Chặn "mầm" phát sinh tội phạm từ lộ lọt dữ liệu cá nhân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lộ lọt dữ liệu cá nhân trong hoạt động của một số cơ quan, tổ chức và sự chủ quan của người dân trong thời gian qua đã tạo "kẽ hở" để các đối tượng tội phạm sử dụng công nghệ cao lợi dụng hoạt động. Từ thông tin của cá nhân, chúng dễ dàng thực hiện các hoạt động phi pháp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản...

“Cạm bẫy” vay tiền nhanh

Nguyễn Văn Tuấn, sinh năm 2004, trú tại huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội, cùng đồng bọn đã lập và thu mua nhiều tài khoản Zalo và Face book ảo. Sau đó, các đối tượng dùng các tài khoản này đăng bài quảng cáo với nội dung cho vay tiền nhanh, lãi suất thấp trên mạng xã hội.

Khi người có nhu cầu vay tiền liên hệ các đối tượng dàn dựng "kịch bản" ép các nạn nhân phải chuyển trước cho chúng một khoản chi phí thì mới cho vay. Sau khi nạn nhân đáp ứng các yêu cầu, nhóm đối tượng nhanh chóng chặn toàn bộ liên hệ với nạn nhân để chiếm đoạt tiền.

Dù tuổi đời còn trẻ nhưng ổ nhóm này hoạt động rất có tổ chức, các thành viên trong nhóm được phân công nhiệm vụ rõ ràng. Sau mỗi vụ lừa đảo thành công Nguyễn Văn Tuấn sẽ hưởng chênh lệch từ 60 đến 70 % số tiền chiếm đoạt được. Nạn nhân của nhóm đối tượng này thường là học sinh và sinh viên.

Để tổ chức hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, nhóm đối tượng này chọn địa điểm là các căn hộ chung cư khép kín, có lực lượng bảo vệ, quản lý chặt chẽ người ra vào. Đồng thời, thường xuyên thay đổi địa điểm, mỗi địa điểm thường chỉ thuê và hoạt động không quá 3 tháng nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan Công an.

Nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng bị Công an quận Hà Đông bắt giữ

Nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng bị Công an quận Hà Đông bắt giữ

Căn cứ các tài liệu chứng cứ thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Hà Đông đã khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự 5 đối tượng về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”

“Các đối tượng phạm tội đang đánh vào tâm lý người dân muốn vay tiền dễ dàng, nhanh chóng, thủ tục đơn giản....để lừa đảo. Người dân khi có nhu cầu vay tiền nên tìm đến các tổ chức uy tín được nhà nước cấp phép, không nên tìm các nguồn vay trên mạng xa hội rất dễ bị trúng “bẫy” của tội phạm”, Đại úy Nguyễn Công Chiến, Đội Cảnh sát Hình sự, Công an quận Hà Đông, TP.Hà Nội đưa ra khuyến cáo đối với người dân.

Trên mạng xã hội hiện nay đang xuất hiện một loạt fanpage, hội nhóm cho vay tiền online với lãi suất thấp, kèm theo những điều kiện hấp dẫn như không cần chứng minh thu nhập, nợ xấu cũng vay được tiền.

Chị Hoa, trú tại thành phố Bắc Giang là một trong số hàng nghìn người trên cả nước đã bị nhóm 31 đối tượng, giả danh nhân viên ngân hàng, công ty tài chính lừa đảo, chiếm đoạt tiền mà công an tỉnh Bắc Giang đã điều tra, khám phá. Ước tính các đối tượng trên đã gây thiệt hại cho các bị hại trên 30 tỷ đồng.

Chị Hoa cho biết. “Tôi vào những trang cho vay nhanh, mới đầu người ta cũng liên lạc với mình qua Zalo. Họ nói nếu muốn vay 20 triệu chỉ cần gửi ảnh chứng minh thư và ảnh 3x4, qua số zalo họ sẽ làm hồ sơ cho vay. Họ khẳng định họ là nhân viên ngân hàng nên rất đảm bảo vì thế mà tôi tin tưởng”

Theo lời khai của các đối tượng tại cơ quan Công an, chúng dùng các tài khoản facebook "ảo" để đăng bài trên các hội nhóm. Khi có khách hàng sẽ yêu cầu kết bạn zalo để tư vấn người vay. Bằng cách này, rất nhiều nạn nhân đã trở thành nạn nhân của những đối tượng lừa đảo này.

Mua bán tài khoản ngân hàng tràn lan

Hiện nay, tài khoản ngân hàng cũng được mua bán, cho thuê rầm rộ, công khai trên mạng xã hội.

Tại tỉnh Thanh Hóa, Công an huyện Như Xuân đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối tượng Huỳnh Văn Long, sinh năm 1989, ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai về tội danh “thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng”

Qua điều tra cho thấy từ đầu năm 2023 đến thời điểm bị bắt, Long đã mua bán, trao đổi hơn 60 tài khoản ngân hàng. Đáng chú ý đối tượng này còn làm thủ tục lập 5 công ty ma với những cái tên rất “kêu” như: Công ty TNHH công nghệ thông tin VSO, Công ty TNHH thanh toán điện tử tài chính. Với những công ty trên, các đối tượng đã dẽ dàng lập tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau rồi cho thuê lại những tài khoản này, với mức giá từ 6 đến 10 triệu đồng/1 tài khoản/ 1 tháng.

“Ngoài việc thu gom tài khoản của các cá nhân để bán kiếm lời, các đối tượng còn sử dụng chính thông tin cá nhân này để mở công ty “ma” không có hoạt động kinh doanh. Sau đó, chúng sử dụng các giấy phép kinh doanh vừa được mở này đến các ngân hàng mở các tài khoản, rồi dùng các tài khoản này để bán cho các đối tượng lừa đảo, đánh bạc hoặc rửa tiền trên không gian mạng để hoạt động phạm tội”, Trung tá Lê Hữu Toàn, Đội trưởng Đội Canh sát Hình sự, CA huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết.

Thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, số vụ lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam đã tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 37,82% so với 06 tháng cuối năm 2022.

Theo đó, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo không mới, vẫn là giả danh nhân viên công ty tài chính, ngân hàng duyệt hồ sơ cho vay và yêu cầu người vay đóng các khoản phí phát sinh mới được nhận tiền vay như phí vay vốn và bảo hiểm khoản vay, phí bảo lưu hồ sơ vay…

Sau khi người vay thực hiện yêu cầu, các đối tượng gọi điện thông báo đã giải ngân nhưng bịa ra lý do rằng, tài khoản của người vay bị lỗi, phải nộp thêm một số tiền làm tài sản đối ứng nhằm đảm bảo khoản vay trong thời gian chờ ngân hàng xử lý sự cố. Nhiều người do cả tin nên đã tiếp tục chuyển tiền vào các tài khoản do đối tượng lừa đảo chỉ định.

Trước thủ đoạn lừa đảo tinh vi, có nhiều diễn biến phức tạp trên không gian mạng, cơ quan Công an khuyến cáo, người dân cần chủ động nâng cao ý thức cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản.