Bộ Chính trị: Đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam, đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai vừa ký ban hành kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13 ngày 16/1/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Hoàn thiện mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng

Theo đó, Bộ Chính trị kết luận sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 13 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Trong đó, nhiều chương trình, dự án, công trình được đưa vào khai thác, vận hành, phát huy hiệu quả, nhất là hạ tầng giao thông, năng lượng, thủy lợi, đô thị, thông tin và truyền thông.

Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu cơ bản của Nghị quyết số 13 chưa đạt yêu cầu đề ra, chưa tạo được bước đột phá trong huy động nguồn lực, hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm cho phát triển nhanh và bền vững.

Một số cơ chế, chính sách ban hành chậm, thiếu thống nhất; công tác quản lý Nhà nước, phân cấp, phân quyền còn bất cập. Tình trạng ách tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân tại một số đô thị lớn.

Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên tập trung thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Tuyến metro Nhổn-Ga Hà Nội dự kiến vận hành trong tháng 6/2024 với đoạn trên cao

Tuyến metro Nhổn-Ga Hà Nội dự kiến vận hành trong tháng 6/2024 với đoạn trên cao

Trong đó, yêu cầu có các giải pháp chủ yếu để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đi trước một bước; có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên những lĩnh vực đột phá, cơ bản.

Phấn đấu đến năm 2030, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng tương xứng với nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, quy mô lớn, kết nối với khu vực và thế giới.

Định hướng đến năm 2045, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại gắn với nước phát triển, thu nhập cao; kết nối và hội nhập với phát triển của thế giới.

Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng yêu cầu khẩn trương rà soát, sửa đổi, ban hành chính sách, pháp luật liên quan đến phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng gắn với mục tiêu xây dựng công nghiệp hiện đại đến năm 2030, nhất là chính sách, pháp luật về đầu tư công, quy hoạch, đối tác công - tư, ngân sách nhà nước, phát triển hạ tầng số, kinh tế số, xã hội số...

Bộ Chính trị yêu cầu ưu tiên đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam

Bộ Chính trị yêu cầu ưu tiên đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam

Đồng thời, nghiên cứu tổ chức thí điểm mô hình đầu tư công - quản trị tư, đầu tư tư - sử dụng công; hoàn thiện mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD); xây dựng cơ chế tài chính đặc thù đối với các công trình hạ tầng văn hoá, xã hội.

Xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để hình thành một số tập đoàn kinh tế lớn hàng đầu, có đủ nguồn lực, năng lực quản trị hiện đại, tiếp cận, chuyển giao và làm chủ được công nghệ tiên tiến trong đầu tư, xây dựng những công trình hạ tầng lớn, có ý nghĩa quan trọng, chiến lược đối với phát triển đất nước.

Ưu tiên đầu tư đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao Bắc Nam

Bộ Chính trị cũng lưu ý việc nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách rút ngắn quy trình bồi thường, giải phóng mặt bằng; tách dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư ra khỏi dự án đầu tư theo quy hoạch.

Yêu cầu huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, ưu tiên phân bổ vốn ngân sách Nhà nước cho công trình, dự án quan trọng…; đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội.

Nghiên cứu hình thành quỹ phát triển hạ tầng, áp dụng linh hoạt trần nợ công gắn với khả năng trả nợ để tăng thêm nguồn lực, phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng.

Tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Đáng chú ý, Bộ Chính trị lưu ý đến việc ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các trục cao tốc Đông - Tây và các tuyến giao thông kết nối đa phương thức theo quy hoạch;

Các sân bay quốc tế; hạ tầng các cảng biển lớn, các tuyến đường thủy nội địa có nhu cầu vận tải lớn; dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái (Quảng Ninh) - Hải Phòng, TP.HCM - Cần Thơ, Biên Hoà - Vũng Tàu, Thủ Thiêm - Long Thành.

Tiếp tục triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, tàu điện ngầm có quy mô vận tải lớn tại Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố lớn khác…