Căng thẳng tàu xe dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Được coi là kỳ nghỉ lớn trong năm chỉ sau Tết Nguyên đán, dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tới đây lại trùng với ngày Giỗ Tổ Hùng Vương nên sẽ kéo dài 5 ngày liên tục. Do vậy, dự báo nhu cầu đi lại của người dân tăng đột biến và sẽ gặp khó khăn.

Khách qua bến xe Hà Nội tăng 300%

Ông Phạm Mạnh Hùng - Giám đốc Công ty CP bến xe Hà Nội nhận định, do kỳ nghỉ lễ 30-4 thường trùng với dịp khai trương mùa du lịch trong năm nên nhu cầu đi lại của nhân dân sẽ tăng mạnh, lưu lượng hành khách sẽ phân bố không đồng đều mà tập trung vào một số địa phương, đặc biệt những địa phương có điểm tham quan, du lịch. Một số tuyến dự kiến sẽ có lượng hành khách tăng cao là Hà Giang, Quảng Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Bình, Lào Cai, Sơn La. Dự kiến lưu lượng hành khách sẽ bắt đầu tăng từ chiều tối 28-4 đến hết ngày 4-5-2023.

Khách đi tàu trong dịp nghỉ lễ 30-4 tới đây cũng đông đúc, các chặng về miền Trung đã cạn vé

Khách đi tàu trong dịp nghỉ lễ 30-4 tới đây cũng đông đúc, các chặng về miền Trung đã cạn vé

Dự báo lưu lượng hành khách qua bến xe trên địa bàn Hà Nội trong kỳ nghỉ lễ như bến Giáp Bát là khoảng 18.000 lượt/ngày, tăng 300% so với ngày thường; lượt xe dự kiến khoảng 900 lượt/ngày. Khách tăng tập trung chủ yếu các tuyến Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa. Bến Gia Lâm lượt khách cao nhất trong các ngày cao điểm khoảng 8.000 lượt/ngày, tăng khoảng 250% so với ngày thường; lượt xe dự kiến là 500 lượt/ngày, chủ yếu tập trung ở các tuyến như Hải Phòng, Quảng Ninh… Bến Mỹ Đình lượng khách trong các ngày cao điểm khoảng 18.000 lượt/ngày, tăng hơn 300% so với ngày thường; lượt xe dự kiến hơn 900 lượt/ngày, chủ yếu ở các tuyến đường Lào Cai, Phú Thọ, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Quảng Ninh, Cao Bằng,…

Để tạo thuận lợi cho hành khách đi lại trong dịp này, các bến xe phải bố trí tăng cường nhân lực tại các điểm “nóng” trên bến xe nhằm kịp thời xử lý các sự cố phát sinh. Đồng thời hướng dẫn, sắp xếp các loại phương tiện tập kết đúng vị trí, di chuyển theo đúng tổ chức giao thông trong bến xe, không để xảy ra tình trạng ùn ứ, lộn xộn, mất trật tự trên bến xe. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng công an phường, công an quận để xây dựng phương án phối hợp đảm bảo an ninh trật tự trên bến, kiểm tra và ngăn chặn việc vận chuyển chất nổ, chất cháy, hàng cấm, hàng giả, triệt phá các tệ nạn xã hội như cờ bạc, cò mồi...

Theo ông Phạm Mạnh Hùng, mặc dù lượng khách và lượng xe tăng hơn so với ngày thường, nhưng dự báo chỉ đạt mức tương đương trong các dịp nghỉ lễ trước đó và không vượt khả năng đáp ứng của các xe vận hành theo biểu đồ trên tuyến. Do đó, lượng xe trên tuyến sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân. Tuy nhiên, các đơn vị vẫn cần có xe dự phòng để kịp thời giải tỏa vào các thời gian cao điểm tại các tuyến có lượng khách đột biến. Công ty sẽ bố trí tăng cường thêm 627 lượt xe tại 3 bến Gia Lâm, Mỹ Đình và Giáp Bát.

