Bóp nghẹt Dải Gaza

(ANTĐ) - Vụ tấn công đẫm máu của hải quân Israel vào đoàn tàu chở hàng viện trợ cho Dải Gaza cho thấy chính sách của Tel Aviv quyết bóp nghẹt vùng đất này để làm nản lòng ý chí độc lập của người Palestine.

Bóp nghẹt Dải Gaza

(ANTĐ) - Vụ tấn công đẫm máu của hải quân Israel vào đoàn tàu chở hàng viện trợ cho Dải Gaza cho thấy chính sách của Tel Aviv quyết bóp nghẹt vùng đất này để làm nản lòng ý chí độc lập của người Palestine.

Người Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình phản đối hành động bạo lực của Israel
Người Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình phản đối hành động bạo lực
của Israel

Kênh vệ tinh al-Jazeera và kênh truyền hình NTV của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin các tàu chiến của Israel đã tấn công 6 tàu chở hơn 600 nhà hoạt động ủng hộ Palestine và 10.000 tấn nhiên liệu cùng hàng viện trợ cho khu vực Dải Gaza của Palestine đang bị phong tỏa, làm ít nhất 10 người thiệt mạng và 30 người khác bị thương. Giận dữ trước hành động bạo lực trên, người Thổ Nhĩ Kỳ đã biểu tình ném đá vào Lãnh sự quán Israel tại thủ đô Istanbul để phản đối. Quan hệ Israel - Thổ Nhĩ Kỳ đang nóng lên từng ngày.

Đây là lần thứ 9 Phong trào Giải phóng Gaza, một tổ chức quốc tế bao gồm các nhà hoạt động ủng hộ Palestine, cố gắng đưa hàng cứu trợ nhân đạo tới Dải Gaza, khu vực bị Israel áp đặt lệnh phong tỏa sau khi phong trào Hamas cực đoan giành quyền kiểm soát vùng lãnh thổ bên bờ biển này hồi tháng 6-2007. Giải thích cho chính sách phong tỏa Dải Gaza, Israel nói rằng các biện pháp này là cần thiết nhằm ngăn chặn Hamas - vốn đã bắn hàng nghìn quả rocket vào Israel - xây dựng kho vũ khí.

Hôm qua 31-5, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố nước này sẽ quốc tang 3 ngày nhằm tưởng niệm những người thiệt mạng trong vụ tấn công của Israel, đồng thời chỉ trích đây là hành vi “thảm sát”.

Trong khi đó, đại sứ 27 nước thành viên EU đã nhóm họp khẩn cấp tại Thủ đô Brussel của Bỉ để bàn bạc về việc Israel nổ súng vào đoàn tàu chở hàng viện trợ. Bà Catherine Margaret Ashton, đại diện cao cấp của EU về đối ngoại và chính sách an ninh đã lên án gay gắt hành động của Israel đồng thời yêu cầu nhà chức trách nước này triển khai “điều tra tận gốc” đối với hành động trên.

Do phần lớn người thiệt mạng trong vụ tấn công mang quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ nên chính phủ nước này đã quyết định triệu hồi Đại sứ tại Tel Aviv, hủy bỏ cuộc diễn tập quân sự chung với Israel đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tổ chức hội nghị khẩn cấp về vấn đề này. Cũng trong ngày hôm qua, nhiều nước EU đã gửi điện đến đại sứ quán của mình ở Tel Aviv để yêu cầu họ bày tỏ sự phản đối.

Gia Vinh

(Theo Chinanews)

Không thể phủ nhận mối quan ngại về an ninh của Israel nhưng nếu theo dõi tiến trình xung đột Israel - Palestine, có thể thấy rằng đây là mưu toan của Israel nhằm làm suy yếu phong trào phản kháng của người Palestine. Hiện vùng đất của người Palestine đang bị chia cắt với khu vực Bờ Tây do Phong trào giải phóng Palestine của Tổng thống M. Abbas quản lý và Dải Gaza dưới sự kiểm soát của lực lượng Hamas.

Lấy cớ phong trào Hamas có các hành động vũ lực, Israel không chịu thúc đẩy các cuộc tiếp xúc với chính quyền của Tổng thống M. Abbas, đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông vào bế tắc. Chính sách này cũng khoét sâu mâu thuẫn giữa Tổng thống M. Abbas với Hamas.

Trong khi tranh cãi trên bàn đàm phán bế tắc, thì một thảm họa nhân đạo đã hiện rõ ở Dải Gaza. Cơ quan phối hợp các vấn đề nhân đạo (OCHA) của LHQ cho biết, hành động phong tỏa của Israel đã “giam” 1,5 triệu người Palestine ở một khu vực có mật độ dân cư thuộc diện cao nhất thế giới, tước bỏ kế sinh nhai của họ, làm vấn đề mất an ninh lương thực gia tăng, khủng hoảng năng lượng lan rộng, cơ sở hạ tầng xuống cấp, các dịch vụ cung cấp nước, vệ sinh bị hư hỏng...

Việc hạn chế xuất nhập khẩu đã làm cho hoạt động kinh tế ở Gaza suy giảm mạnh với việc mất đi hơn 120.000 việc làm. Việc hạn chế nhập khẩu vật liệu xây dựng cũng đã khiến cho việc xây dựng lại trường học và nhà ở bị phá hủy trong chiến dịch quân sự do Israel phát động hồi tháng 12-2008 không thực hiện được.

Không chỉ người dân Palestine mà ngay Mỹ, đồng minh thân cận của Israel, cũng phản đối hành động cấm vận của Israel. Ông R. Falk, đặc phái viên về nhân quyền của LHQ tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, khẳng định: “Việc Israel phong tỏa một cách tàn nhẫn toàn bộ Dải Gaza là vi phạm điều 33 của Công ước Geneva, theo đó cấm bất cứ hành vi trừng phạt tập thể nào đối với người dân ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Hành động này là phạm tội chống lại loài người”.

Với việc sẵn sàng nổ súng vào đoàn tàu cứu trợ Dải Gaza, Israel đã phớt lờ phản ứng của dư luận quốc tế. Phong tỏa Dải Gaza đã bị biến thành công cụ để Israel trì hoãn việc trao trả chủ quyền cho người Palestine và sự hình thành nhà nước Palestine độc lập.

Hoàng Sơn