Chàng trai "dở người" về quê nhặt lá để làm nón bồ đề đẹp ngỡ ngàng ở Hà Nội

ANTD.VN -  Với đam mê đặc biệt ngành thủ công, anh Kiều Cao Dũng (quê Đại Đồng,Thạch Thất, Hà Nội) bị gọi là "dở người" khi về quê đi nhặt lá. Anh Dũng đã tìm tòi làm ra những nón lá bồ đề đẹp ngỡ ngàng...

Bỏ công việc ổn định với thu nhập hàng chục triệu đồng để về quê hái hoa nhặt lá, Kiều Cao Dũng - làng Đại Đồng (Thạch Thất, Hà Nội) đã tạo ra những chiếc nón lá bồ đề tuyệt đẹp và ý nghĩa.

Nhận thấy lá bồ đề, một loài cây mang ý nghĩa thiêng liêng gắn liền với Phật giáo, ngoài đời cũng rất quen thuộc ở nông thôn Việt Nam, Kiều Cao Dũng đã nảy ra một ý tưởng làm nón từ lá cây bồ đề.

Sau một thời gian nghiên cứu, anh đã ứng dụng phương pháp dùng nước vôi trong để tách thịt lá. Thế nhưng thời gian để tách thịt lá quá lâu, phải mất 60 ngày mới tách được thịt lá ra khỏi xương.

Thử đi thử lại suốt hai tháng trời, kết quả 60 ngày đã rút gọn thời gian tách thịt xuống 30 ngày, sau đó giảm xuống còn 6 ngày, cuối cùng Dũng chỉ mất đúng một ngày.

Sau nhiều ngày vất vả, nhiều đêm thức trắng Dũng đã thành công với thành quả xương lá rất dẻo, đặc biệt cuống và râu lá không bị đứt.

Thế nhưng, dùng lá bồ đề để chằm nón là công việc cực kỳ khó khăn mà chưa ai nghĩ tới do xương lá rất mỏng manh, đưa vào kết nón cho thẩm mỹ và hiệu quả lại càng khó thực hiện.

Dũng lang thang khắp làng Chuông, cái nôi của nón Việt, rồi đến thôn Phú Mỹ (xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Hà Nội) có nghề làm nón truyền thống gặp được bà Doãn Thị Thái đã có bốn đời làm nón để thực hiện ý tưởng

Sau nhiều lần thất bại, nhiều tháng trời trôi qua, cuối cùng chiếc nón xương lá bồ đề đã thành công trong sự vỡ òa của Dũng và bà Thái.

Chiếc nón xương lá bồ đề của Dũng được kết khoảng 500 lá với 9 tầng, mỗi tầng tương ứng với một kích cỡ khác nhau, nối trùng trùng điệp điệp tạo hình như một bông hoa sen đang nở rộ.

Vẻ đẹp mê hồn của nón lá bồ đề

Hiện “Nón lá bồ để Cao Dũng” đã được đăng ký thương hiệu, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua là thời gian sản phẩm của anh chính thức ra mắt trên các sàn giao dịch điện tử,

“Xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàn” với triết lý Phật giáo nhân sinh vòng luân hồi này, Dũng đã thổi hồn và hồi sinh cho những chiếc lá bồ đề mang đến tác phẩm độc đáo nhưng cũng hết sức mộc mạc và gần gũi.

Bằng kinh nghiệm của người đầu tiên ở Việt Nam làm thành công hoa sen bất tử, Dũng áp dụng vào lá bồ đề nhưng khi khâu nón, sản phẩm cục mịch, nặng nề, nếu bán chẳng ai mua.

Nón lá bồ đề có chín tầng lá được xếp từ nhỏ đến lớn, trong đó hai tầng trên cùng xếp hình xoáy trôn ốc, giúp chóp nón cứng, bền, che mưa nắng tốt hơn các nón thông thường.

Giờ đây, chàng trai Hà Nội mong chiếc nón được làm từ lá của loại cây mang biểu tượng Phật giáo sẽ che mát cho các Phật tử khắp nơi trên thế giới trong hành trình tu hành...

Nón lá bồ đề cũng tuyệt đẹp với phụ nữ Việt Nam, nhất là để đi lễ, chùa...