Brussels vượt lên ám ảnh

ANTĐ - 12 ngày sau vụ đánh bom liều chết kinh hoàng tại Bỉ làm 35 người thiệt mạng, sân bay Zaventem ở Thủ đô  Brussels đã được mở cửa trở lại. Tuy nhiên, người dân Bỉ vẫn chưa thoát khỏi mối lo khủng bố.

Brussels vượt lên ám ảnh  ảnh 1

Sân bay Zaventem hoạt động trở lại trong sự kiểm soát an ninh nghiêm ngặt

Đầu giờ chiều 3-4, ba chuyến bay mang tính tượng trưng đã cất cánh từ sân bay Zaventem của Thủ đô Brussels tới các thành phố Faro, Athens và Turin. Theo thông báo, hệ thống làm thủ tục tạm thời tại sân bay Zaventem chỉ có thể xử lý thủ tục cho 800 hành khách mỗi giờ. Vì thế, sân bay mới hoạt động được với 20% công suất bình thường. Phải mất nhiều thời gian nữa, số chuyến bay mới tăng trở lại mức bình thường. 

Đây là tín hiệu mừng với Chính phủ của Thủ tướng C. Michel trong bối cảnh kinh tế không sáng sủa. Với một đất nước nhỏ chỉ có 11 triệu dân, thu nhập 3 tỷ euro mỗi năm mà sân bay Zaventem đem lại cho nền kinh tế Bỉ là con số không nhỏ. Hiện chưa có con số chính thức về thiệt hại kinh tế sau vụ đánh bom tại sân bay Zaventem, nhưng Hãng hàng không Brussels Airlines cho biết, mỗi ngày hãng này đang thiệt hại khoảng 5 triệu euro.

Tuy nhiên, sự hoạt động trở lại của sân bay Zaventem không đồng nghĩa với việc nguy cơ khủng bố ở Bỉ đã được loại bỏ. Trái lại, càng ngày người ta càng nhận rõ thêm những lỗ hổng an ninh đã biến nước Bỉ thành “mảnh đất màu mỡ” của quân thánh chiến Hồi giáo. Theo ghi nhận của báo Tây Ban Nha El Mundo, từ 15 năm trở lại đây, thủ phạm các vụ khủng bố tấn công trên lãnh thổ châu Âu đều có mối liên hệ đến từ nước Bỉ. 

Bằng chứng là từ loạt khủng bố ở Madrid năm 2004 làm 191 người thiệt mạng đến vụ tấn công ở London tháng 7-2005, vụ thảm sát tại bảo tàng Do Thái ở Brussels tháng 5-2014, hay gần đây hơn là hai đợt khủng bố ở Paris vào tháng 1 và 11-2015… đều ít nhiều có liên quan đến Vương quốc Bỉ. Xa hơn nữa về quá khứ, cách đây 20 năm, cuốn cẩm nang “tiến hành thánh chiến tại châu Âu” đầu tiên đã được tìm thấy trên đất Bỉ. Rồi năm 2001, những kẻ ám sát lãnh tụ phong trào kháng chiến Afghanistan, tướng Massoud, cũng mang hộ chiếu Bỉ.

Về mặt địa lý, Bỉ là một quốc gia nhỏ bé, chỉ cần 2 tiếng lái xe, người ta có thể xuyên qua vương quốc này. Đây là một yếu tố rất thuận lợi cho các hoạt động phạm pháp. Các tay anh chị dễ dàng thoát lưới cảnh sát trước khi hành vi phạm tội bị phát hiện. Bên cạnh đó, do có một hệ thống hành chính phức tạp, chồng chéo giữa chính quyền trung ương và địa phương nên hợp tác giữa các bộ phận an ninh rất lỏng lẻo.

Năng lực của cảnh sát Bỉ cũng đang có vấn đề. Trong 2 năm qua, Bỉ đã đầu tư 600 triệu euro (khoảng 670 triệu USD) cho ngành cảnh sát và các dịch vụ an ninh, song sự sao lãng kéo dài hàng thập kỷ qua đã gây ra nhiều sự thiếu hụt và yếu kém, qua đó cản trở việc đối phó hiệu quả đối với chủ nghĩa cực đoan bạo lực.

Sau vụ tấn công khủng bố kinh hoàng tại Thủ đô Brussels hôm 22-3, Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích Bỉ vì trước đó đã thông báo cho Bỉ về hồ sơ phạm tội của 2 kẻ đánh bom liều chết trong vụ tấn công là anh em nhà El Bakraoui. Tuy nhiên, sau khi được trả về Bỉ, Ibrahim El Bakraoui đã được trả tự do sau khi giới chức nước này không phát hiện được các bằng chứng liên quan.

Trong khi đó, theo số liệu mới nhất do Trung tâm phân tích khủng bố của Pháp công bố ngày 21-3, có 534 công dân Bỉ đã bị lôi kéo rời khỏi châu Âu để tham gia các phong trào thánh chiến cực đoan ở Syria và Iraq và hiện mới có hơn 100 người trở về.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) từng tuyên bố đánh bom Thủ đô Brussels vì Bỉ là một phần trong liên minh chống lại IS ở Syria và Iraq. Tuy nhiên, theo thông tin tình báo, đây chỉ là một phần trong kế hoạch thánh chiến lâu dài của IS ở châu Âu mà Bỉ là một địa bàn thuận lợi. Làm thế nào để loại bỏ nguy cơ trở thành “cứ địa của quân khủng bố trong lòng châu Âu” đang là câu hỏi làm nước Bỉ đau đầu.