Bất thành ý đồ chống phá quan hệ hợp tác Việt Nam-Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dụng ý gì khi Đài phát thanh châu Á tự do (RFA) cố tình đi “ngược dòng” tiến triển tích cực quan hệ Việt Nam-Mỹ? Không thể không đặt ra câu hỏi đó khi quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đang phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc các tập đoàn công nghệ cao - mới của Mỹ đang thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam.

Cáo buộc nhằm chống phá Việt Nam

Sẽ là rất bất ngờ và khó hiểu nếu như ý kiến trên được đưa ra bởi giới chức hay các doanh nhân, chuyên gia kinh tế. Thế nhưng, lại chẳng có gì ngạc nhiên khi nó xuất hiện trên Đài phát thanh châu Á tự do (RFA).

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp ông Eric Schmidt, nguyên Chủ tịch, Tổng Giám đốc tập đoàn Google

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp ông Eric Schmidt, nguyên Chủ tịch, Tổng Giám đốc tập đoàn Google

RFA khi thông tin về chuyện kinh doanh, làm ăn của các tập đoàn công nghệ của Mỹ tại khu vực và Việt Nam cũng như một số chuyến thăm Việt Nam của lãnh đạo tập đoàn Mỹ và các cuộc tiếp xúc của lãnh đạo các tập đoàn này với các nhà lãnh đạo Việt Nam đã rút lên tựa đề của bài viết rằng “các công ty công nghệ lớn của Mỹ đối mặt với những lo ngại về nhân quyền khi đầu tư vào Việt Nam”. Tiếng là thông tin về các chuyến thăm của lãnh đạo tập đoàn Meta - công ty mẹ của các nền tảng xuyên biên giới hàng đầu thế giới như Facebook và Instagram - hay các dự án kinh doanh của các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ như Google tại khu vực và Việt Nam, song RFA lại “ngoắc” sang chuyện nhân quyền, tự do ngôn luận…

RFA dẫn ra những trường hợp mà đài này cho là các “tù nhân chính trị” nhằm cho rằng Việt Nam vi phạm nhân quyền, tự do ngôn luận. Thế nhưng, đó đều là những người có hành vi vi phạm pháp luật hiện hành tại Việt Nam, đã bị điều tra, truy tố và xét xử theo đúng quy định của pháp luật. Ấy vậy mà, RFA lại dẫn những trường hợp vi phạm pháp luật đã bị kết án để rồi lên giọng “quan tòa” phán rằng, “Việt Nam đã trở thành một quốc gia vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất ở ASEAN” (?!).

RFA rốt cuộc có ý đồ gì khi lấy chuyện các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ kinh doanh ở khu vực và Việt Nam để gắn vào vấn đề nhân quyền, tự do ngôn luận rồi đưa ra cáo buộc, chỉ trích vô căn cứ nhằm vào Việt Nam? Hay tự thêu dệt lên cái gọi là “các công ty công nghệ lớn của Mỹ đối mặt với những lo ngại về nhân quyền khi đầu tư vào Việt Nam”?

Ngay chính RFA khi đưa những cáo buộc ấy cũng chẳng thể phủ nhận được thực tế “hai năm rõ mười” trong làm ăn, kinh doanh của các tập đoàn công nghệ Mỹ tại Việt Nam. Đài này phải nêu việc tập đoàn Meta đã công bố sẽ sản xuất tai nghe thực tế ảo tại Việt Nam, tạo ra khoảng 1.000 việc làm; dẫn lời Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Meta Nick Clegg nêu rõ: “Việt Nam vẫn là một quốc gia quan trọng đối với Meta”. Ông Nick Clegg trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hà Nội ngày 30-9 vừa qua trong chuyến thăm Việt Nam đã cam kết “hỗ trợ sự phát triển Việt Nam thành một nền kinh tế kỹ thuật số hàng đầu ở Đông Nam Á”, đồng thời “thảo luận về hợp tác kinh tế và thương mại, phát triển trí tuệ nhân tạo và khả năng Meta hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam”.

Việc RFA phải mâu thuẫn với chính mình khi nói rằng “các công ty công nghệ lớn của Mỹ đối mặt với những lo ngại về nhân quyền khi đầu tư vào Việt Nam”, song không thể phủ nhận thực tế làm ăn, kinh doanh tiến triển tích cực của tập đoàn công nghệ Mỹ tại Việt Nam đã cho thấy rõ ý đồ xấu xa. Họ chẳng muốn thông tin về chuyện kinh doanh của các công ty Mỹ ở Việt Nam mà chỉ nhăm nhăm lợi dụng bất kỳ điều gì để có thể gán ghép, thêu dệt ra những câu chuyện, cáo buộc nhằm chống phá Việt Nam cũng như quan hệ hợp tác Việt Nam - Mỹ đang phát triển nhanh chóng, tích cực trên nhiều lĩnh vực.

