quyền Gibraltar giữa Anh và Tây Ban Nha, đang khiến cả châu Âu lo lắng, đặc biệt khi hải quân Hoàng gia Anh cử một hạm đội đặc nhiệm 10 chiếc áp sát khu vực này.

Vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Anh và Tây Ban Nha về Gibraltar gần đây lại nóng lên vì thông tin của Bộ Quốc phòng Anh điều động một hạm đội đặc biệt đến Gibraltar. Tuy quan chức quốc phòng Anh thông báo, đây là một hoạt động thông thường những các phương tiện truyền thông thế giới nhận định, Anh đang mưu đồ dùng vũ lực để uy hiếp Tây Ban Nha.

Tờ “Daily Mail” của Anh ngày 10/08 lớn tiếng: “Hạm đội này sẽ thể hiện uy lực trước Tây Ban Nha”, còn tờ “The Independent” thì nhận định: “Hạm đội này sẽ làm cho tình hình tranh chấp trở lên tồi tệ hơn”. Trước đó vào ngày 8/8, nhà đương cục Tây Ban Nha vẫn theo lệ thường, bắt các lái xe chờ đợi ở biên giới Gibraltar vài giờ đồng hồ, để tăng cường công tác kiểm soát biên giới.

Tờ “Daily Mail” cho biết, cục diện ở Gibraltar đang trở nên rất phức tạp, ngày mai (12/08), một hạm đội phản ứng nhanh, bao gồm 10 tàu chiến của hải quân Hoàng gia Anh sẽ đến Gibraltar, tiến hành cuộc diễn tập quân sự thường niên theo thông lệ. Trong đó, dẫn đầu là hàng không mẫu hạm HMS Illustrious, 2 tàu hộ vệ tên lửa và một số tàu bổ trợ, hậu cần khác.

Tàu hộ vệ tên lửa HMS F-237 “Westminster”

Trong khi đó, Người phát ngôn của hải quân Anh cho biết, sẽ có 3 trong tổng số  10 tàu, bao gồm tàu hộ vệ tên lửa HMS F-237 “Westminster” và 2 tàu phụ trợ sẽ lưu lại căn cứ hải quân Gibraltar 3 ngày (từ 19 - 21/08). Còn BBC kể lại câu chuyện, khi chiến tranh ở Falklands (Argentina gọi là quần đảo Malvinas) nổ ra năm 1982, tướng Woodward đã thống lĩnh một hạm đội đặc biệt đánh chiếm lại quần đảo Falklands.

Tờ “The Guardian” cho biết, Thủ hiến Gibraltar là ông Picard, đã yêu cầu hải quân Hoàng gia Anh nhanh chóng cử hạm đội đến để ngăn chặn “một cuộc xâm lược” của Tây Ban Nha. “Daily Mail” cho biết, trong nội bộ nước Anh xuất hiện rất nhiều phát ngôn “diều hâu”, một số nghị sĩ của Đảng Bảo thủ còn kêu gọi tiến hành “ngoại giao pháo hạm”, một nghị sĩ còn lớn tiếng: “Chúng ta nên tuyên bố nữ hoàng Anh sẽ đến thị sát Gibraltar, đây sẽ là một tín hiệu mạnh mẽ nhất, tuyên bố Gibraltar thuộc chủ quyền của Anh”.

Hãng tin Anh “Reuters” ngày 09/08 công bố phát ngôn của Bộ Quốc phòng Anh, làm rõ vấn đề gửi một hạm đội đến Gibraltar không có liên quan gì đến tình hình khẩn trương hiện nay, quân đội tiến hành cuộc diễn tập này là theo kế hoạch từ trước. “The Guardian” cũng cho biết, Thủ tướng Anh David Cameron cũng đã gọi điện cho Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy, thông báo hạm đội Anh sẽ đến Gibraltar.

Bản đồ mô tả vị trí của Gibraltar và eo biển Gibraltar 

Phía Tây Ban Nha cũng không thể hiện sự quan tâm thái quá đến vấn đề hạm đội Anh đến Gibraltar. Bộ ngoại giao nước này cho biết trong một tuyên bố: “Hải quân Anh cử tàu chiến đến Gibraltar là chuyện bình thường”, Chính phủ Anh đã xin phép cho 3 tàu trong hạm đội được dừng chân tại khu vực Rota, phía tây nam của Tây Ban Nha và Chính phủ Tây Ban Nha đã chấp thuận.

Giới thiệu về Gibraltar
Năm 1704, tàu chiến của liên quân Anh - Hà Lan đánh chiếm Gibraltar, liên minh Pháp - Tây Ban Nha dần thất thế. Đến năm 1713, chiến tranh kết thúc bằng Hòa ước Utrecht, với phần thua thiệt thuộc về Paris và Madrid. Một trong những hậu quả cụ thể nhất là điều khoản quy định Gibraltar, chính thức trở thành thuộc địa của Anh. Từ đó đến nay, Tây Ban Nha từng nhiều lần tìm cách giành lại Gibraltar nhưng đều bất thành, nổi bật là 2 cuộc tấn công lớn vào các năm 1727 và 1779. 

Suốt 300 năm qua, quan hệ song phương Anh - Tây Ban Nha không ít lần nguội lạnh vì vấn đề này. Tây Ban Nha luôn tìm dịp đòi lại Gibraltar, trong khi Anh không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để khẳng định chủ quyền. Cũng chính vì 2 nước không ai chịu ai và liên tục viện dẫn các điều khoản của Hòa ước Utrecht theo hướng có lợi cho mình nên đến giờ, Gibraltar vẫn là nơi duy nhất ở châu Âu còn bị xem là thuộc địa, chưa thể được công nhận là lãnh thổ tự trị của Anh dù trên thực tế, nơi này tự chủ về nội chính.