Cần tăng chế tài đối với cơ sở không được phép gia cố thành, thùng xe tải

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Xe tải cơi nới, cải tạo gia cố thành, thùng xe để vận chuyển hàng hóa tải trọng cho phép, khi lực lượng chức năng phát hiện sẽ xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, cần xem xét trách nhiệm của các cơ sở gia công cơ khí, không được cấp phép và không đủ điều kiện, nhưng vẫn cố tình tiếp tay cho xe tải vi phạm. Vấn đề này đã được luật sư Đặng Văn Sơn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) chia sẻ với An ninh Thủ đô.
Luật sư Đặng Văn Sơn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Luật sư Đặng Văn Sơn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Theo luật sư Đặng Văn Sơn, thực trạng xe ô tô chở quá tải với kích thước tổng thành xe vượt quá khuôn khổ cho phép là rất phổ biến ở nhiều tỉnh, thành phố. Khi những phương tiện này tham gia giao thông, dễ dàng nhận thấy nó đã được cải tạo, cơi nới nhằm mục đích gia tăng tải trọng và quá khuôn khổ cho phép của phương tiện. Và một khi các phương tiện được cơi nới để vận chuyển hàng hóa quá tải, quá khổ thì luôn tiềm ẩn những rủi ro cho chính phương tiện ấy cũng như những người, phương tiện tham gia giao thông khác. Đặc biệt, những xe tải chở vật liệu xây dựng, chở hàng quá tải luôn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống đường giao thông, khiến đường sá xuống cấp nhanh chóng mà không kịp cải tạo, nâng cấp. Từ đó, có thể dẫn đến những tai nạn giao thông rất đáng tiếc, đau lòng.

Về quy định và chế tài đối với phương tiện chở quá trọng tải cho phép, luật sư Đặng Văn Sơn viện dẫn, theo quy định tại Khoản 2, Điều 55, Chương IV - Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Hành vi vi phạm này sẽ được xác định theo quy định tại Thông tư 06/2017/TT-BGTVT ngày 28-2-2017 của Bộ Giao thông - Vận tải và việc xử phạt vi phạm hành chính đối với lỗi thay đổi kết cấu, tổng thành phương tiện sẽ căn cứ theo quy định tại Nghị định 100/2021 và Nghị định 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 28-12-2021.

Theo đó, phạt tiền từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng nếu điều khiển xe ô tô tải (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) có kích thước thùng xe không đúng với thông số kỹ thuật được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt bằng tiền, chủ phương tiện hoặc người điều khiển xe có hành vi vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là thay thế thùng xe đúng với tiêu chuẩn, khôi phục lại hình dáng, kích thước và tình trạng an toàn kỹ thuật ban đầu. Tương tự, theo Khoản 9, Điều 30, Mục 6, Chương II - Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì phạt tiền từ 6.000.000 - 8.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 12.000.000 - 16.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô đưa xe ô tô tải có kích thước thùng xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế đã đăng ký với cơ quan đăng ký xe hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tham gia giao thông.

Cảnh sát Giao thông, CATP Hà Nội quyết liệt xử lý các phương tiện quá khổ, quá tải có nguy cơ gây tai nạn giao thông

Cảnh sát Giao thông, CATP Hà Nội quyết liệt xử lý các phương tiện quá khổ, quá tải có nguy cơ gây tai nạn giao thông

Đề cập đến vấn đề trách nhiệm của cơ sở cơ khí gia cố, cơi nới nhằm thay đổi kích thước, kết cấu tổng thành xe ô tô tải, luật sư Đặng Văn Sơn đánh giá, hiện nay, Luật Giao thông đường bộ cũng như các quy định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan mới chỉ có quy định và xử phạt đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông và chủ phương tiện khi vi phạm các lỗi liên quan đến quá tải, quá khổ. Mức xử phạt đối với người điều khiển phương tiện là từ 800.000 đến 12 triệu đồng và từ 2 đến 20 triệu đồng đối với chủ phương tiện.

“Luật Giao thông đường bộ, các nghị định hướng dẫn cũng như các quy định pháp luật khác chưa đề cập đến quy định, chế tài cụ thể về việc xử lý những cơ sở cơ khí thực hiện gia cố, cơi nới thùng xe ô tô tải. Bởi các cơ sở cơ khí gia cố xe ô tô tải không có chức năng, nhiệm vụ kiểm soát hay đánh giá từng loại phương tiện. Họ chủ yếu sửa chữa, gia cố theo yêu cầu của khách hàng và việc xe của khách hàng có đủ điều kiện hay không đủ điều kiện tham gia giao thông thì các cơ sở cơ khí không có trách nhiệm” - luật sư Đặng Văn Sơn nhấn mạnh.

Do đó, để ngăn chặn cũng như xử lý hiệu quả các trường hợp xe ô tô tải vi phạm về giới hạn khổ xe cho phép và chở quá tải trọng, vị luật sư này cho rằng cần phải có chế tài đủ mạnh. Vì thực tế cho thấy, mức xử lý hiện nay là chưa tương xứng và quá nhẹ so với mức lợi nhuận mà lái xe cùng chủ phương tiện thu được từ việc chở quá tải trọng. Bên cạnh đó, cần sự tăng cường kiểm tra, giám sát của các lực lượng chức năng trong hoạt động giao thông đường bộ và quản lý chặt chẽ việc đăng kiểm phương tiện nhằm đảm bảo việc lưu hành, tham gia giao thông an toàn, đúng quy định.