Biển Đông, nơi khẳng định ý chí Việt (3)

ANTĐ - Gần 200 năm nay, trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có một dòng họ đã giữ gìn từng tờ sắc chỉ cổ Hoàng Sa như những báu vật. Những báu vật ấy giờ là căn cứ hùng hồn khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

(Tiếp theo và hết)

BÁU VẬT GIA TỘC

Gần 200 năm nay, trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có một dòng họ đã giữ gìn từng tờ sắc chỉ cổ Hoàng Sa như những báu vật. Đó chính là dòng họ Đặng, hậu duệ của ông Đặng Văn Siểm (ông tổ đời thứ 15 dòng họ Đặng) - một trong 24 lính thủy nhận lệnh của vua Minh Mạng ra canh giữ quần đảo Hoàng Sa vào năm 1835. Thời gian trôi đi, trải qua bao biến cố thăng trầm, những báu vật ấy giờ là căn cứ hùng hồn khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa.  

Sau khi nghe giới thiệu, biết chúng tôi là những người lặn lội từ đất liền ra hải đảo xa xôi tác nghiệp, ông Đặng Lên (SN 1941, trú thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) - tộc trưởng dòng họ Đặng ân cần mời nước rồi tâm sự. Lúc đã trở nên thân mật, ông đến bên cạnh bàn thờ tổ tiên thắp lên một nén hương xin phép “bề trên” được mở ngăn kéo tủ bàn thờ, lấy ra những tờ sắc phong Hoàng Sa cổ mà dòng họ Đặng đã lưu giữ gần 200 năm qua.

Biển Đông, nơi khẳng định ý chí Việt (3) ảnh 1
Ông Đặng Lên - tộc trưởng họ Đặng

Cầm sắc chỉ trên tay (sắc chỉ gốc đã hiến tặng cho nhà nước, hiện chỉ còn lại bản phôtô - PV), giọng ông Lên trầm ngâm: “Những bức văn bản cổ này chính là sắc chỉ, là giấy triệu tập (có giá trị như lệnh nhập ngũ ngày nay). Dịch ra kỹ nó có nội dung là: Vào ngày 15-4 năm Minh Mạng thứ 15 (Ất Mùi - 1835), nhà vua đã lệnh cho một phái đoàn gồm 24 thanh niên tinh thông bơi lội, giỏi võ nghệ đi trên ba chiếc thuyền, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của “Chánh đội trưởng suất đội” (một chức quan dưới thời Minh Mạng - PV) Phạm Hữu Nhật ra biển Hoàng Sa cắm mốc, dựng bia chủ quyền, đo đạc, vẽ bản đồ, trồng cây cối, thu lượm thủy hải sản trong suốt 6 tháng ròng rã. Và kể từ đó, công việc của đội “Hùng binh Hoàng Sa” đã trở thành thông lệ hàng năm”.

Theo lời của tộc trưởng Đặng Lên, hiện nay, hàng năm cứ vào khoảng cuối tháng 2 âm lịch (khi các đợt gió mùa Đông Bắc thưa dần trên biển Hoàng Sa) người dân huyện đảo Lý Sơn lại cùng nhau cử hành các nghi lễ được gọi là “Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa”. Đây chính là hoạt động tri ân và tưởng nhớ những người lính trong đội Hùng binh Hoàng Sa năm xưa đã hy sinh thân mình để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Ông Lên kể: “Đội Hùng binh Hoàng Sa do ông Phạm Hữu Nhật chỉ đạo chính là sự nối tiếp nhiệm vụ của đội Hùng binh Hoàng Sa, Trường Sa dưới thời chúa Nguyễn đầu tiên đặt chân vào xứ Đàng Trong (vì trước đó đã có rồi - PV). Nguyễn Ánh (tức vua Gia Long) sau khi lên ngôi (1802) đã ban hành chỉ dụ, sai đội “Hùng binh Hoàng Sa” đi đo đạc thủy trình và vẽ bản đồ Hoàng Sa. Tiếp đến năm 1816, vua Gia Long lệnh cho đội “Hùng binh Hoàng Sa” cắm cờ quốc gia trên quần đảo Hoàng Sa và sai thủy quân ra đồn trú tại đây để thu thuế và hỗ trợ ngư dân đánh bắt trong vùng biển thuộc chủ quyền của Tổ quốc. Từ đó cho đến suốt thời kỳ nhà Nguyễn, thủy quân Việt Nam đều đặn đi vãng thám, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, cắm mốc dựng bia chủ quyền và thực hiện nhiều hoạt động khác nhằm thực thi chủ quyền trên quần đảo này”.

