Bộ trưởng Mai Chí Thọ với công tác chỉ đạo phát triển báo chí Công an nhân dân

ANTD.VN - Lời tòa soạn: Ngày 12-7-2022, tại TP.HCM, Bộ Công an phối hơp cùng Thành ủy TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học “Đại tướng Mai Chí Thọ với lực lượng Công an nhân dân Việt Nam và Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM”. Hội thảo được tổ chức nhằm khẳng định và tôn vinh những đóng góp, cống hiến của Đại tướng Mai Chí Thọ trong cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Hội thảo dự kiến có sự tham dự của 500 đại biểu tham dự bao gồm lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các vị lão thành cách mạng, các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử... Trước thềm hội thảo, An ninh Thủ đô xin giới thiệu bài viết của Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thái, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Công an nhân dân về sự quan tâm, chỉ đạo của đồng chí Mai Chí Thọ với sự phát triển của báo chí lực lượng Công an nhân dân.

Đồng chí Mai Chí Thọ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ (1987 - 1991), là nhà lãnh đạo tài năng, xuất sắc của lực lượng Công an nhân Việt Nam. Đại tướng Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an trong một bài viết về đồng chí Mai Chí Thọ đã khẳng định: “Có thể nói, trong những năm bắt đầu Ðổi mới, những nhà lãnh đạo như Đại tướng Mai Chí Thọ đã góp phần quan trọng trong việc xác định, củng cố hướng đi đúng cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta giữa một giai đoạn khó khăn, phức tạp cả trong nước lẫn trên trường quốc tế.

Uy tín và năng lực của Đại tướng Mai Chí Thọ đã đưa ông trở lại với lực lượng Công an nhân dân vào năm 1986, Đại tướng nhận nhiệm vụ làm Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) rồi tới tháng 8-1987, trở thành Bộ trưởng cho tới năm 1991. Ðồng chí là Ủy viên Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam khóa IV, V; Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI. Với những trọng trách đó, Đại tướng đã thể hiện bản lĩnh của một nhà lãnh đạo tận tụy vì dân, vì nước, một người đảng viên tuyệt đối trung thành với lý tưởng cộng sản, hết lòng vì sự nghiệp xây dựng lực lượng Công an nhân dân. Ðại tướng Mai Chí Thọ đã có những đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, trở thành công cụ sắc bén của Ðảng, Nhà nước và sự tin cậy của nhân dân”.

Là người lãnh đạo cao nhất của lực lượng Công an nhân dân từ lúc đất nước bắt đầu tiến hành công cuộc Đổi mới, Bộ trưởng Mai Chí Thọ đã có nhiều chỉ đạo vừa mang tầm chiến lược, vừa sâu sắc và cụ thể, phát triển Tạp chí Công an nhân dân có tầm vóc như ngày hôm nay.

Đồng chí Mai Chí Thọ, dù trên cương vị nào cũng đặc biệt quan tâm đến công tác báo chí. Khi trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Đại tướng Mai Chí Thọ đã khẳng định: “Tất cả báo, tạp chí Công an phải thực sự là lực lượng chiến đấu trên trận địa an ninh của đất nước” thực sự là quan điểm chỉ đạo mới mẻ về bản chất báo chí Công an nhân dân, mang tầm chiến lược sâu sắc để báo chí Công an nhân dân phát triển đúng tôn chỉ mục đích, phát huy hiệu quả công tác phục vụ công tác, chiến đấu của toàn lực lượng”.

Đồng chí Mai Chí Thọ, dù trên cương vị nào cũng đặc biệt quan tâm đến công tác báo chí. Khi trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Đại tướng Mai Chí Thọ đã khẳng định: “Tất cả báo, tạp chí Công an phải thực sự là lực lượng chiến đấu trên trận địa an ninh của đất nước” thực sự là quan điểm chỉ đạo mới mẻ về bản chất báo chí Công an nhân dân, mang tầm chiến lược sâu sắc để báo chí Công an nhân dân phát triển đúng tôn chỉ mục đích, phát huy hiệu quả công tác phục vụ công tác, chiến đấu của toàn lực lượng”.

