Bó tay với cướp biển Somalia?

ANTĐ - Không khỏi giật mình trước con số thiệt hại gần 7 tỷ USD mà cướp biển Somalia gây ra cho nền kinh tế thế giới năm qua. Sự thiệt hại quá lớn này diễn ra ngay cả khi cộng đồng thế giới đã huy động lực lượng hải quân hiện đại của nhiều cường quốc để đối phó với cướp biển Somalia.

Cướp biển Somalia gây thiệt hại gần 7 tỷ USD cho kinh tế thế giới năm 2011

Các số liệu do LHQ và các tổ chức quốc tế công bố ngày 8-2 cho thấy, cướp biển Somalia đã gây thiệt hại tới 6,9 tỷ USD cho ngành hàng hải quốc tế và chính phủ các nước trong năm 2011.

Theo Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), thiệt hại trên bao gồm các khoản chính như các công ty hàng hải các nước đã phải chi thêm 2,7 tỷ USD tiền nhiên liệu bổ sung để các tàu tăng tốc độ vượt quá 18 hải lý/giờ khi qua vùng biển ngoài khơi Somalia để không bị cướp biển bắt giữ, 1,27 tỷ USD mà chính phủ chi cho các hoạt động quân sự chống cướp biển… Ngoài ra, các chủ tàu phải chi thêm 1,16 tỷ USD để mua sắm các thiết bị an ninh và bảo vệ vũ trang do số tàu chiến tuần tra chống cướp biển sẽ giảm từ 18 tàu xuống còn 11 tàu vào năm 2012.

IMO cũng cảnh báo số thuỷ thủ bị chết và bị cướp biển bắt giữ đã tăng đáng kể trong năm 2011, với 1.118 thuỷ thủ bị cướp biển bắt giữ, 24 thủy thủ bị chết. Tổng số vụ phải trả tiền cho cướp biển Somalia lên tới 31 vụ với số tiền chuộc trung bình 5 triệu USD mỗi vụ, tăng 25% so năm 2010.

Điều đáng quan tâm là theo Quỹ Tương lai Một Trái Đất của Mỹ, số các cuộc tấn công cướp biển ở vịnh Aden, Biển Đỏ và ngoài khơi Somalia đã tăng gấp 5 lần trong 5 năm qua và đạt kỷ lục 236 vụ. Ước tính 42.450 tàu qua lại khu vực có nguy cơ cướp biển này mỗi năm và 20% tổng hàng hoá buôn bán của thế giới thông qua vịnh Aden giữa Yemen và Somalia trong đó có sử dụng kênh đào Suez.

Những con số đáng lo ngại trên diễn ra trong bối cảnh cộng đồng thế giới đã coi cướp biển Somalia là một mối đe dọa lớn và đã áp dụng các biện pháp mạnh để giải quyết như duy trì hàng chục tàu chiến hiện đại của nhiều cường quốc để tuần tra, cho phép áp dụng mọi biện pháp về quân sự, pháp lý… Thế nhưng, chẳng khác nào như là một nghịch lý khó chấp nhận khi thế giới càng nỗ lực chống thì cướp biển Somalia lại càng tăng.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon từng nhấn mạnh: “Cướp biển không phải là một căn bệnh sinh ra trên nước. Nó là biểu hiện của tình hình trên đất liền, bao gồm cả tình hình an ninh chung và tình hình chính trị ở Somalia”. Do đó, muốn giải quyết căn bản nạn cướp biển, thế giới cần phải có giải pháp toàn diện, hành động đồng thời trên 3 mặt trận: ngăn chặn, an ninh và trật tự pháp luật, và phát triển. Trong đó, bền vững nhất vẫn là giải quyết nạn nghèo đói do nghề đánh cá bị hủy hoại - căn nguyên sâu xa dẫn tới nạn cướp biển - từng mang lại cho người dân Somalia nguồn thu nhập tới 300 triệu USD mỗi năm trong khi cướp biển hiện nay chỉ mang lại khoảng 100 triệu USD/năm.