Bộ trưởng Nội vụ: Đủ nguồn bố trí 913.300 tỷ đồng để tăng lương, hơn 50 triệu người được hưởng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, việc điều chỉnh tăng lương cơ sở 30% từ 1-7-2024 là phương án tốt nhất có thể, sẽ tạo tâm trạng hài lòng và động lực cho đội ngũ công viên chức…
Các ĐBQH thảo luận ở tổ Hà Nội về cải cách tiền lương, chiều 25-6

Các ĐBQH thảo luận ở tổ Hà Nội về cải cách tiền lương, chiều 25-6

Chiều 25-6, Quốc hội thảo luận tổ về cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.

Theo báo cáo của Chính phủ trình ra Quốc hội, Chính phủ đề xuất tăng 30% lương cơ sở từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng một tháng; tăng 15% lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng; bổ sung quỹ tiền thưởng của khu vực công bằng 10% quỹ lương cơ bản…

Phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu quan điểm đồng tình tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng, áp dụng từ 1-7-2024.

Song ông cũng đề nghị Chính phủ, các bộ ngành lưu ý mức thu nhập của cán bộ, viên chức phải phù hợp điều kiện kinh tế và giá cả hàng hóa. "Mục tiêu là nâng cao đời sống. Nhưng không cẩn thận tỷ lệ tăng giá lại vượt tỷ lệ tăng lương, dẫn đến không cải thiện đời sống và tạo được động lực cho người lao động" - ông Thắng nói.

Với đề xuất bổ sung quỹ tiền thưởng ở khu vực công bằng 10% quỹ lương cơ bản, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng cho rằng cần đánh giá kỹ, bởi theo quy định thưởng phải dựa trên kết quả công việc. Vì vậy, ông đề nghị Chính phủ đưa ra tiêu chí cho rõ ràng, tránh tạo ra vấn đề xã hội.

Đồng quan điểm trên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Minh Nam cho rằng, mục tiêu tăng lương lần này là cải thiện đời sống cho người hưởng lương. Do đó, Chính phủ cần quan tâm đến việc kiểm soát lạm phát, có giải pháp để hạn chế tác động tiêu cực, đặc biệt hạn chế thấp nhất tăng lương kéo theo tăng giá, làm giảm ý nghĩa của việc tăng lương.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Cũng thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã cung cấp thông tin rõ hơn với các ĐBQH trong tổ về việc điều chỉnh lương cơ sở tăng 30%, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội… như đã nêu trong tờ trình của Chính phủ.

Bà Trà cho biết, đợt tăng lương, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội lần này sẽ tác động tới hơn 50 triệu người (là những đối tượng hiện gắn với mức lương cơ sở). Vì vậy, tổng nguồn kinh phí dùng cho việc này rất lớn.

Ban đầu, khi thực hiện theo Nghị quyết 27, Chính phủ tính toán tổng nhu cầu kinh phí tăng lương cho 3 năm (2024 – 2026) khoảng 760.000 tỷ đồng, bình quân tăng hơn 20%/ năm.

Thế nhưng khi điều chỉnh mức lương cơ sở thì tăng thêm 30%, cùng với 10% tiền thưởng trong tổng quỹ lương cơ bản và các chính sách có liên quan, lúc này tổng nguồn kinh phí tăng lên 913.300 tỷ đồng.

Vì vậy, tới đây, Chính phủ đề xuất bổ sung nguồn cho cải cách tiền lương và các chính sách có liên quan của năm 2024 và các năm tiếp theo. Nguồn này Chính phủ đảm bảo được.

“Đây là phương án tốt nhất có thể, tinh thần chung là tạo tâm trạng hài lòng và cố gắng lan tỏa tinh thần này để tạo động lực cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động nỗ lực cao hơn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương và đất nước” - Bộ trưởng Bộ Nội vụ chia sẻ.