Nâng tầm tạp chí lý luận đầu ngành của lực lượng Công an nhân dân

Từ ngày 30-11-1987, toàn lực lượng Công an nhân dân, trong đó có Tạp chí Công an nhân dân đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 07/NQ-TW của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng về nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới. Đây là một nghị quyết quan trọng đối với toàn bộ hoạt động của ngành công an.

Nghị quyết nêu rõ 6 nguyên tắc chỉ đạo công tác an ninh, trật tự của Đảng và 7 công tác lớn, trong đó có 3 công tác trọng tâm phải tập trung thực hiện là: Thường xuyên giáo dục chính trị, nâng cao cảnh giác cách mạng cho toàn Đảng, toàn dân; củng cố tăng cường trận địa an ninh, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm; đổi mới và tăng cường chỉ đạo công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, một dấu ấn mang tính đặc sắc đối với công tác tổ chức của Tạp chí Công an nhân dân cũng như công tác nghiên cứu lý luận của toàn ngành là đồng chí Bộ trưởng Mai Chí Thọ quyết định đổi tên Tạp chí Khoa học Công an thành Tạp chí Công an nhân dân (được Bộ Thông tin đồng ý tại Công văn số 587/BTT ngày 4-9-1989).

Trước đó, vào tháng 5-1988, mặc dù bận rất nhiều công việc quan trọng, nhưng đồng chí Bộ trưởng đã dành thời gian dự họp cộng tác viên Tạp chí Công an nhân dân và đã chỉ thị: “Tiếp tục nâng cao chất lượng, mở rộng tranh luận dân chủ, mở rộng mạng lưới cộng tác viên, kể cả cộng tác viên ngoài ngành”.

“Báo chí công an là cơ quan ngôn luận của ngành, không những cung cấp một lượng thông tin đa dạng để phục vụ cán bộ, chiến sĩ nghiên cứu, học tập, vận dụng mà còn có tác dụng phổ biến, chỉ đạo các mặt công tác lớn của Đảng, Nhà nước, của Bộ đối với toàn lực lượng; những tờ báo ra công khai còn có tác dụng rất rộng rãi trong nhân dân. Công an nhân dân lấy dân làm gốc thì “tiếng nói” của Công an phải được nhân dân tiếp nhận, thực hiện và ngược lại, ý kiến của nhân dân phải được phản ánh đến các cấp lãnh đạo của Công an. Báo chí là chiếc cầu nối hết sức quan trọng tạo ra thông tin hai chiều làm cho Đảng hiểu dân, dân tin Đảng và theo Đảng. Báo chí là phương tiện để Đảng và ngành Công an thắt chặt mối quan hệ gắn bó với nhân dân, khơi dậy nhiệt tình sáng tạo của quần chúng nhân dân trong phong trào cách mạng”.

Đại tướng Mai Chí Thọ (Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ)

Đích thân Bộ trưởng Mai Chí Thọ sau đó đã ký ban hành Chỉ thị số 19-CT/BNV ngày 12-8-1989 về đổi mới công tác tạp chí. Đây là văn bản hết sức quan trọng, thể hiện sự quan tâm, tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo Bộ Công an và cá nhân đồng chí Bộ trưởng đối với công tác nghiên cứu, phổ biến lý luận Công an nhân dân mà trực tiếp là công tác Tạp chí Công an nhân dân. Về tổ chức thực hiện, ngoài chức năng của cơ quan tạp chí, đồng chí Bộ trưởng giao cho Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân, Tổng cục Hậu cần và các đơn vị chức năng liên quan thực hiện yêu cầu của Bộ, để tạp chí nhanh chóng đáp ứng nhiệm vụ triển khai Chỉ thị 19 của Bộ trưởng.

