Thời điểm hưởng lương hưu khi Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ 1/7/2025 tính thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thời điểm hưởng lương hưu đối với người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội, sẽ được tính từ tháng liền kề sau tháng đủ tuổi nghỉ hưu.

Dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, đang được Bộ LĐ-TB&XH xây dựng đã hướng dẫn chi tiết về cách xác định thời điểm hưởng lương hưu đối với người lao động.

Theo dự thảo, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất thời điểm hưởng lương hưu đối với người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội được tính từ tháng liền kề sau tháng đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Trường hợp người lao động tiếp tục làm việc và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sau khi đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, thì thời điểm hưởng lương hưu được tính từ tháng liền kề sau tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc chấm dứt làm việc.

Ví dụ, ông A sinh ngày 10/10/1964, làm việc trong điều kiện lao động bình thường và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 25 năm. Thời điểm hưởng lương hưu của ông A được tính từ tháng 5/2026.

Tương tự, ông B sinh ngày 1/10/1964, làm việc trong điều kiện lao động bình thường và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 25 năm. Ông B tiếp tục làm việc và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sau khi đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, đến hết ngày 31/12/2026 thì chấm dứt hợp đồng lao động để hưởng bảo hiểm xã hội. Như vậy, thời điểm hưởng lương hưu của ông B được tính từ tháng 1/2027.

Trường hợp hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động đối với người có đủ điều kiện về tuổi và thời gian đóng bảo hiểm xã hội, thì thời điểm hưởng lương hưu được tính từ tháng liền kề sau tháng có kết luận bị suy giảm khả năng lao động.

Trường hợp người lao động có kết luận bị suy giảm khả năng lao động trước tháng đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, thì thời điểm hưởng lương hưu được tính từ tháng liền kề sau tháng đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Chẳng hạn, ông D sinh ngày 10/7/1970, làm việc trong điều kiện lao động bình thường và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 23 năm. Ngày 5/4/2027, Hội đồng Giám định y khoa kết luận ông D bị suy giảm khả năng lao động 61%. Thời điểm hưởng lương hưu của ông D được tính từ tháng 5/2027.

Hay bà T sinh ngày 13/7/1975, làm việc trong điều kiện lao động bình thường và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 25 năm. Bà T được Hội đồng Giám định y khoa kết luận bị suy giảm khả năng lao động 61% từ ngày 16/4/2024. Thời điểm hưởng lương hưu của bà T được tính từ tháng 12/2027.

Đối với trường hợp không xác định được ngày, tháng sinh (chỉ ghi năm sinh), thì thời điểm hưởng lương hưu được tính từ tháng liền kề sau tháng đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Tháng đủ tuổi nghỉ hưu được xác định trên cơ sở lấy ngày 1/1 của năm sinh để làm căn cứ xác định tuổi của người lao động.

Bộ LĐ-TB&XH ví dụ, bà C trong hồ sơ chỉ thể hiện sinh năm 1970 (không có ngày, tháng sinh), làm việc trong điều kiện lao động bình thường, và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 18 năm.

Trường hợp bà C khi xác định điều kiện hưởng lương hưu lấy ngày 1/1 của năm sinh (1/1/1970) để làm căn cứ xác định tuổi của người lao động. Như vậy, thời điểm hưởng lương hưu của bà C được tính từ tháng 6/2027.

Thời điểm hưởng lương hưu sớm nhất của người lao động hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 64 của Luật Bảo hiểm xã hội và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, là từ ngày Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực thi hành.

Ví dụ, bà C sinh ngày 15/1/1968, làm việc trong điều kiện lao động bình thường, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 17 năm và đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

Ngày 20/9/2025, bà C có văn bản đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội giải quyết cho bà được hưởng lương hưu kể từ khi đủ điều kiện.

Thời điểm hưởng lương hưu đối với bà C được tính kể từ tháng 7/2025 (kể từ ngày Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực thi hành).