Thời gian mà đội “Hùng binh Hoàng Sa” bắt đầu đi biển thường từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch (là lúc biển lặng, thời tiết ổn định, ít có bão trên vùng biển Hoàng Sa). Từ đảo Lý Sơn (trước đây gọi là đảo Cù Lao Ré), tàu phải chạy mất 3 ngày 3 đêm mới ra đến quần đảo Hoàng Sa. Suốt 6 tháng ròng rã nằm lại nơi đây, đội “Hùng binh Hoàng Sa” đi khắp nơi trên vùng biển chủ quyền để thực hiện nhiệm vụ nhà vua giao phó. Ngoài những công việc hàng ngày như thu lượm sản vật, cứu trợ các tàu ngư dân bị đắm, đội “Hùng binh Hoàng Sa” còn đảm trách thêm nhiệm vụ đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ và đối phó với nạn cướp biển hoành hành.

“Rõ ràng, trong suốt thời gian từ đầu thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, nhà Nguyễn đã khẳng định và thực thi chủ quyền một cách hòa bình và liên tục trên quần đảo Hoàng Sa” - ông Đặng Lên cho biết.

Sau gần 200 năm gìn giữ, tháng 4-2010, gia tộc họ Đặng đã hiến tặng những báu vật gia tộc về Hoàng Sa cho Bộ Ngoại giao Việt Nam. Tài liệu quý này gồm 4 trang bản gốc còn nguyên vẹn nhất từ trước đến nay. Và để thể hiện sự biết ơn sâu sắc đối với một dòng họ đã có công gìn giữ, hiến tặng tài liệu lịch sử văn hóa quý giá liên quan đến chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, tháng 11-2010, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch quyết định tặng bằng khen cho gia tộc họ Đặng ở thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi.

Cùng thời điểm trên, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã kiến nghị các bộ, ngành trung ương hỗ trợ xây dựng mới nhà thờ họ Đặng ở xã An Hải và trùng tu, sửa chữa nhà thờ các tộc họ khác ở huyện đảo Lý Sơn có tổ tiên từng dong buồm ra biển Đông thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Công tác này hiện nay vẫn đang được gấp rút thực hiện.

BỊ THẤT LẠC...

Ngoài báu vật gia tộc được dòng họ Đặng gìn giữ trong suốt gần 200 năm qua thể hiện quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam thì nhiều tư liệu, sắc chỉ quý khác cũng khẳng định rõ chân lý ấy. Tuy nhiên, qua thời gian nhiều “báu vật Hoàng Sa” đã bị thất lạc vì những nguyên nhân khác nhau.

Tối 19-7-2011, tâm sự cùng chúng tôi, vị tộc trưởng họ Đặng bộc bạch: Gần 200 năm qua,  hậu duệ dòng họ Đặng lưu giữ được những tờ sắc chỉ Hoàng Sa cho đến nay là một việc làm hết sức khó khăn. Vì vào năm 1950, thực dân Pháp cho một trung đội đi thuyền ra tận đảo Lý Sơn lùng sục, tìm kiếm, ép người dân địa phương phải bán lại cổ vật. Để tránh được “mắt đen” của kẻ thù, con cháu dòng họ Đặng đã phải bỏ toàn bộ sắc chỉ, kỷ vật của cha ông vào một cái hũ sành rồi đem chôn sâu xuống lòng đất. Điều này chỉ được hai người (thường là bậc thúc bá và tộc trưởng) nắm được bí mật.