Đặc biệt, đồng chí Bộ trưởng đã chỉ đạo có tính chất định hướng những vấn đề cơ bản không chỉ của Tạp chí Công an nhân dân mà rộng hơn là của hệ thống báo chí công an: “Báo chí công an là tiếng nói của Đảng, của lực lượng an ninh. Tất cả báo, tạp chí công an phải thực sự là lực lượng chiến đấu trên trận địa an ninh của đất nước... Hệ thống báo chí của lực lượng Công an nhân dân cần có sự phân công, phân cấp rõ ràng. Tạp chí Công an nhân dân và các tờ báo công an đều có chức năng, vị trí riêng của mình, cần phải giữ cho đúng. Bài nào có tính lý luận, tổng kết, chỉ đạo công tác... thì thường nên đăng ở tạp chí, còn những bài nói về từng lĩnh vực công tác cụ thể thì nên đăng công khai ở Báo Công an nhân dân. Có những bài đặc biệt quan trọng cần phổ biến rộng rãi thì có thể đăng cả ở báo và tạp chí không nên bị ràng buộc, lệ thuộc vào một công thức cứng nhắc nào”.

Cũng trong năm 1989, đồng chí Bộ trưởng Mai Chí Thọ còn trực tiếp chủ trì Hội thảo khoa học về đổi mới công tác Tạp chí Công an nhân dân. Dự hội thảo có đại diện Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Bộ Văn hóa - Thông tin, các Tổng cục, Bộ Tư lệnh và hơn 100 cộng tác viên Tạp chí Công an nhân dân. Tại Hội thảo, đồng chí Bộ trưởng đã chỉ thị: “Từ nay, đại diện Tạp chí Công an nhân dân được dự các cuộc giao ban Bộ; Hội nghị Công an toàn quốc; các Tổng cục, Vụ, Cục cần tạo điều kiện cho cán bộ, biên tập (phóng viên) được dự các cuộc họp tổng kết và thâm nhập thực tế công tác chiến đấu. Những vấn đề xét thấy thực sự phải bí mật thì đơn vị nghiệp vụ cùng tòa soạn bàn bạc, cân nhắc trước khi viết bài”.

Về công tác cán bộ của tạp chí, đồng chí Bộ trưởng cũng đã quan tâm chỉ đạo cụ thể, sát sao, có tính chiến lược, thấu lý, thấu tình.

Đồng chí Bộ trưởng yêu cầu: “Trên tất cả mọi lĩnh vực hoạt động, cán bộ bao giờ cũng là khâu quyết định. Đối với lĩnh vực báo chí, vấn đề này càng đặc biệt có ý nghĩa. Nghề làm báo là một dạng hoạt động khoa học xã hội phức tạp, khó khăn. Bên cạnh lập trường quan điểm chính trị là gốc, người làm báo cần có kiến thức xã hội đa dạng và năng khiếu nghề nghiệp. Thực tế cho thấy số người trở thành nhà báo xuất sắc không nhiều. Việc bồi dưỡng cán bộ làm báo là nhiệm vụ vô cùng quan trọng của cơ quan báo chí. Chất lượng đội ngũ cán bộ biên tập quyết định chất lượng của tạp chí. Cần coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ biên tập vững vàng, có nhiệt tình, có phẩm chất, có năng khiếu biên tập bài tốt. Phải tiêu chuẩn hóa cán bộ biên tập để có cách đào tạo bồi dưỡng về lý luận chính trị, nghiệp vụ. Phải rèn luyện cán bộ trong thực tế công tác. Trong bồi dưỡng đào tạo cán bộ, tòa soạn cần tranh thủ sự giúp đỡ của các cơ quan báo chí, thông tấn, các trường đại học để đào tạo bồi dưỡng cán bộ về nghiệp vụ báo chí và lý luận chính trị, nghiệp vụ công an”.

