Biệt tài của ông Hoàng “giải khát“

ANTĐ - Ông Hoàng giải khát là biệt danh mà người ta đã gán cho ông Trần Huy Hoàng (SN 1939), ở xóm 12, xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), bởi chỉ cần 2 thanh sắt dài chừng nửa mét là ông có thể định vị bắt được mạch nước ngầm tự nhiên sâu hàng chục thậm chí trên cả trăm mét dưới lòng đất. 

Ông “thần nước” Trần Huy Hoàng đang biểu diễn biệt tài của mình

Người đàn ông có “đôi mắt thần”

Đến nay ông Hoàng đã không nhớ nổi mình đi bao nhiêu chuyến xe đò, vượt bao nhiêu cây số đến những nơi xa xôi nhất, đất đai khô cằn nhất trên dọc dài đất nước để bắt mạch nguồn nước ngầm giúp bà con. Không giống như các nhà khoa học hay các nhà địa chất khi tìm nguồn nước phải xác định địa tầng, địa chất, bản đồ, la bàn... ông Hoàng chỉ cần 2 thanh sắt nhưng kết quả mà ông thu được thì “trăm phát trăm trúng”. Biệt tài kỳ lạ của ông từ lâu đã được nhiều người gọi là người đàn ông có “Đôi mắt thần”; ông “thần nước” hay ông Hoàng “giải khát”...

Trong căn nhà đơn sơ, ông Hoàng dáng người cao, mái tóc đã bạc nhưng hành động của ông vẫn nhanh thoăn thoắt. Rót chén trà mời khách ông Hoàng nói: “Việc làm của tôi đâu có gì to tát, chẳng qua là mình có chút khả năng thì bà con ở vùng hạn hán không có nước cần tới thì mình tới giúp thôi...”. Ông Hoàng cười rồi nói tiếp: “Nhưng ấy thế mà lịch làm việc luôn kín mít chú ạ...”. Tôi ngỏ ý muốn mục sở thị “bảo bối” của “thần nước”, ông Hoàng đứng phắt dậy đi thẳng vào góc nhà lấy ra 2 thanh sắt nhỏ bằng đôi đũa, dài chừng nửa mét, một đầu được bẻ góc vuông chữ L. “Bảo bối của tôi đây, chỉ cần 2 thanh sắt dài 50cm này tôi sẽ chỉ trăm phát trăm trúng về mạch nước sâu hàng trăm mét dưới lòng đất...”, ông Hoàng khẳng định chắc nịch.

Tôi ngỏ ý muốn được tận mắt chứng kiến về biệt tài của ông, ông Hoàng cầm 2 thanh sắt đi ra chỗ khu đất sau vườn. Vừa cầm 2 thanh sắt lên ngang bằng nhau, khuôn mặt ông tập trung cao độ, mắt lim dim nhìn vào 2 thanh sắt, chân đứng im. Trong giây lát 2 thanh sắt cử động đều đều về một hướng nhất định, như có một dòng điện hay từ trường tác động lên nó. Ông Hoàng giải thích: “Đó là công đoạn tôi vận dụng dòng năng lượng điện trong cơ thể mình lên hai thanh sắt để dò mạch nước. Nếu hai thanh sắt dịch chuyển lắc lư về hướng nào thì mạch nước ở hướng đó”. Nhiều người không biết tưởng công việc tìm kiếm của ông đơn giản, nhưng theo ông Hoàng thì việc vận dụng năng lượng trong cơ thể vào hai thanh sắt để xác định nguồn nước đòi hỏi tập trung cực kỳ cao độ, sức khỏe tốt và tinh thần phải thoải mái không được nghĩ ngợi bất cứ việc gì thì mới thành công. Chính vì vậy mà công việc của ông đòi hỏi tiêu tốn nhiều năng lượng, ảnh hưởng tới sức khỏe.