Không chỉ các bến xe trên địa bàn Hà Nội mới dự báo có lượng khách qua bến tăng vọt mà tại khu vực phía Nam, dự báo nhu cầu đi lại của người dân dịp này cũng tăng mạnh. Bến xe Miền Đông dự kiến phục vụ khoảng 53.000 hành khách với 2.500 chuyến xe, tăng 120% so với cùng kỳ trong dịp nghỉ lễ 30-4.

Khuyến khích không tăng giá vé và đảm bảo an ninh trật tự

Về giá vé, Công ty CP bến xe Hà Nội cho biết đến thời điểm này chưa nhận được thông báo tăng giá cước của bất kỳ đơn vị vận tải nào. Công ty cũng yêu cầu các bến xe cần kiểm soát từng xe không để các hiện tượng khách lên xe không có vé, lái phụ xe tranh giành khách, ép khách, lấy tiền cao hơn giá vé quy định. Đặc biệt, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng xe chở quá tải, bán vé cao hơn giá đã đăng ký, chèn ép, vòi vĩnh, thu tiền cao hơn giá niêm yết.

Để tạo thuận lợi cho hành khách đi lại trong dịp này, các bến xe phải bố trí tăng cường nhân lực tại các điểm “nóng” trên bến xe nhằm kịp thời xử lý các sự cố phát sinh. Đồng thời hướng dẫn, sắp xếp các loại phương tiện tập kết đúng vị trí, di chuyển theo đúng tổ chức giao thông trong bến xe, không để xảy ra tình trạng ùn ứ, lộn xộn, mất trật tự trên bến xe. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng công an phường, công an quận để xây dựng phương án phối hợp đảm bảo an ninh trật tự trên bến, kiểm tra và ngăn chặn việc vận chuyển chất nổ, chất cháy, hàng cấm, hàng giả, triệt phá các tệ nạn xã hội như cờ bạc, cò mồi...

Ngăn chặn và xử lý kịp thời các hiện tượng gây rối, các hành vi vi phạm pháp luật trên các bến xe. Phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông vận tải đẩy đuổi, xử lý đối với những xe vòng vo, dừng đỗ đón khách trái quy định trước cửa ra, vào bến xe gây mất trật tự, ùn tắc giao thông. Kiên quyết không cho xuất bến đối với các xe không đủ tiêu chuẩn, chất lượng, chở quá tải, hàng hóa lẫn với hành khách, chủ phương tiện uống bia rượu hoặc sử dụng các chất kích thích... để đảm bảo an toàn về người và tài sản cho hành khách đi xe.

Tại phía Nam, bến xe Miền Đông khuyến khích các đơn vị vận tải không thực hiện điều chỉnh tăng giá cước trong thời gian phục vụ dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, 30-4 và 1-5. Trường hợp đơn vị vận tải có kê khai điều chỉnh tăng giá cước thì tối đa không quá 40% (các tuyến Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Yên, Bình Định có hành trình Quốc lộ 13, Quốc lộ 14 và các tuyến khu vực Tây Nguyên) hoặc không quá 20% so với ngày thường (các tuyến thuộc khu vực Bình Dương, Bình Phước).

Dự báo, lượng khách qua các bến xe lớn trên địa bàn Hà Nội tăng đến 300% dịp nghỉ lễ 30-4

Dự báo, lượng khách qua các bến xe lớn trên địa bàn Hà Nội tăng đến 300% dịp nghỉ lễ 30-4

Vé tàu đi miền Trung đã “cạn”

Không chỉ riêng vận tải đường bộ mà khách đi lại bằng đường sắt trong dịp này cũng được cho là “nóng” tương đương dịp nghỉ lễ cùng kỳ năm 2022, thậm chí lượng khách còn được dự báo tăng.