Sử dụng Tạp chí Công an nhân dân để chỉ đạo những vấn đề căn cốt công tác công an

Trong suốt thời gian đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đồng chí Mai Chí Thọ đã dành nhiều tâm sức viết bài, đăng tải nhiều ý kiến chỉ đạo toàn lực lượng về công tác công an. Theo khảo sát chưa đầy đủ, từ năm 1988 đến năm 1992, đồng chí Bộ trưởng Mai Chí Thọ đã đăng 13 bài viết trên Tạp chí Công an nhân dân. Như vậy trung bình mỗi số tạp chí đồng chí Bộ trưởng đã đăng 1 bài. Đó là tần suất không nhỏ đối với một vị lãnh đạo cao nhất của ngành. Điều đó chứng tỏ đồng chí Bộ trưởng đã rất quan tâm sử dụng Tạp chí Công an nhân dân làm một kênh quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo nhiều vấn đề hệ trọng, căn cốt của công tác công an.

Trong bài viết “Đổi mới Tạp chí Công an nhân dân là một yêu cầu cấp bách” (Bài đăng Tạp chí Công an nhân dân số 12/1989), Bộ trưởng đã nhấn mạnh: “Cán bộ lãnh đạo các cấp công an phải thấy rõ vai trò, vị trí của báo chí trong sự nghiệp đổi mới và phải có trách nhiệm với báo chí của ngành. Các Vụ, Cục muốn chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật cũng phải thấy và biết sử dụng sức mạnh của báo chí. Chỉ khi nào lãnh đạo Công an biết sử dụng đúng mức báo chí thì khi đó, báo chí mới phát huy vai trò của nó và ngành Công an mới thực sự phát huy hết sức mạnh của mình”.

Bản thân đồng chí Bộ trưởng đã nêu một tấm gương về sử dụng sức mạnh của báo chí nói chung và Tạp chí Công an nhân dân nói riêng. Các bài viết chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng là những vấn đề lớn, cơ bản về công tác bảo đảm an ninh, trật tự và công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân - hai vấn đề quan trọng bậc nhất nhằm chỉ đạo toàn lực lượng Công an nhân dân triển khai mọi hoạt động theo tinh thần đổi mới của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Nội dung các bài viết chỉ đạo đó mang tầm tư duy đổi mới triệt để, có tính trí tuệ cao, lại được diễn đạt khúc chiết, rõ ràng, tâm huyết, có sức thuyết phục, hấp dẫn.

Một trong những vấn để căn cốt nhất thể hiện trong các bài viết chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng là lực lượng công an phải đổi mới tư duy theo tinh thần đổi mới của Đại hội VI của Đảng. Đồng chí chỉ đạo quyết liệt: “Trên cơ sở thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, thực hiện pháp lệnh về lực lượng An ninh nhân dân và tới đây là Pháp lệnh về lực lượng Cảnh sát nhân dân, lực lượng Công an nhân dân phải tiếp tục đổi mới tư duy, đổi mới tổ chức, cán bộ và phong cách làm việc”.

Đánh giá 1 năm thực hiện Nghị quyết đổi mới, đồng chí Bộ trưởng đã rất nghiêm khắc khi cho rằng: “Qua 1 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương VI của Đảng, nhiều ngành đã thể hiện rõ sự đổi mới. Ngành công an cũng đã đổi mới một số mặt nhưng vẫn chưa đáp ứng đúng mức và kịp thời sự đòi hỏi cấp bách của cả nước. Nhiều cán bộ công an chúng ta chưa có cái nhìn toàn diện và đồng bộ về yêu cầu đổi mới.

Trong tình hình hiện nay, sự đổi mới kinh tế là vấn đề đang chi phối cả nước. Kinh tế - xã hội có ổn định thì mới ổn định được an ninh, trật tự. Ngược lại, an ninh, trật tự có ổn định, có tháo gỡ những vướng mắc làm trở ngại sản xuất và lưu thông phân phối thì kinh tế - xã hội mới ổn định. Nhưng, vẫn còn có đồng chí trong chúng ta chưa thấy hết sự liên quan chặt chẽ giữa hai lĩnh vực: kinh tế và an ninh, trật tự”. Đồng chí Bộ trưởng cho rằng, đổi mới công tác công an là nhằm phục vụ sự đổi mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, vì thế toàn lực lượng cần: “Phát huy cả 5 thành phần kinh tế, giải phóng sản xuất và lưu thông, đẩy mạnh dân chủ hóa và công khai hóa, mở rộng giao lưu quốc tế là những đổi mới vô cùng quan trọng nhằm ổn định kinh tế - xã hội làm cơ sở cho ổn định trật tự, an toàn xã hội. Công an chúng ta phải có những nhận thức đúng mức và sâu sắc về những mặt này để không những không được gây trở ngại mà còn phục vụ tốt nhất cho những chủ trương của Đảng”.

