Cá lịch gấm (Muraena lentiginosa) dài 60 cm, sống trong các rạn san hô ở Đông Thái Bình Dương, là một loài cá chình điển hình. Rất hung dữ, chúng có thể gây ra vết cắn đau đớn từ bộ hàm khỏe mạnh và những chiếc răng sắc nhọn cong vào trong.
Cá lịch vằn (Gymnomureana cebra) dài 1,5m, phân bố rộng ở các vùng biển nhiệt đới. Loài cá có sọc như ngựa vằn này sở hữu những chiếc răng giống đá cuội xếp sát vào nhau, dùng dể nghiền những con mồi có vỏ cứng như cua, ốc, cầu gai.
Cá chình cỏ đốm (Heteroconger hassi) dài 40 cm, sống thành các tập đoàn lớn ở các mảng cát gần rạn san hô. Chúng đào hang trong cát để giấu đuôi vào, phần thân còn lại phất phơ trong nước. Khi bị quấy rầy, cá chình cỏ đốm sẽ thụt cả đầu vào hang.
Cá nhệch khoang (Myrichthys colubrinus) dài 97 cm, sống ở Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương. Nhờ bề ngoài giống như một con rắn biển cực độc, loài cá vô hại này khiến những loài săn mồi, gồm cả con người, tránh xa. Chúng sục sạo các hang đào trong cát để kiếm những con cá nhỏ.
Cá lịch dải (Rhinomuraena quaesita) dài 1,3m phân bố ở Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương. Cá thể non của loài này có thân đen vây vàng, khi trưởng thành là những con đực có màu xanh dương sáng, sau đó biển đổi thành những con cái màu vàng. Chúng có phần đầu miệng loe ra đặc trưng.
Cá chình biển châu Âu (Conger conger) dài 3m, sống ở Bắc Đại Tây Dương và Địa Trung Hải. Lớn nhất trong bộ Cá chình, chúng có thể nặng tới 110 kg. Loài này giấu mình trong các khe nứt hoặc xác tàu đắm cả ngày, chỉ ra ngoài vào ban đêm để săn các loài cá khác.
Lươn châu Âu (Anguilla anguilla) dài 1,3m, là một loài cá chình nguy cấp sống phần lớn thời gian trong nước ngọt ở châu Âu. Khi đến tuổi sinh sản chúng sẽ di trú qua Đại Tây Dương đến biển Sargasso (phía Đông nước Mỹ) để đẻ trứng rồi chết đi.