Cảnh báo nguy cơ bóng bay bơm khí hydro nơi đông người

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đã xảy ra rất nhiều tai nạn do nổ khí hydro bơm trong bóng bay, nhưng người dân vẫn chưa có được kiến thức và ý thức phòng ngừa nguy cơ thường trực này. 
Một gia đình mua chùm bóng bay bơm khí hydro về tổ chức sinh nhật đã... phát cháy, nổ

Một gia đình mua chùm bóng bay bơm khí hydro về tổ chức sinh nhật đã... phát cháy, nổ

Hiểm họa khôn lường

Tai nạn nổ bóng bay thường xảy ra vào kỳ cuộc đông người như lễ kỷ niệm, khai giảng, sinh nhật, cưới hỏi. Thế nhưng, nhiều người sử dụng không biết hiểm họa trong bóng bay bơm khí hydro, nếu gặp tia lửa hoặc độ ma sát nhất định sẽ gây cháy, nổ khí và có thể dẫn đến thương vong.

Ngay trong ngày đầu khai giảng năm học mới 5-9- 2023, một sự cố nổ bóng bay do bơm khí hydro xảy ra tại Trường Tiểu học xã Yên Phú, huyện Yên Định, Thanh Hóa, khiến nhiều học sinh bị bỏng phải đưa đi cấp cứu.

Thông tin ban đầu, trong lễ khai giảng, ban tổ chức dùng chùm bóng bay để thả. lên trời. Tuy nhiên vào thời điểm trên, chùm bóng bất ngờ phát nổ do khả năng gặp phải nguồn nhiệt.

Trước đó, tối 26-2-2023, bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang đã tiếp nhận bệnh nhi 9 tuổi, ở phường Lê Lợi, TP Bắc Giang trong tình trạng hốt hoảng, sợ hãi, bỏng ở mặt, cổ và một phần bàn tay phải, khuôn mặt bị lột da, mùi khét lẹt do tóc và lông mi bị cháy.

Người nhà bệnh nhân cho hay, cháu được người thân mua cho bóng bay được bơm khí hydro tại cổng trường và khi chơi nghịch quả bóng ở nhà thì đột nhiên quả bóng phát nổ khiến cháu bị thương.

Vào tháng 5-2022, một học sinh lớp 9 tại tỉnh Tuyên Quang đã bị bỏng do mua bóng bay bơm khí hydro để tổ chức bế giảng kết thúc năm học. Bất ngờ chùm bóng phát nổ khiến nạn nhân bị bỏng toàn thân.

Nạn nhân ở Bắc Giang bị bỏng do người thân mua bóng bay bơm khí hydro sau đó gây cháy, nổ

Nạn nhân ở Bắc Giang bị bỏng do người thân mua bóng bay bơm khí hydro sau đó gây cháy, nổ

Đã có nhiều vụ nổ bóng bay do bơm khí hydro, nhưng do nhiều người chủ quan hoặc không được khuyến cáo nguy hiểm nên vẫn sử dụng nên thỉnh thoảng lại xảy ra vụ bỏng do cháy, nổ khí hydro trong quả bóng. Nguyên nhân dẫn đến phát nổ khí thường xuất phát từ việc tác động nguồn nhiệt như để bóng có bơm khí hydro gần ổ điện có “move”, nến, tàn thuốc lá bay, pháo que phụt hoặc thay đổi môi trường nhiệt độ bất thường…

Tại sao bóng bơm khí hydro lại nguy hiểm?

Theo Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó trưởng CAQ Bắc Từ Liêm, Hà Nội: “Đặc điểm nguy hiểm cháy nổ của khí hydro là loại khí dễ cháy nổ, chỉ cần tiếp xúc gần nguồn lửa như tàn thuốc lá, tro đốt vàng mã, nến đang cháy cũng khiến nó phát nổ và lan tỏa nhiệt rất mạnh”.

Theo chuyên gia y tế, khí hydro có cấu trúc phân tử rất bé, có thể dễ dàng thẩm thấu cực nhanh qua màng bóng bay, chỉ cần tiếp xúc với bóng đèn, hay gặp không khí nóng, khi đi ngoài trời nắng là có thể đủ điều kiện kích hoạt phản ứng, khiến một trái bóng có thể nổ tung.

Học sinh bị thương do nổ bóng bay có bơm khí hydro sáng 5-9 trong khi dự lễ khai giảng tại một trường ở Thanh Hóa

Học sinh bị thương do nổ bóng bay có bơm khí hydro sáng 5-9 trong khi dự lễ khai giảng tại một trường ở Thanh Hóa

Việc dễ gây sát thương do khí hydro bị nén trong bóng bay sẽ phát nổ rất mạnh, khoảng cách cầm bóng hoặc sử dụng bóng thường gần người, tay và mặt, vì vậy khi nổ sẽ rất nguy hiểm, có thể gây cháy tóc, bỏng mặt, mù mắt, bỏng tay.

Để tránh những tai nạn đáng tiếc do sử dụng khí hydro trong bóng bay, Cảnh sát PCCC và CNCH – CATP Hà Nội khuyến cáo: “Cần thận trọng khi sử dụng loại bóng bơm khí hydro. Khi cầm bóng tránh di chuyển đến nơi có sự thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột như tránh mang bóng từ ngoài trời vào trong phòng kín, không để bóng trong ô tô hoặc gần vật phát nhiệt như bếp, nến, đèn bóng sợi đốt. Không dùng lửa để cắt dây buộc bóng ra khỏi chùm. Lưu ý, ngay cả khi các trái bóng cọ xát với nhau cũng có thể phát nổ. Đối với trẻ nhỏ, gia đình tuyệt đối không cho chơi bóng bơm khí hydro, đặc biệt, các bóng màu sắc bắt mắt mua ở công viên, công cộng trong ngày lễ, tết hầu hết sử dụng khí hydro để bơm”.

Từ những nguy cơ và vụ việc xảy ra, đã đến lúc, cơ quan chức năng cần có quy định về việc sử dụng bóng bơm khí hydro, đặc biệt ở những khu vực đông người, nhiều con trẻ.