Bỏ giãn cách, nhưng các nhà hát không thể mạo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù dỡ bỏ giãn cách xã hội, nhưng các hoạt động văn hóa nghệ thuật của Hà Nội được dự đoán sẽ vẫn diễn ra ở mức độ dè dặt nhằm sẵn sàng với công tác ứng phó dịch bệnh.
Sau ngày 21-9, Nhà hát Tuồng Việt Nam sẽ khởi động chương trình giới thiệu nghệ thuật truyền thống đến khán giả trẻ

Sau ngày 21-9, Nhà hát Tuồng Việt Nam sẽ khởi động chương trình giới thiệu nghệ thuật truyền thống đến khán giả trẻ

Việc mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế - xã hội sau 2 tháng giãn cách sẽ mang lại niềm vui cho các nghệ sĩ và người dân Thủ đô. Nhưng điều đó không có nghĩa, các hoạt động văn hóa, giải trí sẽ lập tức trở lại sôi động mà cần có bước chạy đà trước khi lấy lại phong độ.

Ông Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết: “Năm 2020, nhà hát tận dụng được “khoảng lặng” trong đại dịch để biểu diễn thì năm nay, điều ấy không một lần nữa xảy ra. Bỏ giãn cách, anh em nghệ sĩ phấn khởi vì họ mong ngóng được làm nghề, trở lại tập luyện trên sàn diễn. Nhưng phải khẳng định, Nhà hát Tuồng Việt Nam không thể mở cửa đón khán giả đến rạp ngay và cũng chưa thể một sớm một chiều đi biểu diễn khắp các tỉnh thành như trước đây. Nhà hát sẽ chờ các quy định của Chính phủ và thành phố trong phòng chống dịch bệnh mới tính đến các bước tiếp theo”. Trước mắt, nhà hát sẽ tập trung hoàn thành các chương trình ghi hình phát sóng trên truyền hình do Cục Nghệ thuật Biểu diễn tổ chức. Đồng thời tập huấn cho đội ngũ nhạc công, một kế hoạch đã bị trì hoãn nhiều lần trong năm. Bên cạnh đó, nhà hát đang lên kế hoạch thực hiện chương trình giới thiệu nghệ thuật truyền thống tới khán giả trẻ.

Trong khi ấy, Nhà hát Tuổi trẻ dù đã hoàn toàn thất thu trong dịp Tết Trung thu năm 2021 nhưng hiện vẫn chưa có kế hoạch biểu diễn do những yêu cầu về đảm bảo phòng dịch. Nhà hát cũng chỉ thực hiện chương trình ghi hình phát sóng “Cuộc chiến vô cực” theo chủ trương của Cục Nghệ thuật Biểu diễn. Theo nghệ sĩ Sĩ Tiến - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, việc thực hiện nhà hát online là sự cố gắng, nỗ lực của các các nghệ sỹ và đơn vị quản lý. Các đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm trực tuyến để thấy nghệ thuật vẫn tiếp tục bất chấp dịch bệnh và xóa bớt đi không khí u ám của những ngày giãn cách.

Một cảnh trong vở “Cướp biển” do Liên đoàn Xiếc Việt Nam dàn dựng

Một cảnh trong vở “Cướp biển” do Liên đoàn Xiếc Việt Nam dàn dựng

Còn NSND Tống Toàn Thắng - Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam lại bày tỏ sự tin tưởng vào dự án nhà hát online trong bối cảnh đại dịch. Theo ông, đó là phương thức hay nhất, chắc chắn nhất để các nhà hát tự tin xây dựng kế hoạch. Biểu diễn trực tiếp hiện nay đang khá bấp bênh. Biết bao ý tưởng, dự định và cả sự nỗ lực của cả đội ngũ các đạo diễn, diễn viên, họa sĩ có thể sẽ trở nên vô nghĩa nếu một làn sóng đại dịch tiếp theo ùa về. Hiện, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đang chờ “hội quân” do nhiều diễn viên ở các tỉnh khác không thể tập trung tại liên đoàn trong 2 tháng giãn cách vừa qua. Chỉ khi có lệnh bỏ giãn cách, các diễn viên mới được vào nội thành.

Liên đoàn đã thành lập Ban phòng chống dịch bệnh thường xuyên cập nhật tình hình sức khỏe của các nghệ sĩ. NSND Tống Toàn Thắng cho biết thêm, 2 tháng ở nhà không tập luyện sẽ khiến phong độ của các diễn viên giảm sút. Họ cần thời gian để lấy lại cảm giác trước khi bước lên sân khấu trong các chương trình ghi hình phát sóng trên truyền hình. Khi có đủ diễn viên trong tay, liên đoàn sẽ gấp rút thực hiện vở “Biệt đội anh hùng” và phân bổ thời gian để không tập trung quá đông diễn viên.