Phát hiện thấy những trì trệ, sai lầm trong phương pháp quản lý về an ninh, trật tự trong công tác giao lưu, quan hệ quốc tế, có thể cản trở đổi mới, đồng chí Bộ trưởng chỉ đạo, nhắc nhở lực lượng công an phải thay đổi ngay: “Luật Đầu tư nhằm thu hút vốn và kỹ thuật nước ngoài để đẩy mạnh sản xuất, phát triển nền kinh tế vốn đang còn yếu kém của đất nước ta. Các lực lượng công an phải nhận thức rằng, đây là một chủ trương rất đúng đắn của Đảng và Nhà nước và phải phục vụ tốt nhất cho chủ trương này. Trước mắt, Công an phải cùng với các ngành chức năng như Hải quan, Du lịch, Ngoại vụ giảm bớt các thủ tục giấy tờ không cần thiết, gây phiền hà, làm mất thời gian (vốn rất quý) của người nước ngoài vào Việt Nam hoặc từ Việt Nam ra nước ngoài. Người cán bộ chiến sĩ công an làm nhiệm vụ liên quan đến khách nước ngoài phải có thái độ lịch sự, nhã nhặn, nghiêm túc tạo mọi điều kiện thuận lợi cho những hoạt động chính đáng của người nước ngoài đến giao dịch và ký kết làm ăn với ta cũng như đối với khách du lịch đến tham quan nước ta”.

Quan điểm “lấy dân làm gốc” là một vấn đề cực kỳ hệ trọng trong Nghị quyết Đại hội VI của Đảng. Trong bài “45 năm chiến đấu và trưởng thành của Công an nhân dân Việt Nam”, đồng chí Bộ trưởng chỉ đạo lực lượng công an toàn quốc: “Sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia là sự nghiệp của nhân dân. Do đó, phải dựa hẳn vào dân, nắm chắc tình hình, không ngừng nâng cao cảnh giác chính trị cho quần chúng, xây dựng thế trận an ninh toàn dân, kết hợp chặt chẽ phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, sức mạnh tổng hợp của hệ thống chuyên chính vô sản với các lực lượng chuyên trách, nửa chuyên trách và các biện pháp chuyên môn nghiệp vụ”.

Trong chỉ đạo toàn lực lượng công an về vấn đề bài học lấy dân làm gốc, phong trào vận động quần chúng nhân dân, đồng chí Bộ trưởng nghiêm khắc phê bình một số hiện tượng biểu hiện xa dân của một số cán bộ công an, cho rằng nếu xa dân sẽ không được nhân dân giúp đỡ: “Công an phải hết sức chăm lo cho nhân dân, các đoàn thể cũng cần phát động chăm lo cho nhân dân; chỉ khi nào công an chăm lo tới nhân dân thì nhân dân sẽ quan tâm chăm lo lại công an. Kinh nghiệm cho thấy rằng, ngay lúc đen tối nhất, chỉ khi nào chăm lo cho nhân dân thì họ mới chăm lo lại mình được. Nhiều anh em ta lúc nào sướng, thì xa dân, lúc nào khổ thì gần dân”.

Công tác cán bộ là vấn đề căn cốt trong chiến lược xây dựng lực lượng Công an nhân dân đã được đồng chí Bộ trưởng chỉ đạo thường xuyên, có hệ thống trên Tạp chí Công an nhân dân. Bộ trưởng khẳng định, đổi mới công tác công an trước hết là đổi mới nhận thức và đổi mới công tác cán bộ trong Công an nhân dân mà định hướng chung là xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh.

