Bỏ hình thức thanh tra thường xuyên để tránh chồng chéo, trùng lặp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thẩm tra dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Ủy ban Pháp luật tán thành việc không tiếp tục quy định hình thức thanh tra thường xuyên nhằm phân định rõ giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, tránh chồng chéo, trùng lặp dẫn đến lạm dụng …

Trong phiên họp Quốc hội sáng 26-5, Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với việc tổ chức các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính gồm Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh; đồng thời, đề nghị bổ sung quy định về việc thành lập cơ quan thanh tra tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Về mô hình tổ chức Thanh tra huyện, quá trình thảo luận còn có 02 loại ý kiến:

Đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành việc tiếp tục duy trì mô hình tổ chức Thanh tra huyện, vì: Tổ chức thanh tra hành chính ở cấp huyện đã có quá trình hình thành và phát triển ổn định, lâu dài; Việc duy trì, củng cố cơ quan thanh tra hành chính ở cấp huyện là cần thiết, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ nguyên lý “ở đâu có quản lý thì ở đó có thanh tra”; Bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất về tổ chức với cơ quan thanh tra ở cấp tỉnh và trung ương; Bảo đảm phù hợp và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao cho Thanh tra huyện trong các luật liên quan.

Về nhiệm vụ của Thanh tra Bộ và Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉ quy định một đầu mối thực hiện thanh tra chuyên ngành tại Bộ. Theo đó, trường hợp Tổng cục, Cục thuộc Bộ thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành thì không giao Thanh tra Bộ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đối với lĩnh vực đó để phân định rõ trách nhiệm, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động của các cơ quan thanh tra, bảo đảm tinh gọn bộ máy và thực hiện đúng nguyên tắc “một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”…

Bên cạnh đó, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với dự thảo Luật giao UBND cấp tỉnh quyết định thành lập Thanh tra sở nhằm đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Thanh tra sở, khắc phục bất cập, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; quy định này cũng phù hợp với chủ trương của Đảng về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương; đồng thời, góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu tinh gọn bộ máy. Tuy nhiên, đề nghị làm rõ đối với các sở không thành lập tổ chức thanh tra thì nhiệm vụ thanh tra và những nhiệm vụ khác của Thanh tra sở được giao cơ quan nào đảm nhiệm.

Về các hình thức thanh tra, theo quy định của Luật Thanh tra hiện hành có 3 hình thức thanh tra là thanh tra theo kế hoạch, thanh tra thường xuyên và thanh tra đột xuất. Dự thảo Luật lược bỏ hình thức thanh tra thường xuyên.

Về việc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra; giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán, trên cơ sở nhận thức rõ thực trạng “hoạt động thanh tra, kiểm tra của các ngành dày đặc, gây bức xúc cho đối tượng thanh tra, kiểm tra”, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều quy định nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán.

Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các quy định của dự thảo Luật; đồng thời, đề nghị tiếp tục rà soát, bổ sung, quy định rõ trách nhiệm phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, kiểm toán với cơ quan thanh tra…