Cân nhắc tăng lương tối thiểu trong năm 2015

ANTĐ - Ngày 5-6, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đơn vị đại diện cho giới sử dụng lao động trong Hội đồng tiền lương Quốc gia cho biết, do tình hình kinh tế vẫn khó khăn nên các doanh nghiệp không muốn điều chỉnh tăng lương tối thiểu cho người lao động vào năm tới. Nếu bắt buộc phải tăng thì mức tăng không quá 12% so với năm nay.

Doanh nghiệp may mặc sẽ bị ảnh hưởng mạnh khi tăng lương tối thiểu

Mong muốn lùi lộ trình tăng lương

Ông Phùng Quang Huy, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động - VCCI cho biết, với tư cách là một thành viên trong Hội đồng tiền lương Quốc gia - đại diện cho phía người sử dụng lao động, VCCI đang tích cực nghiên cứu, tính toán để xây dựng phương án điều chỉnh lương tối thiểu năm 2015 sao cho hợp lý, thuyết phục để trình Hội đồng tiền lương Quốc gia thảo luận, xem xét vào cuối năm nay. Hiện tại, VCCI đang khảo sát đời sống, nhu cầu của công nhân, khả năng chi trả của doanh nghiệp và bước đầu nhận thấy, các doanh nghiệp trong nước đều đang hết sức khó khăn, khả năng chi trả nếu điều chỉnh lương tối thiểu vào đầu năm tới là rất yếu. 

Ông Phùng Quang Huy cho biết, với tình hình thực tiễn như vậy, giới sử dụng lao động mong muốn đề xuất với Hội đồng tiền lương Quốc gia tạm thời không xem xét điều chỉnh tăng lương tối thiểu trong năm 2015, lùi lộ trình tăng lương tối thiểu sang năm 2016. Trong trường hợp Chính phủ chỉ đạo bắt buộc phải điều chỉnh lương tối thiểu trong năm 2015, mức điều chỉnh mà VCCI dự kiến đề xuất tối đa sẽ không tăng quá 12% so với năm nay. Theo ông Huy, con số này được đưa ra dựa trên cách tính lấy tỷ lệ tăng trưởng kinh tế đất nước (GDP) cộng với chỉ số lạm phát. Theo đó, nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước vào khoảng 5% thì tương đương lương tối thiểu sẽ điều chỉnh tăng 4,5% (GDP tăng 1% thì phải điều chỉnh lương tối thiểu tăng tương ứng là 0,9%). Tương tự, chỉ số lạm phát năm nay dự kiến vào khoảng 6%, lương tối thiểu sẽ điều chỉnh tương ứng khoảng 5%.

Lo ngại doanh nghiệp gặp khó khăn

Bà Nguyễn Huyền Lê, Viện Khoa học lao động xã hội - Bộ LĐ-TB&XH cho biết, việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu năm 2015 dự báo sẽ tác động mạnh đến khả năng chi trả cũng như hoạt động chung của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp ngành dệt may, da giày, thủy sản và các doanh nghiệp đang áp dụng thang, bảng lương của Nhà nước. Theo khảo sát, nếu lương tối thiểu được điều chỉnh tăng từ 10-24% sẽ làm tăng chi phí tiền lương doanh nghiệp từ 17-29% trong ngành da giày, khiến chi phí đầu vào tăng khoảng 7-8%. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, thậm chí có thể dẫn đến thu hẹp sản xuất.

Về phía người lao động, cơ quan bảo vệ người lao động là Tổng liên đoàn lao động Việt Nam bao giờ cũng muốn lương tối thiểu được tăng cao để đời sống công nhân được đảm bảo, đỡ khó khăn hơn. Do đó, Hội đồng tiền lương Quốc gia phải là đơn vị có tiếng nói cuối cùng trong việc có quyết định điều chỉnh lương tối thiểu vào năm tới hay không. Nhìn lại năm 2013, phía VCCI đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2014 vào khoảng 10%, phía Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất 2 phương án tăng lương tối thiểu với mức tăng từ 21-36%. Kết quả sau khi thương lượng, cân đối, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã trình Chính phủ thông qua phương án điều chỉnh tăng lương tối thiểu năm 2014 lên 15-17%. 

Ông Philip Hazelton, Cố vấn trưởng Dự án Quan hệ lao động của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng, những đề xuất về phương án điều chỉnh lương tối thiểu của các tổ chức đại diện người sử dụng lao động và tổ chức công đoàn - đơn vị bảo vệ quyền lợi người lao động phải dựa trên những số liệu thống kê đáng tin cậy và những phân tích dữ liệu chính xác, tính đến cả các tiêu thức xã hội và kinh tế. Nói cách khác, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu áp dụng cho năm 2015 cần được cân nhắc ở mức phù hợp, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhưng cũng phải đảm bảo được tiền lương thực tế và đáp ứng nhu cầu đời sống tối thiểu cho người lao động. Hiện tại, mức lương tối thiểu của người lao động nước ta từ 1,9 triệu đồng - 2,7 triệu đồng/ tháng, tùy theo từng vùng kinh tế.