Nâng cao lập trường chính trị, tư tưởng cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên

Với quan điểm đổi mới toàn diện phải bắt đầu tự đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức, đồng chí Bộ trưởng đã rất quan tâm đến công tác chỉ đạo đội ngũ làm công tác báo chí ngành công an phải đi tiên phong về nhận thức xung quanh vấn đề về lập trường chính trị, về cuộc đấu tranh tư tưởng giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản. Lập trường tư tưởng có vững vàng, nhận thức về nghị quyết đổi mới của Đại hội VI của Đảng có đúng đắn thì mới có thể viết bài góp phần định hướng, dẫn dắt dư luận, giáo dục độc giả và quần chúng.

Trước hết nhận thức về vai trò của báo chí, khi phát biểu chỉ đạo tập thể cán bộ, Tạp chí Công an nhân dân ngày 17-11-1989, sau khi trích dẫn ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh về báo chí, đồng chí Bộ trưởng Mai Chí Thọ đã dặn dò: “Báo chí công an là cơ quan ngôn luận của ngành, không những cung cấp một lượng thông tin đa dạng để phục vụ cán bộ, chiến sĩ nghiên cứu, học tập, vận dụng mà còn có tác dụng phổ biến, chỉ đạo các mặt công tác lớn của Đảng, Nhà nước, của Bộ đối với toàn lực lượng; những tờ báo ra công khai còn có tác dụng rất rộng rãi trong nhân dân. Công an nhân dân lấy dân làm gốc thì “tiếng nói” của công an phải được nhân dân tiếp nhận, thực hiện và ngược lại, ý kiến của nhân dân phải được phản ánh đến các cấp lãnh đạo của công an. Báo chí là chiếc cầu nối hết sức quan trọng tạo ra thông tin hai chiều làm cho Đảng hiểu dân, dân tin Đảng và theo Đảng. Báo chí là phương tiện để Đảng và ngành công an thắt chặt mối quan hệ gắn bó với nhân dân, khơi dậy nhiệt tình sáng tạo của quần chúng nhân dân trong phong trào cách mạng”.

Trong thời gian đảm nhiệm trọng trách Bộ trưởng từ sau năm 1987, đồng chí Mai Chí Thọ đã rất quan tâm đến công tác đấu tranh chống lại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động tiến hành cuộc phá hoại tư tưởng, thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” đối với cách mạng nước ta. Vấn đề là báo chí nước ta nói chung, báo chí Công an nhân dân nói riêng sẽ đấu tranh, phản bác như thế nào? Đồng chí Bộ trưởng Mai Chí Thọ vừa định hướng, vừa động viên, vừa chỉ ra phương pháp: “Hiện nay, chúng ta đang ở thời kỳ đấu tranh sôi động và sống còn của chủ nghĩa xã hội. Báo chí của chúng ta phải là những công cụ chiến đấu sắc bén đập tan những luận điệu phản động tác động tâm lý của bọn đế quốc, phản động tay sai, bọn cơ hội bất mãn đủ loại. Những đồng chí làm công tác lý luận, công tác tư tưởng cần phân tích một cách khoa học nhằm bảo vệ và làm sáng tỏ tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội. Không phải là bảo vệ một cách cố chấp, mù quáng mà bảo vệ có cơ sở lý luận và thực tiễn”.

Bộ trưởng yêu cầu Tạp chí Công an nhân dân “trong thời điểm đấu tranh sống còn giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, bất kỳ đâu cũng phải có tinh thần chiến đấu kiên cường, tinh thần cách mạng, tấn công mãnh liệt, đừng mặc cảm với một số thiếu sót đã qua”. Nhưng cũng theo Bộ trưởng, báo chí phải đấu tranh bằng niềm tin, bằng những tri thức khoa học, có lý, có tình, không phải nói lấy được: “Cuộc đấu tranh với các thế lực phản động đang diễn ra gay gắt, quyết liệt. Chúng ta không thể lơ là cảnh giác. Lúc này, người làm báo phải có đầu óc tỉnh táo, có tấm lòng trong sáng, có ý thức trách nhiệm đối với đất nước và phải sắc sảo về chính trị, tính đảng phải cao”.