“Ông lớn” công nghệ Mỹ khẳng định đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam

Thế nhưng, những ý đồ xấu xa chống phá Việt Nam hay quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ đều chỉ là vô ích và đều thất bại bởi không thể phủ nhận được thực tế sống động đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Có thể khẳng định, những nỗ lực không ngừng nghỉ cùng thành tựu của Việt Nam trong việc thúc đẩy, bảo vệ quyền con người đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Mới đây nhất là việc Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc chính thức thông qua báo cáo quốc gia của Việt Nam theo cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV.

Trong khi đó, trái với điều mà RFA đưa ra, hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ đã có những tiến triển rất tích cực, đặc biệt là sau khi hai nước nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9-2023 trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là dấu mốc quan trọng đưa quan hệ Việt Nam - Mỹ lên tầm cao mới, có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong sự phát triển trên nhiều lĩnh vực của cả hai nước, mở ra rất nhiều cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có kinh tế, thương mại trong tương lai. Trong đó, đáng chú ý là việc các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ đang đẩy mạnh làm ăn, đầu tư vào Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Mỹ đã đến Việt Nam và khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động và đầu tư tại Việt Nam như Boeing, Google, Facebook… Tập đoàn SpaceX của tỷ phú Elon Musk có kế hoạch đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam trong tương lai gần, trong đó có việc triển khai dịch vụ vệ tinh cung cấp Internet Starlink. Meta cũng sẽ mở rộng đầu tư vào đổi mới trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam, bao gồm sản xuất các thiết bị thực tế ảo hỗn hợp từ năm 2025.

Đặc biệt, trong khuôn khổ chuyến công tác Mỹ và tham dự Phiên họp cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79 cuối tháng 9 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tiếp nhiều lãnh đạo tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ. Bày tỏ cảm ơn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dành thời gian tiếp, Phó Chủ tịch Apple Nick Ammann đánh giá, Việt Nam không chỉ là thị trường tuyệt vời đối với tập đoàn này, mà còn là một cứ điểm sản xuất của Apple để cung cấp hàng hóa của mình cho thế giới. Ông Nick Ammann nhấn mạnh, nhiều sản phẩm trọng yếu của Apple ngày nay đang được sản xuất tại Việt Nam và nhờ có sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam nên tập đoàn đang phát triển và mở rộng sản xuất, đồng thời đánh giá cao triển vọng đầu tư vào Việt Nam, cũng như giá trị của thị trường Việt Nam trong chiến lược toàn cầu và tiềm năng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng các sản phẩm quan trọng của tập đoàn.

Chủ tịch phụ trách Đối ngoại Toàn cầu của Meta Nick Clegg trong buổi tiếp kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại New York (Mỹ) đã chia sẻ về kế hoạch gia tăng sản xuất tại Việt Nam đối với các sản phẩm kính thực tế ảo Metaverse, mũi nhọn mới nhất của tập đoàn sau các lĩnh vực truyền thống là mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin. Lãnh đạo Meta cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ, nhân rộng các chương trình đầu tư, khuyến khích sáng tạo tại Việt Nam trong thời gian tới.

Tiếp kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, ông Eric Schmidt - nguyên Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Google - bày tỏ, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm phần mềm của châu Á, với những tín hiệu tích cực như nhiều các công ty với công nghệ mới và nhiều câu chuyện thành công đi lên từ công ty nhỏ lẻ. Ông Eric Schmidt cho biết, nhiều nước khởi đầu với xây dựng công ty phần mềm cấp thấp. Tuy nhiên, vị lãnh đạo tập đoàn đóng vai trò chủ chốt trong việc phát triển Google thành một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới này tin tưởng, Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực tham gia phân khúc cao, dùng AI để giải quyết những vấn đề lớn trong lĩnh vực giáo dục, y tế hay môi trường. Ông bày tỏ hy vọng việc xây dựng các công ty phần mềm này sẽ được bao gồm trong chiến lược phát triển của Việt Nam và cam kết sẽ đưa nguồn vốn từ Mỹ đến các công ty này.