Đến thời điểm giữa tháng 4-2023, theo khảo sát cho thấy, trên website bán vé chính thức của Đường sắt Việt Nam, các đoàn tàu đi miền Trung gần như đã hết vé. Đặc biệt, ngày cao điểm 28-4 tàu đi các điểm du lịch miền Trung như Vinh, Đồng Hới, Đà Nẵng, Nha Trang... đã kín vé, chỉ còn một số vé chuyến tàu sáng và tàu khu đoạn lập thêm. Điển hình như chặng Sài Gòn - Nha Trang, riêng ngày 28-4 có đến 16 chuyến tàu xuất phát ga từ Sài Gòn có dừng trả khách tại ga Nha Trang, nhưng tất cả đều hết vé kể cả ghế phụ. Chỉ còn ngày 27-4, chuyến tàu sáng SE8 và chuyến tàu lập thêm SNT6 còn vé. Giá vé chặng “hot” Hà Nội - Vinh dao động trong khoảng từ khoảng 320.000 đồng/vé/lượt trở lên; chặng Hà Nội - Đồng Hới giá từ 500.000 - 1.000.000 đồng/vé/lượt; chặng Hà Nội - Đà Nẵng giá từ 690.000 - 1.200.000 đồng/vé/lượt; chặng Sài Gòn - Nha Trang từ 600.000 - 1.000.000 đồng/vé/lượt...

“Mặc dù lượng khách và lượng xe tăng hơn so với ngày thường, nhưng dự báo chỉ đạt mức tương đương trong các dịp nghỉ lễ trước đó và không vượt khả năng đáp ứng của các xe vận hành theo biểu đồ trên tuyến. Do đó, lượng xe trên tuyến sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân. Tuy nhiên, các đơn vị vẫn cần có xe dự phòng để kịp thời giải tỏa vào các thời gian cao điểm tại các tuyến có lượng khách đột biến. Công ty sẽ bố trí tăng cường thêm 627 lượt xe tại 3 bến Gia Lâm, Mỹ Đình và Giáp Bát”.

Ông Phạm Mạnh Hùng - Giám đốc Công ty CP bến xe Hà Nội

Đại diện Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, đón bắt nhu cầu hành khách đi tàu tăng cao dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, công ty đã đưa toàn bộ toa xe chất lượng ra để lập thêm 28 mác tàu nhằm phục vụ vận tải khách. Đến nay, các mác tàu đi các tỉnh miền Trung ngày cao điểm và tàu Hà Nội đi Lào Cai đã gần như hết vé, chỉ còn các chặng ngắn hoặc tàu khu đoạn như Hà Nội đi Nam Định, Hải Phòng. Về chính sách giá vé, đường sắt điều chỉnh linh hoạt theo thị trường nhưng chỉ tăng khoảng 5 - 10% so với cùng kỳ 2022 (đối với vé tàu các ngày cao điểm, các chặng “hot”, các tàu xuất phát giờ thuận lợi), còn các ngày khác vẫn giữ giá vé tương đương ngày bình thường.

Tương tự, lãnh đạo Công ty CP vận tải đường sắt Sài Gòn cho hay, đơn vị đã điều chỉnh giá vé theo cung cầu thị trường. Theo đó, cả giai đoạn cao điểm sẽ tăng bình quân khoảng 4 - 7% giá vé cùng kỳ 2022. Trước nhu cầu khách đi tàu còn cao, công ty đã tổ chức lập thêm các đoàn tàu Sài Gòn - Nha Trang (SNT26), Sài Gòn - Đà Nẵng (SE28) xuất phát từ ga Sài Gòn ngày 27-4 và hiện vẫn còn vé. Trước đó, để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, ngành đường sắt phía Nam đã tăng thêm 10 đoàn tàu giữa TP.HCM và các tỉnh miền Trung bên cạnh 52 đoàn tàu Bắc Nam mà Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tăng cường.

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm

Để đảm bảo tối đa phục vụ người dân đi lại dịp nghỉ lễ, Bộ Giao thông - Vận tải vừa có công văn yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam hướng dẫn, đôn đốc các Sở GTVT chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe, thực hiện công khai, minh bạch và đúng quy định về giá cước vận tải, các loại giá, phí dịch vụ tại bến xe.

