Gói trừng phạt thứ 12 do Liên minh châu Âu (EU) ban hành có thể bao gồm hạn chế bán tàu chở dầu đã qua sử dụng cho Moskva, nhằm mục đích xóa bỏ "hạm đội bóng tối" của Nga.
Khoảng 1/3 ngân sách của Nga là đóng góp từ hoạt động xuất khẩu dầu khí, do để tấn công vào "túi tiền" của Điện Kremlin cũng đồng nghĩa với phương Tây phải chặn các tuyến đường để dầu Nga tràn ra thế giới.
Khác với khí đốt cung cấp qua đường ống, phương Tây đã nhanh chóng tìm được nguồn thay thế dầu của Nga. Vấn đề chỉ nảy sinh ở một số nước châu Âu không có biển và phải phụ thuộc vào tuyến ống Druzhba.
Sau khi bị trừng phạt, Nga cũng nhanh chóng tìm kiếm thị trường mới cho dầu thô của mình và họ đã có thị trường thay thế ở châu Âu, sau khi đưa ra những khoản chiết khấu giảm giá rất hấp dẫn, khiến khách hàng sẵn lòng bỏ qua sức ép từ phương Tây.
Nhưng vấn đề là do không có đường ống dẫn dầu từ Nga đến châu Á nên dầu thô phải đi bằng đường biển, đây là địa bàn phương tây kiểm soát tuyệt đối thông qua sức mạnh quân sự và yếu tố còn hiệu quả hơn chính là "quyền lực mềm".
Do yếu tố lịch sử, nước Anh đã dẫn đầu trong lĩnh vực bảo hiểm hàng hải (H&M) trong suốt thời gian dài vừa qua, hầu hết tàu biển đều sử dụng dịch vụ do những công ty của London cung cấp.
Hiện tại người Anh kiểm soát 90% bảo hiểm vận tải đường biển, thiếu chứng chỉ này tàu chở dầu không thể cập cảng. Đây là "vũ khí" được Brussels và London sử dụng để chống lại Nga, khi họ cấm các doanh nghiệp bán bảo hiểm cho Moskva.
Nhằm chống lại hạn chế trên, Nga đã tạo ra cái gọi là "hạm đội bóng tối”, cụ thể là các tàu chở dầu cũ được đăng ký ở những khu vực pháp lý trung lập bắt đầu được Nga mua lại nhanh chóng với số lượng lớn.
Điều này dẫn tới thực tế là giá thành của các tàu cũ có công suất lớn đã tăng mạnh, điển hình như tàu lớp Suezmax 15 tuổi với trọng tải 160 nghìn tấn đã tăng giá 58,5% và tàu lớp VLCC hạng nặng với trọng tải 200 - 320 nghìn tấn cũng tăng 20,5%.
Theo công ty môi giới tàu biển BRS Group của Pháp, đội tàu "hạm đội bóng tối" chuyên chở dầu bị cấm vận của Nga lên tới hơn 1.000 chiếc, một nửa trong số đó có trọng tải 51 nghìn tấn.
Dầu Nga thuộc diện bị trừng phạt sẽ đến các cảng trên Biển Baltic và Novorossiysk thuộc Biển Đen. Dầu thô được chất lên tàu vận tải nhỏ để ra biển nhiều lần, tại đó nhiên liệu được đưa sang siêu tàu chở dầu lớp Aframax, Suezmax hoặc VLCC.
Khi đã đầy khoang chứa, một siêu tàu chở dầu treo cờ của cường quốc hàng hải nào đó sẽ đi qua Kênh đào Suez và hướng tới Trung Quốc, Ấn Độ hoặc một nơi nào khác.
Mặc dù Nga đã tìm ra cách hiệu quả để vượt qua lệnh trừng phạt của phương Tây, nhưng sắp tới các đối thủ của Moskva sẽ tiến xa hơn trên con đường thắt chặt lệnh cấm vận.
Đầu tiên, EU đang thảo luận về việc Đan Mạch sẽ dừng và kiểm tra các tàu chở dầu của Nga đi qua vùng biển không có bảo hiểm của phương Tây, hay không để tuân thủ luật bảo vệ môi trường của họ.
Tiếp theo, những vấn đề tương tự có thể nảy sinh trong tương lai đối với các tàu thuộc "hạm đội bóng tối của Nga khi chúng đi qua eo biển Thổ Nhĩ Kỳ và kênh đào Suez.
Thứ ba, Ủy ban Châu Âu (EC) có thể khó cho Nga trong việc bổ sung "hạm đội bóng tối". Như đã lưu ý ở trên, Moskva vận hành số lượng lớn tàu chở dầu cũ, tuổi sử dụng của chúng là có giới hạn.
Sắp tới nhiều con tàu cũ nát sẽ không còn được lưu thông và đưa đi tháo dỡ, và Nga phải mua những chiếc khác để thay thế. Gói trừng phạt thứ 12 dự kiến sẽ đưa ra hạn chế đối với việc bán lại tàu chở dầu đã qua sử dụng cho Nga.
Nói cách khác, cuộc chiến tranh kinh tế giữa Nga với phương Tây không phải là một cuộc chạy nước rút mà là chạy marathon, đòi hỏi sức bền từ hai phía, vậy Moskva sẽ phải làm gì để đối phó?
Biện pháp đầu tiên đó là Nga có thể tích cực đóng tàu chở dầu trọng tải lớn để không phụ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài, nhưng cách này vẫn chưa triệt để vì còn vướng bảo hiểm.
Để khắc phục nhược điểm trên, Nga cần có các tuyến vận tải thay thế để tránh phải đi qua Kênh đào Suez và các trung tâm hậu cần do phương Tây kiểm soát, điển hình như phát triển Tuyến đường biển phương Bắc.