Hà Nội một thời tiếng hát át tiếng bom

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong những năm 1965- 1970, phong trào văn nghệ quần chúng của Hà Nội sôi động chưa từng có. Nhiều ca sĩ cũng từ cái nôi ca hát trong các nhà máy, xí nghiệp, trường đại học mà thành danh.
Nghệ sĩ Mạnh Hà (giữa) trong chương trình biểu diễn khi còn trẻ (Ảnh tư liệu gia đình)

Nghệ sĩ Mạnh Hà (giữa) trong chương trình biểu diễn khi còn trẻ (Ảnh tư liệu gia đình)

Những cái tên quen thuộc như Mạnh Hà, Ngọc Bé, Sao Mai, Quốc Đông, Trọng Nghĩa… đã khiến dấu ấn “tiếng hát át tiếng bom” của thanh niên Hà Nội có vẻ đẹp lãng mạn đặc biệt. Mới đầu họ cũng là công nhân đứng máy, thanh niên lao động trên công trường hay sinh viên ngồi trên ghế giảng đường, rồi do say mê ca hát mà tham gia các hội diễn Thủ đô. Và từ những Huy chương Vàng, Huy chương Bạc đoạt được ấy mà sau này đi vào con đường chuyên nghiệp.

Trưởng thành từ quần chúng

Tuổi trẻ của chúng tôi cũng có những ngày lao động vất vả trên công trường Thủ Lệ (nay là công viên Thủ Lệ), nhưng khi người thanh niên vừa rời chiếc xe bò chở đất để lên loa truyền thanh cất tiếng hát hào sảng ngân vang khắp công trường thì ai nấy đều quên hết mệt nhọc. “Những ánh sao đêm”, “Tôi là người thợ lò”, “Tình ca”, “Chiếc gậy Trường sơn” từng gắn liền với anh ca sĩ công trường này. Mạnh Hà vốn có chất giọng Soprano ấm áp, truyền cảm chứa đầy cảm xúc sôi nổi của tuổi thanh xuân tươi đẹp khiến giới trẻ ngày ấy mê say giọng ca của anh.

Sau khi giành Giải thưởng văn nghệ quần chúng năm 1964, Mạnh Hà được tuyển về Đoàn ca múa nhạc Việt Nam. Bước đầu chỉ là một giọng ca trong dàn hợp xướng, nhưng sau này anh đã khổ công rèn luyện để được vào tốp ca rồi lên Solit. Sau này Mạnh Hà trở thành ngôi sao dòng nhạc đỏ và đi phục vụ nhiều tuyến lửa ở khu 4 hay chiến trường miền Nam. Ngoài Mạnh Hà, trên công trường còn một giọng ca nữ cũng nổi danh không kém là Ngọc Bé.

Ca sĩ Quốc Đông cũng một thời nổi đình nổi đám ở các sân khấu ca nhạc phong trào Hà Nội với những ca khúc rất nổi” lúc bấy giờ là “Hà Tây quê lụa”, “Ngọn đèn đứng gác”, “Yêu nhau ngả nón ra ngồi”, “Những cô gái Quan họ”… Từ một anh Thanh niên xung phong, trở về thành phố đi học rồi làm nghề xây dựng, Quốc Đông đã tham gia Đội hợp xướng Thanh niên và Câu lạc bộ đơn ca Thanh niên Thủ đô. Kể từ năm 1975 trở đi, Quốc Đông liên tục giành Huy chương Vàng, Huy chương Bạc trong các kỳ hội diễn để rồi từ đó bước chân vào lĩnh vực chuyên nghiệp.

Các nhạc sĩ đang biểu diễn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp

Các nhạc sĩ đang biểu diễn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp

Cùng những năm đó, trường Đại học Bách khoa nổi lên phong trào văn nghệ vô cùng sôi động, thu hút nhiều sinh viên có năng khiếu âm nhạc. Thậm chí trường còn thành lập được ban nhạc quy mô với đủ bộ nhạc cụ kèn, Arcordeon, Violin. Phong trào văn nghệ sinh viên giai đoạn này có thể kể đến giọng ca Tenor của Dũng “đen” ở Đại học Mỏ địa chất, hay con chim sơn ca xinh đẹp Minh Kính vốn là sinh viên chuyên ngành Hóa thực phẩm.

Dù nhận được nhiều giải thưởng trong những cuộc thi không chuyên của Hà Nội nhưng Minh Kính lại không đi theo con đường nghệ thuật mà trở về đúng ngành nghề đào tạo là làm kỹ sư thực phẩm tại Nhà máy bánh kẹo Hải Châu. Nhưng nổi bật nhất lúc bấy giờ phải kể đến anh sinh viên Trọng Nghĩa của Đại học Bách khoa. Trọng Nghĩa có tố chất của một ca sĩ ngay từ những ngày đầu bước lên sân khấu. Dáng người đậm, đẹp trai, cặp kính trắng trên mắt càng tạo phong cách riêng cho một thanh niên Hà thành có giọng hát trời phú.