Các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách có phương án tổ chức vận tải phù hợp, chở đúng tải trọng cho phép, đúng số người theo quy định, bảo đảm năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải và tuân thủ quy định về phòng chống dịch bệnh, dịch Covid-19; kiểm tra chặt chẽ điều kiện an toàn của phương tiện và lái xe trước khi xuất bến, nhắc nhở hành khách thắt dây an toàn khi được chở trên phương tiện; niêm yết các thông tin theo quy định, đặc biệt phía trong khoang hành khách của phương tiện chở khách phải niêm yết biển kiểm soát của phương tiện và số điện thoại của cơ quan chức năng để hành khách biết và phản ánh qua đường dây nóng; tăng cường tuyên truyền quy định pháp luật ATGT, đã uống rượu bia thì không lái xe, hướng dẫn thực hiện quy tắc và kỹ năng tham gia giao thông an toàn trên đường cao tốc, đường đèo dốc...

Bên cạnh đó, Cục Đường bộ thường xuyên phối hợp các Sở GTVT để quản lý hoạt động của phương tiện kinh doanh vận tải (về tốc độ, hành trình hoạt động, thời gian lái xe liên tục và thời gian làm việc trong ngày của lái xe...) thông qua trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe ô tô). Chỉ đạo lực lượng thanh tra phối hợp với Sở GTVT Hà Nội, Sở GTVT TP.HCM và một số địa phương có hiện tượng nhiều “xe dù, bến cóc”, xe quá tải hoạt động để tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định.

Yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam hướng dẫn, đôn đốc các Sở GTVT chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe, thực hiện công khai, minh bạch và đúng quy định về giá cước vận tải, các loại giá, phí dịch vụ tại bến xe. Các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách có phương án tổ chức vận tải phù hợp, chở đúng tải trọng cho phép, đúng số người theo quy định, bảo đảm năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải và tuân thủ quy định về phòng chống dịch bệnh, dịch Covid-19; kiểm tra chặt chẽ điều kiện an toàn của phương tiện và lái xe trước khi xuất bến, nhắc nhở hành khách thắt dây an toàn khi được chở trên phương tiện; niêm yết các thông tin theo quy định, đặc biệt phía trong khoang hành khách của phương tiện chở khách phải niêm yết biển kiểm soát của phương tiện và số điện thoại của cơ quan chức năng để hành khách biết và phản ánh qua đường dây nóng; tăng cường tuyên truyền quy định pháp luật ATGT, đã uống rượu bia thì không lái xe, hướng dẫn thực hiện quy tắc và kỹ năng tham gia giao thông an toàn trên đường cao tốc, đường đèo dốc...

Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các lực lượng an ninh hàng không, cảng hàng không tăng cường công tác kiểm soát an ninh, an toàn bay. Chỉ đạo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Tổng Công ty quản lý bay Việt Nam, các hãng hàng không, các công ty cung cấp dịch vụ hàng không và cảng vụ hàng không có kế hoạch tăng cường nhân lực, trang thiết bị, trang thiết bị phục vụ công tác soi chiếu an ninh - an toàn, công tác tác trả hành lý cho hành khách; bố trí, thông tin hướng dẫn đầy đủ tại các cảng hàng không để hành khách biết và lấy hành lý đúng khu vực quy định, tránh ùn tắc và gây bức xúc cho hành khách, đặc biệt chú trọng đối với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; chỉ đạo các hãng hàng không xây dựng kế hoạch tăng chuyến bay phục vụ trong các ngày cao điểm, bố trí các giờ bay đêm để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách trên cơ sở phù hợp với hạ tầng và bảo đảm an toàn bay; điều hành lịch bay hạn chế tối đa việc chậm chuyến, hủy chuyến đặc biệt trong kỳ nghỉ lễ; thực hiện nghiêm túc việc niêm yết, công bố, công khai giá bán và mức giá vé theo quy định…

Vé máy bay đắt đỏ, khách hàng chuyển hướng du lịch nước ngoài

Dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30-4 và 1-5, nhiều khách hàng chuyển hướng đi du lịch nước ngoài, nguyên nhân một phần do giá vé máy bay đắt đỏ khiến chi phí du lịch trong nước bị đội giá.