Trong các cuộc làm việc với báo chí Công an nhân dân, đồng chí Bộ trưởng đã tâm sự, lý giải giúp các nhà báo nhiều vấn đề thời cuộc khá nhạy cảm, cần phải được giải đáp thấu đáo, đảm bảo khoa học và thuyết phục. Ví như câu chuyện 4 “con rồng châu Á” chẳng hạn, kẻ địch khoét sâu, thổi phồng một số yếu kém của ta, bình luận ác ý, quy chụp nguyên nhân yếu kém là do sự lãnh đạo của Đảng. Nếu các nhà lý luận, các nhà báo “non tay” khi phản bác sẽ thiếu sức thuyết phục hoặc có thể “nói lấy được” thiếu cơ sở lý luận và thực tiễn. Đồng chí Bộ trưởng tâm sự như một cách “trang bị” về lý luận cho các nhà báo: “Ai cũng biết muốn phát triển kinh tế, điều tiên quyết là phải có hòa bình và ổn định. Bốn nước công nghiệp mới ở châu Á là Nam Triều Tiên, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore đều đã được hưởng hòa bình ít nhất 37 năm, có nước còn được hưởng 40 năm. Nước ta suốt 45 năm nay phải tiến hành 4 cuộc chiến tranh vô cùng gian khổ, ác liệt và đã chiến thắng vẻ vang. Nếu chúng ta có điều kiện tương tự như 4 “con rồng” kia thì chắc chắn ta không thua kém gì họ. Và cũng cần đặt câu hỏi ngược lại, nếu 4 “con rồng” kia cũng như ta, phải chịu đựng chiến tranh trong thời gian dài, với một cường độ ác liệt như thế thì họ sẽ ra sao?”.

Về nghiệp vụ báo chí cụ thể, trong các dịp nói chuyện với Tạp chí Công an nhân dân, Báo Công an nhân dân, đồng chí Bộ trưởng căn dặn cả về cách thức đưa tin, cách phản ánh những khuyết điểm, những biểu hiện tiêu cực trong nội bộ ta. Bây giờ có thể những cách thức như thế là bình thường, nhưng đặt vào bối cảnh những năm đất nước bắt đầu đổi mới thì quả là rất cần một định hướng của lãnh đạo và bản lĩnh của nhà báo. Theo Bộ trưởng Mai Chí Thọ: “Một số báo chí chỉ nêu toàn khuyết điểm sai lầm mà không nêu thành tích, ưu điểm, tạo ra tâm lý mặc cảm với sai lầm, gây tâm trạng oán ghét tất cả những người trong bộ máy Nhà nước, cho họ đều là những người quan liêu, cửa quyền, tham nhũng. Kiểu tuyên truyền tác động tâm lý ấy đã làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Một số cán bộ, đảng viên có tâm lý mặc cảm với sai sót của Đảng, bỏ mất niềm tự hào chính đáng đối với thành tích chiến đấu của Đảng, của dân tộc ta”.

Bản chất của báo chí là sự thật, báo chí công an có thể đưa về những sai lấm, thiếu sót nhưng phải đứng trên quan điểm lập trường đổi mới của Đảng. Đồng chí Bộ trưởng Mai Chí Thọ tâm sự với đội ngũ nhà báo Công an nhân dân: “Chúng ta băn khoăn, day dứt về những thiếu sót, sai lầm của bản thân mình, nhưng phải vô cùng tự hào về đất nước, về dân tộc, về con người Việt Nam Anh hùng, tự hào về những thành tựu to lớn đã đạt được dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác - Lênin do Đảng ta lãnh đạo. Một dân tộc, một con người mà bỏ niềm tự hào thì chỉ có thể suy thoái và tha hóa. Người làm Báo Công an nhân dân phải có lập trường, quan điểm vững vàng, nhận thức sắc bén, nhạy bén mới có thể làm tốt được nhiệm vụ”.