Bí ẩn về thảm họa xảy ra trên tàu ngầm gián điệp tuyệt mật AS-31 Losharik của Nga

ANTD.VN - Điều gì xảy ra trên tàu ngầm gián điệp tuyệt mật AS-31 Losharik vào thời điểm xảy ra thảm họa là một trong những bí mật lớn nhất.

Tàu ngầm gián điệp tuyệt mật AS-31 Losharik, còn được gọi là Dự án 210 của Hải quân Nga chính thức chế tạo vào năm 1988, tuy nhiên phải tới năm 2003 nó mới hạ thủy do gặp vấn đề tài chính.

Hải quân Nga tiết lộ rất ít thông tin liên quan tới chiếc tàu ngầm hạt nhân bí ẩn của mình, điều này khiến truyền thông phương Tây cảm thấy rất tò mò và dẫn tới nhiều suy đoán.

Kết cấu của tàu ngầm AS-31 được hình thành từ 7 quả cầu titan kết nối với nhau, đây chính là nguyên nhân dẫn tới tên gọi: Losharik là một bộ phim hoạt hình của Nga với nhân vật chính là một con ngựa đồ chơi được làm từ những quả cầu nhỏ.

Thiết kế các khoang hình cầu làm tăng đáng kể sức mạnh cấu trúc, bởi tàu ngầm AS-31 cần phải mạnh mẽ để hoạt động dưới độ sâu lớn. Vào năm 2012, người Nga đã thử nghiệm AS-31 ở độ sâu từ 2.000 cho đến 2.500 ở đáy Bắc Băng Dương.

Đây là độ sâu ấn tượng, khi xem xét đến việc tàu ngầm lớp Los Angeles của Hải quân Mỹ chỉ có thể chịu được độ sâu tối đa 914 m - chỉ hơn một phần ba thông số của AS-31. Đóng góp thêm vào sức mạnh của AS-31 là vật liệu titan được sử dụng để chế tạo thân tàu.

“Mặc dù việc sử dụng rộng rãi titan trong tàu ngầm vừa là một thách thức về kỹ thuật cũng như tốn kém hơn đáng kể so với thiết kế tàu bằng thép truyền thống nhưng đây là sự đánh đổi đáng giá”.

“Việc sử dụng một kim loại nhẹ và có độ bền cao như titan cho phép Losharik chịu được áp lực nước cực lớn khi hoạt động dưới đáy biển và đây là điều không thể thiếu trong nhiệm vụ của tàu ngầm", nhà báo Caleb Larson của tạp chí 19FortyFive nhận xét.

AS-31 mạnh nhưng không lớn, lượng giãn nước đầy tải chỉ 2.100 tấn. Để so sánh, con số này của lớp Ohio của Mỹ là 18.750 tấn và tàu Belgorod mới nhất của nga là 17.000 tấn. Trên thực tế, Losharik đủ nhỏ để một chiếc tàu ngầm lớn hơn như Delta-III mang theo.

Không có nhiều thông tin về cách người Nga sử dụng AS-31, nhưng chúng ta có thể phỏng đoán. “Các hồ sơ nhiệm vụ được suy đoán bao gồm khai thác cáp viễn thông dưới biển, được sử dụng để truy cập internet và một số chức năng khác”, nhà báo Larson viết.

“Những sợi cáp quang dưới đáy biển đặc biệt dễ bị tổn thương, vì chúng hầu như không được bảo vệ - việc cắt đứt ngay cả một trong vô số sợi cáp dưới nước cũng có thể làm ảnh hưởng đến lưu lượng truy cập internet, giao dịch ngân hàng hoặc nhiều thiết bị viễn thông”.

Vào năm 2019, một đám cháy đã xảy ra trên chiếc AS-31. Khi đó, tàu đang làm nhiệm vụ đo đạc đáy biển trong lãnh hải của Nga. Ngọn lửa bùng phát vào khoảng 8h30 tối, khi tàu ngầm ở độ sâu 300 m.

Theo thông báo, 14 thủy thủ Nga đã thiệt mạng sau khi hít phải khói và hơi độc. Trên tàu ngầm Losharik lúc đó ước tính chỉ có 25 người. Thật kỳ lạ khi 7 trong số những người đã chết giữ cấp bậc thuyền trưởng hạng nhất (Đại tá hải quân).

Khi tàu ngầm Kursk bị chìm với 118 thành viên, chỉ có 2 người giữ cấp bậc đó. Sự tập trung cao bất thường của các thuyền trưởng hạng nhất trên tàu AS-31 vào thời điểm xảy ra hỏa hoạn cho thấy rằng nó đang thực hiện một nhiệm vụ quan trọng và nguy hiểm.

Đám cháy bắt đầu bằng một vụ nổ lớn trong khoang chứa pin của tàu ngầm. AS-31 được thiết kế để sử dụng pin bạc-kẽm sản xuất tại Ukraine, nhưng khi quan hệ Nga - Ukraine rạn nứt, Moskva đã đổi sang pin lithium-ion do chính mình sản xuất.

Hiện vẫn chưa rõ liệu pin mới có gây ra vụ nổ hay không, nhưng đây là nguyên nhân có khả năng nhất, bởi từ lâu Nga vẫn muốn làm chủ công nghệ chế tạo pin lithium-ion cho tàu ngầm nhưng chưa thực sự thành công.

AS-31 Loshrik không còn hoạt động kể từ vụ cháy. Tuy nhiên, công việc sửa chữa đã bắt đầu và chiếc tàu ngầm tuyệt mật này sẽ quay trở lại hạm đội Nga vào khoảng năm 2025.