Hội nghị Brussels đã quyết định sẽ hỏi ý kiến các lãnh đạo và nhà ngoại giao EU về việc chuẩn bị và cách áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Nga.
Khoảng một tuần trước, Kiev bắt đầu thất thủ ở nhiều khu vực tại miền đông trước sự phản công mạnh mẽ của lực lượng li khai. Chính phủ Ukraine đã đổ lỗi cho những thất bại này là do quân li khai được sự giúp đỡ từ Nga. Cùng lúc đó, các nước phương Tây cũng bày tỏ quan ngại và đưa ra những bức ảnh vệ tinh cho thấy sự hiện diện của quân đội Nga ở Ukraine. Tuy nhiên, phía Nga luôn chối bỏ mọi cáo buộc từ Ukraine và phương Tây.
không được cải thiện
Ngày 30/8, sau cuộc họp với Tổng thống Ukraine, Petro Poroshenko, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Manuel Barroso cho biết EU đã sẵn sàng thực hiện các biện pháp mạnh tay hơn với Nga, tuy nhiên vẫn sẽ cởi mở trong cách giải quyết bằng ngoại giao.
Ông Barroso nhấn mạnh rằng EU không muốn đối đầu với Nga, tuy nhiên, trừng phạt sẽ là cách cho giới lãnh đạo Nga thấy rằng tình hình Ukraine hiện tại “là không thể chấp nhận được và EU đang thúc giục Nga hãy làm những công việc mang tính xây dựng”.
Mặc dù Chủ tịch Hội đồng châu Âu đã đưa ra tuyên bố, tuy nhiên, trong cuộc họp của 28 nước thành viên EU vẫn chia ra làm 2 luồng ý kiến - ủng hộ và không ủng hộ lệnh trừng phạt mới lên Nga.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết EU sẽ áp đặt các lệnh cấm vận mới nếu không có biến chuyển gì trong tình hình hình Ukraine. Tổng thống Pháp Francois Holland cũng khẳng định những biện pháp trừng phạt mạnh tay là cần thiết.
Tuy nhiên, Thủ tướng Slovakia, Robert Fico đã lên tiếng phản đối các biện pháp trừng phạt mới của EU khi cho rằng nó hoàn toàn “không có mục đích và phản tác dụng”, hay đại diện của Phần Lan lại cho rằng cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ không thế đi đến hồi kết nếu thiếu Nga.
Quan hệ ngoại giao giữa Nga và các nước phương Tây đã trở nên xấu đi vì tình hình Ukarine khi cả 2 bên đều cáo buộc lẫn nhau điều khiển cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
EU và Mỹ đã áp đặt một vài lệnh trừng phạt lên các cá nhân và tổ chức Nga, trong khi Nga cũng đáp trả bằng việc chống nhập khẩu các mặt hàng nông sản từ các nước Mỹ, EU, Canada, Na-Uy, Úc trong vòng 1 năm tính từ ngày 7/8.