Biển Đông, nơi khẳng định ý chí Việt (3) ảnh 2
Ông Phạm Quang Tĩnh  bên ngôi mộ gió của cụ Phạm Quang Ảnh - người được vua Gia Long sai ra Hoàng Sa đo đạc thủy trình, thu lượm sản vật vào năm 1815

Năm 1979, có một nhóm người lạ mặt tự xưng là “nhà khảo cổ học” đã trực tiếp đến nhà thờ họ Đặng - nơi được coi là đang cất giữ “báu vật” Hoàng Sa để xin “mượn về nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán” của huyện đảo Lý Sơn. Nhưng vì nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt của những gì cha ông để lại đối với Tổ quốc cộng với tinh thần đề cao cảnh giác, gia tộc họ Đặng từ chối không cho mượn sắc chỉ. Không thực hiện được mục đích, tiếp sang năm 1980, lại có một nhóm người lạ mặt thứ hai dong thuyền ra đảo Lý Sơn tìm đến dòng họ Đặng trả giá, đòi mua lại các sắc chỉ, văn bản quý với giá rất cao. Nhưng vị tộc trưởng họ Đặng cùng con cháu một lần nữa lại kiên quyết khước từ.

“Sau này điều tra, chúng tôi mới biết rõ chân tướng vụ việc. Những người đến đây đòi mượn, mua sắc chỉ thực chất là đội ngũ con buôn cổ vật. Chúng muốn lấy những báu vật Hoàng Sa để đem bán cho một thế lực nào đó thu lợi bất chính” - ông Đặng Lên khẳng định.

Để hiểu hơn về quá trình cất giữ và thất lạc của những “báu vật Hoàng Sa”, sáng 20-7, chúng tôi tìm gặp ông Phạm Quang Tĩnh (76 tuổi, hiện đang canh giữ nhà thờ  Phạm Quang Ảnh ở Lý Sơn - người được vua Gia Long sai ra Hoàng Sa đo đạc thủy trình, thu lượm sản vật vào năm 1815.

Ngồi trước bàn thờ tổ tiên, giọng ông Tĩnh trầm ngâm: “Trước đây con cháu, hậu duệ họ Phạm cũng giữ được nhiều sắc chỉ, văn bản cổ của cha ông đi Hoàng Sa, Trường Sa để lại. Nhưng nay thì... không còn nữa”.

Nói rồi ông Tĩnh giải thích: Vào năm 1979 có hai người lạ mặt từ đất liền ra đảo Lý Sơn giới thiệu tên Trần Xuân Cầu và Diệp Đình Hoa (cán bộ Khoa Lịch sử, Trường Đại học tổng hợp, Đại học Quốc gia Hà Nội). Hai người này bày tỏ nguyện vọng được mượn lại những tư liệu có liên quan về hải đội Hoàng Sa trong vòng ba tháng để nghiên cứu.

“Sau khi để lại giấy mượn và lời hứa sắp tới sẽ trả, chúng tôi đã cho họ lấy toàn bộ sắc chỉ, văn bản gốc có liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa mang đi. Nhưng từ đó đến nay, mặc dù chúng tôi đã nhiều lần liên hệ để đòi lại tài liệu như đã cam kết nhưng chẳng thấy hồi âm. Họ đã mượn rồi lấy hẳn luôn” - ông Tĩnh bức xúc.
Cũng theo ông Tĩnh, những sắc chỉ, văn bản quý đã bị thất lạc có nội dung rất cụ thể, rõ ràng và đặc biệt có giá trị lịch sử. Bởi trong ấy đều ghi rõ nội dung cai đội Hoàng Sa tuyển mộ binh phu, bán đất đai, sang nhượng đất đai để làm kinh phí cho những người ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thực thi chủ quyền.

