Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Sẽ định hình tư duy làm nông nghiệp mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Bộ NN-PTNT đồng hành cùng các tổ chức quốc tế dồn nhiều nguồn lực cho ĐBSCL, kỳ vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong về sản xuất lúa gạo giảm phát thải.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh về Hệ thống Lương thực thực phẩm của Liên Hiệp Quốc năm 2021, Việt Nam đã đưa ra cam kết chuyển đổi hệ thống lương thực theo hướng minh bạch, có trách nhiệm và bền vững, khát vọng trở thành cường quốc lương thực toàn cầu.

Cùng năm, tại Hội nghị COP26 diễn ra ở Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết giảm 30% lượng khí thải mê tan vào năm 2030 và tiến đến đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Để hiện thực hóa các cam kết trên, Chính phủ đã phát động Chương trình hỗ trợ thực hiện Báo cáo đóng góp quốc gia tự xác định NDC, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ thực hiện các cam kết của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Trong đó, Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL được Bộ NN-PTNT, cộng đồng doanh nghiệp và người nông dân trồng lúa ở ĐBSCL kỳ vọng lớn, góp phần chuyển đổi toàn diện ngành hàng lúa gạo của vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Nông dân sản xuất lúa sẽ từng bước tiếp cận với xu thế mới của nền kinh tế xanh, phát thải thấp.

Trải qua rất nhiều hội thảo tham vấn ý kiến từ các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, HTX, tổ chức quốc tế, chuyên gia, các địa phương vùng ĐBSCL, đề án đã nhận được sự quan tâm lớn.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, lần đầu tiên tại Việt Nam khái niệm về nền kinh tế xanh, tuần hoàn, phát thải thấp được tích hợp trong một đề án với nhiều cách tiếp cận mới. Đề án này không chỉ giúp ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL tạo ra giá trị về mặt kinh tế thông qua bán tín chỉ các bon, mà còn tác động tới nhiều vấn đề về xã hội, thu nhập và cấu trúc của cộng đồng nông thôn. Nhất là thay đổi tư duy làm nông nghiệp thích ứng với xu thế của nền kinh tế xanh, tiêu dùng trách nhiệm.

“Đây là một bước phát triển rất lớn, không đơn giản là cấu trúc lại vùng quy hoạch lúa gạo chất lượng cao, căn cứ vào những giống lúa theo nhu cầu của thị trường. Mà đề án sẽ định hình tư duy làm nông nghiệp mới, một cấu trúc từ nông nghiệp, nông dân. Một tam giác phát triển từ nhà nước, doanh nghiệp và xã hội thông qua Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp cho rằng, vùng ĐBSCL có quyền kỳ vọng, tương lai khi nghĩ đến lúa gạo, người tiêu dùng trên toàn cầu sẽ nghĩ đến thương hiệu vùng ĐBSCL - “Think rice, think Mekong Delta”. Đây là hình ảnh của sự chuyển đổi tư duy, cách sản xuất kinh doanh lúa gạo của vùng, đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trên thế giới về sản xuất lúa gạo giảm phát thải. Thực hiện đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, đó là dấu ấn thay đổi.

Tất nhiên, mọi thay đổi đều có khó khăn nhưng nếu không thay đổi càng khó khăn hơn. Bộ trưởng đặt vấn đề, nếu không thay đổi, nông dân trồng lúa vùng ĐBSCL vẫn trồng lúa, doanh nghiệp sẽ tiếp tục kinh doanh lúa gạo và ngành hàng lúa gạo vẫn đứng trong tốp đầu thế giới. Vậy vì sao phải thay đổi?

Nếu không chuyển đổi sản xuất lúa gạo sang hướng kinh tế xanh, phát thải thấp, hàng triệu nông dân đồng bằng, một là tiếp tục “sống” với cây lúa mặc cho thu nhập thấp hay cao hoặc lựa chọn bỏ ruộng vườn để mưu sinh ở các khu công nghiệp, khu đô thị. Đối với nền nông nghiệp vẫn tiếp tục là nền nông nghiệp “đánh đổi” với sức khỏe của người nông dân, cộng đồng và hình ảnh ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL là thiếu trách nhiệm với thiên nhiên, sức khỏe của con người, sự đa dạng sinh học.

Với những thành công từ Dự án VnSAT và nhiều dự án giảm phát thải các bon đã và đang được triển khai sâu rộng ở vùng ĐBSCL, nhiều nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, sản xuất lúa gạo vùng ĐBSCL có thể thay đổi, nâng lên tầm mới.

“Trước tác động của BĐKH, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới, yêu cầu sản phẩm phải ngon, dinh dưỡng, truy xuất nguồn gốc, gắn nhãn sinh thái. Bức tranh lúa gạo mới của vùng ĐBSCL không phải chỉ nâng cao chất lượng giống lúa, trọng tâm là thay đổi hình ảnh người nông dân, lấy con người để theo đuổi mục tiêu, bởi vì đó là người làm ra hạt lúa đầu tiên”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.