Trọng Nghĩa từng mang về cho nhà trường nhiều giải thưởng danh giá trong các cuộc thi hát ở các tỉnh phía Bắc và Hà Nội, đoạt Huy chương Vàng đơn ca tại Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc 1985. Sau đó anh đầu quân về Nhà hát Ca múa nhạc Hà Nội và làm Giám đốc từ năm 1978. Những người cùng thời khó mà quên được thần thái đặc biệt của những ca khúc đã song hành cùng Trọng Nghĩa suốt chặng đường nghệ thuật như “Truyền thuyết Hồ Gươm”, “Cảm xúc tháng 10”, “Tiếng nói Hà Nội”, “Bài ca Hà Nội”, “Hà Nội đêm không ngủ”…

NSND Thanh Hoa hát cho bộ đội nghe tại mặt trận Đường 9 - Khe Sanh

NSND Thanh Hoa hát cho bộ đội nghe tại mặt trận Đường 9 - Khe Sanh

Những dấu ấn không quên

Cũng từ phong trào ca hát quần chúng ấy, Hà Nội xuất hiện thêm nhiều giọng hát nghiệp dư nhưng có tố chất chuyên nghiệp được nhiều người hâm mộ như Huy Túc (Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo), Văn Sáu (Nhà máy điện Yên Phụ) và Sao Mai (Khu công nghiệp Cao Xà Lá). Sao Mai khi ấy từng tham gia nhiều chuyến biểu diễn không chuyên phục vụ các chiến sĩ bộ đội đang bảo vệ bầu trời Thủ đô chống lại những cuộc tập kích chiến lược đường không của Mỹ. Sao Mai có chất giọng bay và sôi động. Sau này cô cũng được tuyển về Nhà hát Ca múa nhạc Hà Nội.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, ở miền Bắc phong trào “tiếng hát át tiếng bom” đã lan tỏa khắp các công trường, nhà máy và trường học. Khắp nơi náo nức chuẩn bị các tiết mục dự liên hoan hội diễn. Các ca khúc chủ yếu có giai điệu tươi vui, hùng tráng, hào sảng và nội dung nhằm khích lệ thanh niên hăng hái lên đường vì miền Nam ruột thịt, khích lệ tinh thần chiến đấu của quân dân miền Nam, tinh thần dân công nơi tuyến đầu khói lửa, khích lệ người công nhân đứng máy…

Ngày ấy chẳng ai là không thuộc nằm lòng những nhạc phẩm được cất lên hàng ngày như “Không cho chúng nó thoát”, “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Cô gái mở đường”, “Hát mừng các cụ dân quân”, “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, “Bài ca người thợ rừng”… Phong trào văn nghệ quần chúng trong các nhà máy, xí nghiệp đã thực sự cuốn hút nhiều thanh niên nam nữ hăng hái thi đua, đạt nhiều thành tích trong sản xuất.

Đội văn nghệ của Nhà máy cao su Sao Vàng hồi ấy hoạt động rất tích cực và có truyền thống. Do phong trào ca hát có thể tác động mạnh mẽ đến tinh thần lao động công nhân, Ban giám đốc và công đoàn chủ trương phát triển mảng văn nghệ để thúc đẩy thi đua nên đã thu nạp rất nhiều nhạc công chuyên và không chuyên cho ban văn nghệ. Không khí tập luyện chuẩn bị cho các kỳ hội diễn của nhà máy náo nức sau giờ làm. Các đội múa, đội kịch, đội hát diễn tập thâu đêm.

Ngoài Nhà máy cao su Sao Vàng, phong trào văn nghệ của Nhà máy xà phòng Hà Nội, Nhà máy thuốc lá Thăng Long, Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông cũng phát triển như vũ bão. Lời ca tiếng hát khi ấy không chỉ là giải trí, là nghệ thuật, mà còn đem lại sức sống ở mọi lúc, mọi nơi, khi đứng máy hay trong những buổi tập quân sự trên thao trường. Thậm chí chẳng cần đến sân khấu và ánh đèn màu mà ngay giữa giờ giải lao, các cô gái cũng cất cao tiếng hát: “Đi giữa trời khuya sao đêm lấp lánh/ Tiếng hát ai vang vọng cây rừng/ Phải chăng em cô gái mở đường/ Không thấy mặt người chỉ nghe tiếng hát/ Ôi những cô con gái đang ngày đêm mở đường/ Hỏi em bao nhiêu tuổi mà sức em phi thường…”.

Hơn nửa thế kỷ đã qua đi, dù rất nhiều nhạc phẩm say đắm một thuở chẳng còn mấy ai hát nữa và nhiều ca sĩ lừng danh thời ấy đã bị thời gian lãng quên, nhưng ký ức những năm tháng sôi nổi của lớp trẻ thanh niên Hà Nội ngày ấy vẫn vẹn nguyên màu xanh của tuổi thanh xuân lành mạnh, yêu đời luôn ngập tràn âm thanh và giai điệu.

Tin đọc nhiều