Cặp đôi 'thiên nga trắng' Tu-160 Nga bay qua vùng biển Na Uy

ANTD.VN - Bộ Quốc phòng Nga ngày 26/4 cho biết, cặp đôi máy bay ném bom chiến lược "thiên nga trắng" Tu-160 của nước này đã bay qua vùng biển của Na Uy, trong một chuyến bay kéo dài.
"Hai chiếc oanh tạc cơ chiến lược Tu-160 mang theo tên lửa hành trình đã có chuyến bay theo lịch trình trên không phận ở vùng nước trung lập của biển Barents và vùng biển Na Uy, kéo dài hơn 14 tiếng", Bộ Quốc phòng Nga thông báo ngày 26/4.
Trong chuyến bay dài này, hai chiếc Tu-160 đã được tiếp nhiên liệu trên không vào cả ban ngày và ban đêm.

Hai oanh tạc cơ chiến lược Tu-160 còn được hộ tống bởi tiêm kích đánh chặn MiG-31.

Biển Barents nằm ngoài khơi phía bắc của Na Uy và Nga. Vào năm 2010, hai nước đã ký thỏa thuận phân chia biên giới, cũng như đặt ra vùng nước trung lập để phục vụ hoạt động thăm dò.

Tu-160 được giới quân sự đánh giá là một trong những chiếc oanh tạc cơ mạnh nhất thế giới đang hoạt động.

Loại máy bay này được phát triển và biên chế vào Trung đoàn máy bay ném bom Hạng nặng số 184 thuộc không quân Liên Xô từ đầu năm 1984, đóng quân tại sân bay Pryluky ở Ukraine, khi đó vẫn là nước cộng hòa trực thuộc Liên Xô.
Trải qua gần 40 năm vận hành, đây vẫn là máy bay ném bom siêu thanh có sải cánh và khối lượng rỗng lớn nhất, tốc độ cao nhất từng được chế tạo, đồng thời là loại máy bay chiến đấu to và nặng nhất thế giới.
Tu-160 được trang bị 4 động cơ Kuznetsov NK-32, loại động cơ turbine phản lực cánh quạt lớn và mạnh nhất từng được lắp trên máy bay quân sự.
Tổng cộng 37 chiếc Tu-160 đã được sản xuất tại nhà máy ở thành phố Kazan của Nga, gồm 9 nguyên mẫu thử nghiệm và 28 phi cơ hoàn chỉnh.
Sau khi Liên Xô tan rã cuối năm 1991, Trung đoàn số 184 có hai phi đội Tu-160 với tổng cộng 19 máy bay.
Tất cả phi cơ và vũ khí hạt nhân đi kèm đều được chuyển giao cho quân đội Ukraine mới thành lập.
Tháng 10/1999, Moscow và Kiev ký thỏa thuận tại bán đảo Crimea, theo đó Nga mua lại 8 oanh tạc cơ Tu-160 và 3 chiếc Tu-95MS trong tình trạng kỹ thuật tốt nhất của Ukraine.

Những chiếc Tu-160 bay về Nga trong giai đoạn tháng 11/1999-2/2000. Moscow cũng tiếp nhận 575 tên lửa hành trình hạt nhân Kh-55SM để đổi lấy các khoản giảm nợ khí đốt cho Kiev.