Nhiều khách hàng chuyển hướng du lịch nước ngoài do chi phí vé máy bay trong nước quá cao

Nhiều khách hàng chuyển hướng du lịch nước ngoài do chi phí vé máy bay trong nước quá cao

Theo ghi nhận, giá vé máy bay hiện tại, đặc biệt là trong dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30-4 và 1-5 ở mức rất cao so với mặt bằng trước đó. Đặc biệt, nhiều chuyến bay đến các điểm du lịch đã trong tình trạng “cháy vé”.

Cụ thể, giá vé máy bay khứ hồi từ Hà Nội và TP.HCM tới các điểm du lịch nổi tiếng, đặc biệt là các thành phố biển trong nước như Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc… dao động từ 3 - 5,5 triệu đồng cả thuế phí, có chặng cao điểm đã lên tới hơn 8 triệu đồng/khứ hồi, thậm chí có thể lên đến 10 - 11 triệu đồng/khứ hồi. Mặt bằng giá trong kỳ nghỉ lễ cao hơn khoảng 1 - 2 triệu đồng/lượt so với ngày thường. Đơn cử như giá vé khứ hồi Hà Nội - Phú Quốc khởi hành ngày 29-4 và trở lại vào 3-5 của Vietnam Airlines rẻ nhất là hơn 8 triệu đồng/khứ hồi. Cũng tuyến này, giá vé của Bamboo Airways rẻ nhất cũng lên đến khoảng 5,5 triệu đồng/khứ hồi. Còn tuyến Hà Nội - Đà Lạt của tất cả các hãng đều dao động từ 4,8 đến 9 triệu đồng/khứ hồi.

Không chỉ giá vé cao mà nhiều chặng còn khan hiếm, nhiều chuyến bay dịp lễ đã được đặt gần như hết chỗ, chủ yếu vào các ngày 29-4 và 2-5, các vé còn đa phần vào giờ xấu. Nhiều đơn vị dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, đều phản hồi rằng, nhiều đoàn khách đã chốt xong dịch vụ, nhưng khi hỏi giá vé máy bay, thấy cao hơn cả dịch vụ trọn gói đã lắc đầu không đặt nữa. Trong khi đó, giá các tour du dịch đến các nước lân cận lại khá dễ chịu. Điều này khiến nhiều khách hàng đã chuyển hướng chọn du lịch nước ngoài trong kỳ nghỉ lễ này.

Theo đại diện Công ty du lịch Vietravel, du khách rất quan tâm đến các tour du lịch nước ngoài, đặc biệt Thái Lan, Singapore, Malaysia, Campuchia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Công ty lữ hành Saigontourist cũng cho biết, lượng khách đặt tour du lịch nước ngoài tăng mạnh, chiếm gần 70% tổng số khách mua tour du lịch dịp lễ sắp tới.

Các công ty du lịch cho biết, giá tour nước ngoài cũng tăng khoảng 30%, cá biệt có tour tăng tới 60%, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng trong nước nhờ các chương trình khuyến mãi, trợ giá riêng. Chẳng hạn như, tour Thái Lan 5 ngày trọn gói chỉ từ 5,99 triệu đồng; tour Bali 4 ngày từ 10,9 triệu đồng. Các tour Trung Quốc đi Phượng Hoàng Cổ Trấn, Cửu Trại Câu, Thiên Môn Sơn, Trương Gia Giới… mức giá cũng chỉ dao động chỉ từ 15 - 18 triệu đồng cho chuyến đi 6 ngày 5 đêm… Nhiều tour du lịch nước ngoài đến thời điểm này đã kín lịch, chẳng hạn tour Campuchia - Koh Rong Saloem không thể mở thêm đoàn do khách sạn không còn đủ phòng. Các tour đi Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc... đã kín chỗ, nhiều công ty du lịch phải mở thêm booking, xin thêm vé máy bay charter.