Qua tìm hiểu chúng tôi biết được, ngoài dòng họ Phạm thì ở huyện đảo Lý Sơn còn có dòng họ Nguyễn, họ Võ cũng bị thất lạc nhiều báu vật Hoàng Sa. Ông Nguyễn Quang Bề - tộc trưởng họ Nguyễn nói: “Năm 1994, có một người giới thiệu tên Nguyễn Trí Sơn (cán bộ Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi) đến nhà thờ họ Nguyễn yêu cầu được mượn lại 25 tập tài liệu có liên quan đến Hoàng Sa mang về nghiên cứu. Sau khi bàn bạc, chúng tôi đã cho ông ấy mượn nhưng tới nay vẫn chưa thấy trả lại”.

“Việc các dòng họ Phạm, họ Võ, họ Nguyễn ở huyện đảo Lý Sơn bị một số người lạ mặt đến xưng tên rồi sau đó “mượn” luôn tất cả những tờ sắc chỉ, văn bản cổ Hoàng Sa là một thực tế. Dù có thực hiện mục đích “nghiên cứu lịch sử” hay gì đi chăng nữa thì chúng tôi cũng rất mong Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Quảng Ngãi, Bộ Ngoại giao Việt Nam và những cơ quan có trách nhiệm sớm làm rõ để tìm ra câu trả lời. Có như thế, hậu duệ chúng tôi mới yên tâm trước tổ tiên - những người lính can trường năm xưa đã ngã xuống vì chủ quyền Hoàng Sa” - ông Phạm Quang Tĩnh nói.

Thấy gì từ những ngôi mộ gió

Nằm rải rác trên nhiều bãi cát trắng bỏng rát ở đảo Lý Sơn, Bình Châu (Quảng Ngãi) là những ngôi mộ gió không hài cốt do người thân ở đất liền xây đắp cho người chồng, người cha đi biển vĩnh viễn không trở về. Đó là minh chứng rõ nhất cho thấy sự mất mát, đau thương của ngư dân miền biển. Nhưng phải tìm hiểu thật kỹ thì mới biết đó không chỉ là nỗi đau âm ỉ mà chính là cội nguồn sức mạnh ngư dân.

Chị Ngô Thị Việt (45 tuổi, trú xã An Hải, huyện Lý Sơn) - vợ của thuyền trưởng Lê Minh Tân (người đi trên con tàu QNg-66192 cùng 6 ngư dân khác đã mất tích trên vùng biển Hoàng Sa hồi tháng 12-2010) cho biết: “Sau 3 tháng thấp thỏm đợi chờ trong vô vọng, vừa rồi (ngày 13-3-2011), mẹ con tui đặng lòng phải xây cho anh ấy một ngôi mộ gió nằm cạnh bờ biển. Nhưng trong thâm tâm vẫn không nguôi hy vọng ngày mai anh ấy sẽ trở về...”.

Biển Đông, nơi khẳng định ý chí Việt (3) ảnh 3
Những ngôi mộ gió không hài cốt ở huyện đảo Lý Sơn

Điều gì đã khiến chị Việt và bao người phụ nữ khác như chị ở Lý Sơn, Bình Châu cứ đằng đẵng đợi chờ chồng trong vô vọng như thế. Phải chăng, đó chính là sức mạnh của niềm tin. Đó chính là tình yêu nước, tinh thần không nhượng bộ, tinh thần đoàn kết và sự thủy chung son sắc của người phụ nữ Việt Nam...

Cùng với thời gian, lớp lớp người Việt đã dong thuyền ra biển mưu sinh và mãi mãi không trở về. Đồng nghĩa với điều đó là những ngôi mộ gió lại nhiều thêm, nhiều thêm nữa... Và nhiều người vợ góa chồng, nhiều đứa trẻ thơ mất cha vẫn lại ra biển trông ngóng, hy vọng. Không thể thống kê hết những người con Quảng Ngãi đã vĩnh viễn nằm lại với biển. Nhưng dọc trên những bãi cát vàng ở Lý Sơn, Bình Châu, từ lâu đã có hàng ngàn ngôi mộ gió được lập nên./.