- Báo động đỏ cho hai nhà thầu lớn Tổng Thăng Long và Cienco 8 tại cao tốc Vĩnh Hảo- Phan Thiết
- Chỉ huy trưởng thường xuyên vắng mặt tại dự án cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây bị “trảm”
Bộ GTVT vừa có thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng tại đợt kiểm tra hiện trường các dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, thời điểm thông xe kỹ thuật và khánh thành đưa các dự án vào khai thác không đổi: thông xe kỹ thuật vào ngày 31/12/2022 và hoàn thành đưa vào khai thác các dự án trước ngày 30/4/2023.
Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu lãnh đạo Ban QLDA 7, Ban QLDA Thăng Long phải thường trực tại hiện trường đến khi hoàn thành dự án để nắm bắt, chỉ đạo Tư vấn giám sát, các nhà thầu trong công tác tổ chức thi công, kịp thời xử lý các vấn đề kỹ thuật phát sinh, đẩy nhanh tối đa thủ tục thanh toán các khối lượng thi công còn tồn đọng, đảm bảo dòng tiền cho các nhà thầu thi công.
Cao tốc Vĩnh Hảo- Phan Thiết phải thông xe kỹ thuật vào ngày 31/12/2022 |
Các nhà thầu thi công được yêu cầu căn cứ mục tiêu hoàn thành, khối lượng còn lại phải thực hiện để huy động mọi nguồn lực (tài chính, thiết bị, máy móc, dây chuyền thi công…) phục vụ thi công; lập tiến độ thi công chi tiết từng ngày cho các khối lượng phải thực hiện (trong đó phải dự trù các điều kiện bất lợi như thời tiết, tính toán chi tiết tiến độ của các hạng mục đường găng, có các giải pháp để thi công bù tiến độ đối với khối lượng chậm của các ngày trước đó…), khắc phục bất lợi về thời tiết, triển khai thi công liên tục 3 ca 4 kíp/ngày để đảm bảo mục tiêu thông xe kỹ thuật và hoàn thành dự án theo đúng tiến độ yêu cầu.
Lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu các nhà thầu chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ GTVT về tiến độ triển khai các dự án; Bộ GTVT sẽ xem xét không cho tham gia thực hiện các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đối với các nhà thầu không thực hiện đúng cam kết.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây là công trình trọng điểm quốc gia, theo chỉ đạo của Chính phủ và Quốc hội, các dự án phải hoàn thành vào cuối năm 2022 nhưng đến nay tiến độ chậm so với yêu cầu, khối lượng thi công còn lại rất lớn trong khi thời gian thi công rất ngắn.
Ngoài các nguyên nhân khách quan do khó khăn về vật liệu, tình hình dịch Covid-19, ảnh hưởng thời tiết bất lợi cũng như giá cả vật liệu leo thang còn có nguyên nhân chủ quan như nhà thầu chưa chủ động tìm kiếm nguồn vật liệu, việc tổ chức điều hành của nhà thầu còn chưa khoa học, chưa có sự quan tâm thỏa đáng của lãnh đạo cấp cao của các nhà thầu đối với tiến độ của dự án, đặc biệt là việc huy động nguồn lực tài chính, chưa có sự phối hợp hỗ trợ giữa các đơn vị thi công.
Trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ GTVT đã phân cấp, ủy quyền toàn bộ thẩm quyền của chủ đầu tư cho Ban QLDA trong quản lý hợp đồng.
Tuy nhiên, việc xử lý các nhà thầu yếu kém còn chậm; đồng thời, việc thực hiện các nội dung chỉ đạo của Bộ GTVT liên quan đến công tác tổ chức thi công, điều hành công trường của các đơn vị chưa nghiêm túc và triệt để, đặc biệt là nguồn lực tài chính.
“Do vậy, việc chậm tiến độ thi công các gói thầu trách nhiệm đầu tiên là của các nhà thầu và công tác điều hành của Ban QLDA 7, Ban QLDA Thăng Long”, lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh.
Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết có chiều dài 100,8 km, được khởi công tháng 9/2020, kế hoạch hoàn thành tháng 12/2022. Đến giữa tháng 10/2022, sản lượng thực hiện đạt 47,74% giá trị hợp đồng, chậm 5,3% so với kế hoạch điều chỉnh (tương đương chậm 11,8% so với kế hoạch đăng ký tại thời điểm tháng 3/2022).
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km, được khởi công tháng 9/2020, kế hoạch hoàn thành tháng 12/2022. Đến giữa tháng 10/2022, sản lượng thực hiện đạt 53% giá trị hợp đồng, chậm 1,33% so với kế hoạch điều chỉnh (tương đương chậm 11,83% so với kế hoạch đăng ký tại thời điểm tháng 1/2022).