Để bắt mạch một nguồn nước tự nhiên sâu dưới lòng đất hàng chục hay thậm chí trên cả trăm mét chính xác ông Hoàng chỉ cần 10-20 phút để thực hiện công đoạn của mình. Nếu nơi khó thì mất nhiều thời gian hơn và có khi cần phải vẽ sơ đồ lên giấy. Ông còn có thể biết được hướng đi của mạch nước, độ lớn nhỏ của mạch nước. Cũng có lần có người nghi ngờ về khả năng bắt mạch nước của ông Hoàng và cho rằng ông tìm được mạch nước chỉ là ngẫu nhiên. Nhưng một lần ông bắt mạch nước ở một vùng đất xong, ông vẽ tỉ mỉ sơ đồ mạch nước chằng chịt dưới lòng đất lên một tờ giấy để mọi người xem và khoan thử nghiệm. Khi hàng chục mũi khoan được thả xuống theo sơ đồ của ông thì có nước nhưng khi thử đặt một mũi khoan lệch sang bên một tý là không tìm thấy nước khiến mọi người rất thán phục.

Sơ đồ mạch nước ngầm dưới lòng đất do ông Hoàng vẽ lại trong một số lần bắt mạch nguồn nước

“Giải khát“ cho đời

Nói về quãng thời gian gắn bó với cái nghề “có một không hai” này ông Hoàng cho biết, “Lúc tôi 14 cụ thân sinh tôi cũng làm nghề tìm mạch nước ngầm, một hôm theo bố đi tìm làm việc thì được bố dạy việc tìm mạch nước bằng cách dùng đồng tiền xu... Nhưng cách tìm nguồn nước bằng đồng tiền xu phức tạp, tốn nhiều thời gian và kết quả lại không cao bởi có khi phải mất thời gian cả mấy tuần mới có thể tìm được một mạch nước”. Vốn tính tò mò, về sau ông Hoàng ngày đêm tìm tòi, nghiên cứu rồi thử nghiệm thêm nhiều phương pháp bắt mạch nước ngầm khác nhau, một lần ông đã tình cờ tìm ra cách bắt mạch nước bằng hai thanh sắt hình chữ L này thấy hiệu quả hơn cách dùng tiền xu, dùng kim đồng hồ sắt... nên ông đã vận dụng.

Ông Hoàng cho biết, ông thật sự đến với nghề này vào khoảng đầu những năm 90 thế kỷ trước. Hiểu được cuộc sống vất vả khổ cực của bà con khi thiếu nguồn nước ngọt để sinh hoạt nên hễ nhận được lời đề nghị của bất cứ ai ở nơi nào dù xa hay gần là ông lại khăn gói lên đường tìm đến tận nơi. Ông nhớ: “Có lần có ông trưởng bản ở một huyện vùng cao  tỉnh Quảng Bình ra nhà trình bày về cuộc sống của bà con vùng cao thiếu nước sinh hoạt, nhiều lần thuê máy khoan để khoan giếng nhưng kết quả đạt được rất ít, có khi khoan cả trăm mũi khoan may ra mới được một mũi có nước. Tiền công chi phí bỏ ra để thuê khoan tìm được mạch nước ngầm là quá lớn nên bà con đành sống chung với cảnh thiếu nước ngọt để sinh hoạt, hàng ngày phải dùng nước từ sông suối ao hồ. Nghe nói vậy là tôi đã lập tức cùng ông trưởng bản trở về vùng quê đó, trong thời gian ngắn tôi đã chỉ ra được hàng chục mạch nước ngầm, từ đó bà con ai cũng vui và quý tôi lắm, đến tận bây giờ nhiều người vẫn thường gọi điện hỏi thăm sức khỏe...”. Cũng nhiều lần đang ở miền Nam thì lại nhận được lời đề nghị của bà con ở miền Bắc mãi Sơn La, Lai Châu... thế là ông lại bắt xe ngược trở ra.

Nhiều người bên ngoài nhìn vào những tưởng ông Hoàng ngày ngày bận bịu ngược xuôi với nghề tìm nước chắc là thu nhập cao lắm. Nhưng ông Hoàng cho biết, ông đi tìm nước cho người dân không phải vì tiền, có lần đi mấy trăm cây số tìm mạch nước giúp dân lúc ra về bà con trả tiền công nhưng vì thấy cuộc sống bà con những vùng cao còn nghèo khổ quá thế là ông lại không nỡ cầm. Ông chỉ lấy hộp bánh, cân hoa quả cây nhà lá vườn của bà con làm quà. Có khi suốt tháng vào Nam ra Bắc như đi chợ, tiền túi cũng cạn kiệt, sức khỏe giảm sút nhưng vì thương bà con những vùng quê nghèo thiếu nước nên ông lại gắng gượng lên đường.