Cái giá tồi tệ

ANTĐ - Ai cũng giật mình khi biết rằng chi phí cho vũ khí trên thế giới trong năm 2011 đã vượt mức 1.700 tỷ USD, gấp gần hai lần so với chi tiêu của LHQ cho sứ mệnh gìn giữ hòa bình, bảo vệ nhân quyền và phát triển.

Máy bay chiến đấu là mặt hàng được mua bán nhiều nhất

Thông tin trên được Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đưa ra tại diễn đàn cấp cao của Đại hội đồng LHQ về “Văn hóa hòa bình”. Theo ông Ban Ki-moon, đó là cái giá “hết sức tồi tệ đối với những con người phải đi ngủ mà bụng đói, đối với các trẻ em chết mòn vì thiếu nước sạch, đối với các nông dân với cánh đồng rải đầy mìn”. 

Chưa bao giờ buôn bán vũ khí lại nhộn nhịp như hiện nay. Báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố hồi năm ngoái cho biết, trong 5 năm từ 2006 đến 2010, hoạt động buôn bán vũ khí trên thế giới tiếp tục sôi động, với khối lượng buôn bán  vũ khí toàn cầu tăng 24% so với 5 năm trước.

Mỹ liên tục giữ vị trí là nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 30% lượng vũ khí xuất khẩu toàn cầu trong giai đoạn trên. Gần 45% số vũ khí xuất khẩu của Mỹ được bán cho các nước thuộc khu vực châu Á và châu Đại Dương. Ấn Độ là quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chiếm 9% số lượng vũ khí được chuyển giao, tăng 21% so với giai đoạn 5 năm trước. Đứng ở vị trí tiếp theo là Trung Quốc và Hàn Quốc khi mỗi nước nhập khoảng 6% số lượng vũ khí buôn bán trên thế giới.

Hệ quả của sự “nhộn nhịp” trên thị trường mua bán vũ khí là những thiệt hại khổng lồ về con người do bạo lực vũ trang bất hợp pháp xảy ra trên khắp thế giới. Theo tổ chức “Kiểm soát vũ khí”, gần 75.000 người chết do xung đột và bạo lực vũ trang mỗi năm trong bối cảnh chỉ 2 trong 3 người trong dân số thế giới hiện được sống ở các nước có hòa bình. Tính đến cuối năm 2010, trên thế giới có tới 27,5 triệu người phải tha hương ngay trên quê hương họ, hàng triệu người phải tị nạn ở nước ngoài do hậu quả của các cuộc xung đột bằng vũ khí thông thường... 

Cái giá phải trả cho nạn mua bán vũ khí tràn lan ai cũng biết nhưng ngăn chặn mối hiểm họa này lại không dễ bởi hiện đang có sự cạnh tranh “khốc liệt” giữa các quốc gia. Dưới sức hút của nguồn lợi nhuận khổng lồ, chẳng mấy ai còn quan tâm đến hậu quả từ việc số lượng vũ khí gia tăng trên thế giới.

Chính vì vậy, thế giới cần đến một Hiệp ước buôn bán vũ khí, công cụ vô cùng quan trọng mà người ta hy vọng là chỉ trong một thế hệ có thể chấm dứt thiệt hại khổng lồ về người và của do buôn bán vũ khí bất hợp pháp và vô trách nhiệm gây ra. Thế giới cần đảm bảo rằng vũ khí và đạn dược không được chuyển giao cho các nước thực sự có nguy cơ sử dụng những loại vũ khí này để vi phạm luật nhân đạo quốc tế và luật quốc tế về quyền con người.