Nga không chế tạo oanh tạc cơ nào mới hoàn toàn kể từ sau năm 1993, trong đó dây chuyền sản xuất dòng Tu-160 đã đóng cửa năm 1995.
Nước này từng xuất xưởng một số máy bay Tu-160 trong giai đoạn 2002-2017, nhưng đều dựa trên những khung thân chế tạo dang dở từ trước.
Mãi tới gần đây, Nga mới cho ra đời một biến thể mới mang định danh Tu-160M2.
Tuy nhiên việc sản xuất loạt loại oanh tạc cơ tối tân này vẫn gặp khó khăn do lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Máy bay Tu-160 có thể thực hiện đòn tấn công bằng bom thông thường, nhưng nhiệm vụ chính và quan trọng nhất khi nó được phát triển vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh vẫn là áp sát không phận Bắc Mỹ để phóng tên lửa hành trình tầm xa khi nổ ra chiến tranh hạt nhân.
Hướng tiếp cận phù hợp nhất là bay qua Bắc Cực, trong đó những chiếc Tu-160 phải tránh được lưới radar cảnh giới đa tầng và tiêm kích đánh chặn của Mỹ, Canada.
Viện thiết kế Tupolev đã áp dụng nhiều biện pháp để giảm diện tích phản xạ radar của Tu-160, khiến nó có độ bộc lộc radar chỉ tương đương tiêm kích hạng nặng F-15.
Tuy nhiên, điều này là chưa đủ để lẩn tránh hệ thống phòng không đối phương, đòi hỏi Tu-160 tiếp cận từ độ cao thấp, sử dụng radar bám địa hình Sopka để hạn chế tối đa khả năng bị phát hiện.
Cảm biến chiếu xạ radar sẽ báo động khi Tu-160 bị radar đối phương bám bắt.
Tổ bay khi đó sẽ kích hoạt hệ thống gây nhiễu và bật chế độ tăng lực động cơ, cho phép oanh tạc cơ bay nhanh gấp hai lần âm thanh để rút ngắn thời gian tiếp cận và tránh bị đánh chặn.
Vũ khí chủ lực của Tu-160 là 12 tên lửa hành trình tầm xa Kh-55 gắn trên hai bệ phóng dạng ổ xoay trong thân, mỗi quả mang đầu đạn hạt nhân với sức mạnh tương đương 250.000 tấn thuốc nổ TNT.
Tên lửa Kh-55 có thể bay bám mặt đất ở độ cao chỉ 100 m, tiếp cận mục tiêu được lập trình trước từ khoảng cách tới 2.500 km nhờ hệ thống dẫn đường quán tính và khớp địa hình.
Tu-160 cũng có thể phóng phiên bản Kh-555 mang đầu đạn thông thường và Kh-55SM với tầm bắn tới 3.000 km.
Trong nhiệm vụ tập kích nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ, Tu-160 có thể khai hỏa tới 24 tên lửa đạn đạo diệt hạm Kh-15 với tầm bắn 300 km.
Ngoài đầu đạn thông thường chúng còn có thể trang bị đầu đạn hạt nhân, đạt tốc độ tối đa gấp 5 lần âm thanh khi lao xuống mục tiêu, được dẫn đường bằng radar chủ động hoặc đầu dò thụ động chuyên bám theo tín hiệu radar đối phương.
Phi hành đoàn của chiếc Tu-160 từng lập kỷ lục về thời gian làm nhiệm vụ với chuyến bay không nghỉ dài 25 tiếng, vượt quãng đường gần 20.000 km hồi năm 2020.
Nga cũng nhiều lần điều biên đội Tu-160 đến Venezuela, Nicaragua, Nam Phi và tuần tra gần bang Alaska của Mỹ.
Dòng máy bay này lần đầu thực chiến năm 2015, trong đó các phi cơ đã phóng hàng chục tên lửa hành trình tàng hình Kh-101 vào mục tiêu của phiến quân Hồi giáo tại Syria.
Mẫu Kh-101 cơ bản có tầm bắn khoảng 4.500 km, trong khi một số chuyên gia quân sự ước tính chúng có thể bay tới 10.000 km trong điều kiện thích hợp.
Tên lửa được nạp sẵn bản đồ điện tử để bay bám địa hình, cũng như hệ thống dẫn đường quán tính và định vị toàn cầu GLONASS để hiệu chỉnh đường bay.
Điều này cho phép Kh-101 đánh trúng mục tiêu cố định với độ sai số mục tiêu chỉ 6-10 m. Nếu được lắp đầu dò quang - điện tử và ảnh nhiệt, nó có thể tấn công cả mục tiêu cơ động như ôtô.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga đã cung cấp khả năng tái lập trình mục tiêu cho Kh-101 trong khi bay, giúp phi công của chiếc Tu-160 cập nhật mục tiêu mới ngay cả khi tên lửa đã phóng đi.
Sau khi nhận ra dự án PAK-DA ngày càng thiếu khả thi do tiến độ chậm trễ và thiếu ngân sách, Bộ Quốc phòng Nga vào năm 2015 đã quyết định khởi động lại dây chuyền chế tạo mới dòng Tu-160.
Không quân Nga cũng đang tích cực hiện đại hóa những chiếc Tu-160 nguyên gốc lên phiên bản Tu-160M.