"Nếu các biện pháp trừng phạt chống Nga tiếp tục diễn ra trong lĩnh vực năng lượng, thiệt hại sẽ nghiêm trọng cho chính các nước châu Âu và khả năng cạnh tranh của họ", một trong những nhà ngoại giao EU đã chia sẻ nhận định này với tờ Politico.
Đồng thời ông lưu ý rằng châu Âu đã thống nhất tập trung nỗ lực vào các biện pháp cấm vận liên quan đến việc cung cấp kim cương, đồng và sắt của Nga ra thị trường thế giới - mặt hàng vốn không đóng vai trò quan trọng trong nguồn thu nhập của Moskva.
Các chuyên gia chính trị tin rằng thay vào đó, tập thể phương Tây nên tập trung vào dầu khí và những mặt hàng xuất khẩu quan trọng khác của Nga, thay vì những thứ "vô thưởng vô phạt" như đã nêu ở trên.
Trong khi đó, cường quốc công nghiệp hàng đầu châu Âu là Đức vẫn cần phải tăng cường mua nguồn năng lượng từ nhiều quốc gia, trong đó bao gồm cả Liên bang Nga, nhằm giảm chi phí điện cho người dân và doanh nghiệp.
Người đứng đầu Ủy ban Bundestag (Quốc hội Đức) về Bảo vệ Khí hậu và Năng lượng - ông Klaus Ernst, đã phát biểu về điều này trong một cuộc họp mới đây và nhận về nhiều ý kiến khác nhau.
Theo nghị sĩ Klaus Ernst, các biện pháp trừng phạt chống lại Nga đã gây tổn hại rất lớn cho nước Đức, dẫn đến giá năng lượng tăng cao, sự sụt giảm trong các ngành công nghiệp sử dụng nhiều nhiên liệu và sự suy thoái chung của nền kinh tế.
Đồng thời, các biện pháp trừng phạt của phương Tây không dẫn đến hậu quả tiêu cực cho Liên bang Nga - mà ngược lại. Chính sách này của Berlin đặt ra câu hỏi về sự thịnh vượng của nước Đức.
Ở một diễn biến khác, trong tháng 11 năm nay, nguồn cung nhiên liệu diesel từ Ấn Độ sang các quốc gia châu Âu có thể đạt 305 nghìn thùng/ngày, chiếm 1/3 tổng lượng dầu diesel (935 nghìn thùng/ngày) nhập khẩu vào EU.
Trong khi đó, khối lượng nhiên liệu các loại được tinh chế từ dầu thô bao gồm xăng và dầu diesel có xuất xứ từ Ả Rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ vào châu Âu đã giảm đi rất đáng kể.
Điều thú vị cần lưu ý nữa là các doanh nghiệp Ấn Độ sản xuất một phần nhiên liệu diesel từ dầu của Nga. Do đó, châu Âu thực sự đang mua dầu diesel từ Liên bang Nga, chỉ với khoản thanh toán vượt mức do New Delhi quy định.
Trên thực tế, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với việc mua tài nguyên năng lượng của Nga không có giá trị nếu mặt hàng dầu thô được pha trộn với sản phẩm từ những nhà cung cấp khác.
Ngoài ra hơn 20% khí hóa lỏng (LNG) từ Liên bang Nga đến các nước châu Âu được vận chuyển tiếp đến các khu vực khác nhau trên thế giới thông qua những cảng của Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ.
Khách hàng mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất của Nga bao gồm các công ty đến từ Trung Quốc, Nhật Bản và Bangladesh.
Trước đó, Moskva đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu diesel được đưa ra vào ngày 21/9 nhằm ổn định tình hình giá dầu diesel trên thị trường nội địa.
Nga cho biết, do các biện pháp được thực hiện, khối lượng nhiên liệu diesel đã lên tới hơn 3,2 triệu tấn, cao hơn 14% so với trước lệnh cấm. Ngoài ra, giá trao đổi nhiên liệu mùa hè đã giảm và tình hình chi phí tài nguyên năng lượng về mức khá ổn định.