Cẩn trọng nguy cơ lộ thông tin cá nhân khi ‘thuê người’ làm dịch vụ công

ANTD.VN -  Đề án 06/CP với hàng chục dịch vụ công thiết yếu đã được triển khai đi vào đời sống ngày càng ổn định hơn. Tuy nhiên, lợi dụng một số người dân hạn chế về nhận thức, các đối tượng “cò” mời chào làm thủ tục hành chính và qua đó, chiếm đoạt dữ liệu cá nhân.

Nở rộ quảng cáo mời làm thủ tục hành chính

Theo Đề án 06/CP, các bộ ngành cung cấp 25 dịch vụ công thiết yếu từ đăng ký khai sinh, tạm trú, thường trú đến cấp hộ chiếu, đăng ký phương tiện cá nhân… đều được thực hiện online.

Việc triển khai thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến đã mang lại nhiều lợi ích cho tổ chức, cá nhân, giúp công dân dễ dàng chủ động nộp hồ sơ vào bất kỳ thời gian, địa điểm nào thông qua các thiết bị điện tử có kết nối Internet mà không phải đến trực tiếp cơ quan quản lý Nhà nước.

Người dân có thể liên hệ cơ quan Nhà nước để được hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính qua Cổng dịch vụ công

Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều đối tượng lợi dụng bộ phận nhỏ người dân không thông thạo về công nghệ thông tin, chưa biết cách thức nộp hồ sơ trực tuyến, ngại tìm hiểu quy trình nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công, đã mời chào làm "dịch vụ công" nhất là trên lĩnh vực làm hộ chiếu, thẻ Căn cước.

"Cò" đăng tin trên các trang mạng như Facebook, Zalo… giới thiệu làm “dịch vụ công online” với những thuận lợi như không mất thời gian đi lại, giấy tờ sẽ được gửi về tận nhà…

Tuy nhiên khi liên hệ với những người này, người dân phát hiện mức lệ phí cao gấp nhiều lần lệ phí theo quy định của Nhà nước. Không chỉ mất tiền mà còn tiềm ẩn nguy cơ bị đánh cắp, mua bán, lộ lọt thông tin cá nhân; các đối tượng xấu dễ dàng sử dụng thông tin cá nhân của công dân để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Không đưa thông tin cá nhân cho người lạ

Thực trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân ở Việt Nam và thế giới rất đáng báo động trong khi hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, ý thức của người dân để bảo vệ thông tin chưa cao. Điển hình là người dân sẵn sàng cung cấp ảnh chân dung, ảnh chụp 2 mặt CCCD, số điện thoại, e-mail chính chủ, địa chỉ, mã OTP… và các thông tin cá nhân khác cho những đối tượng “cò” dịch vụ.

Quảng cáo mời làm dịch vụ công tràn lan mạng xã hội tiềm ẩn nguy cơ lộ lọt dữ liệu cá nhân

Người dân không biết, khi có thông tin, các đối tượng sẽ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, như đăng ký mở tài khoản ngân hàng, vay tiền trên các ứng dụng trực tuyến hoặc đánh cắp các tài khoản trực tuyến mà công dân đang sử dụng như tài khoản ngân hàng, Zalo, Facebook, VNeID…Sau đó, chúng sử dụng các tài khoản đã đánh cắp để thực hiện lừa đảo người thân, bạn bè hay nhiều người khác trên mạng xã hội.

Nhiều “dịch vụ” còn sử dụng hình ảnh các giấy tờ của công dân đăng tải lên trang cá nhân nhằm tạo sự tin tưởng cho khách hàng.

Đáng chú ý, nhiều trường hợp các đối tượng thu tiền nhưng không thanh toán phí cho công dân hoặc thay vì ghi số điện thoại, địa chỉ mail người dân thì ghi điện thoại, địa chỉ mail của đối tượng, rất khó khăn cho cơ quan chức năng liên hệ khi hồ sơ của công dân cần bổ túc. Sau một thời gian, người dân không nhận được giấy tờ, liên hệ cơ quan chức năng mới biết hồ sơ chưa được thanh toán phí nên chưa hoàn tất thủ tục.

Để phòng ngừa nguy cơ lộ thông tin cá nhân, đề nghị nhân dân chỉ sử dụng trang web chính thức có cung cấp dịch vụ công; tuyệt đối không đưa thông tin cá nhân cho người lạ hoặc đăng tải trên các trang mạng xã hội. Nếu có điều gì thắc mắc, hoặc chưa hiểu, chưa tìm hiểu kỹ cần liên hệ cơ quan Nhà nước để được hướng dẫn.

Trường hợp không tự nộp được có thể nhờ bạn bè, người thân am hiểu về công nghệ thông tin, cán bộ Nhà nước công dân thường trú hoặc tạm trú, nhân viên các điểm phục vụ dịch vụ công của bưu điện sẽ hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến để được hỗ trợ. Thường xuyên theo dõi quá trình giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công để kiểm tra.