Hợp tác kinh tế - thương mại là xung lực thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ lên thành Đối tác chiến lược toàn diện cách đây một năm đã mở ra rất nhiều cơ hội quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có kinh tế - thương mại. Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư thực sự là một xung lực quan trọng cho thúc đẩy quan hệ hai nước.

Tăng trưởng nhanh của kim ngạch thương mại song phương

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, quan hệ Việt Nam - Mỹ được chính thức nâng cấp lên thành Đối tác chiến lược toàn diện vào ngày 10-9-2023. Dấu mốc quan trọng đưa quan hệ Việt Nam - Mỹ lên tầm cao mới có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong sự phát triển trên nhiều lĩnh vực của cả hai nước này đã mở ra rất nhiều cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có kinh tế, thương mại trong tương lai.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại sự kiện kỷ niệm một năm Việt Nam - Mỹ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại sự kiện kỷ niệm một năm Việt Nam - Mỹ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện

Việc xác lập mối quan hệ ở tầm cao nhất giữa Việt Nam - Mỹ đã đem đến cho hai nước, nhất là các doanh nghiệp, nhiều cơ hội, vận hội, nhưng cũng không ít phần thách thức. Mối quan hệ này khiến các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và bảo hộ được uy tín của mình trên thị trường Mỹ, trong khi các doanh nghiệp Mỹ cũng cần đến với Việt Nam nhiều hơn. Có thể thấy, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là điểm sáng trong quan hệ hai nước, trong đó kim ngạch thương mại song phương tăng rất tích cực. Mỹ duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất ở khu vực ASEAN và là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn thứ 6 của Mỹ trên thế giới. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đã tăng bình quân khoảng 16%/năm.

Tính tới tháng 8 năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Mỹ đạt gần 88 tỷ USD (tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 77,9 tỷ USD (tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2023), nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam là 9,8 tỷ USD (tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước). Đáng chú ý, lần đầu tiên Mỹ đã vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của các mặt hàng nông lâm thủy sản vào Việt Nam với kim ngạch đạt 8,58 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2024, chiếm tỷ trọng 21,4%.

Về đầu tư, Mỹ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11/108 nước đầu tư tại Việt Nam với hình thức đầu tư đa dạng. Tính đến đầu 2024, Mỹ có khoảng 1340 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn cam kết trên 11,8 tỷ USD. Việt Nam có 230 dự án đầu tư tại Mỹ với tổng vốn đăng ký gần 1,3 tỷ USD. Mỹ hiện đứng thứ 7/80 nước và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã đầu tư sang Mỹ 18,7 triệu USD.

Từ năm năm 2023 đến nay, nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ đã đến Việt Nam và khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động và đầu tư tại Việt Nam như Boeing, Nike, Exxon Mobil, Amazon, Marriott, Coca Cola, Google, Facebook, Netflix… Nhiều doanh nghiệp Việt Nam như FPT, Vinfast… cũng đang mở rộng đầu tư sang Mỹ, tạo thế lợi ích đan xen.

Vào tháng 3-2024, đoàn doanh nghiệp cao cấp Mỹ bao gồm 500 doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực đã thăm và làm việc tại Việt Nam. Trong số các công ty tham gia đoàn doanh nghiệp phải kể đến các tên tuổi lớn như: Reta, Boeing, 3M, Abbott, Amazon, Coca-cola Việt Nam, Ford… Qua đó khẳng định, Việt Nam đã và sẽ tiếp tục có vai trò quan trọng trong mối quan hệ thương mại với Mỹ, nhất là sau khi nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Đáng chú ý, hai bên duy trì trao đổi thường xuyên để tăng cường hợp tác, và thảo luận về triển vọng mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới mà mỗi bên có nhu cầu, trong đó có ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI). Hai bên cũng đối thoại thực chất và xây dựng để giải quyết các vấn đề và vụ việc tồn đọng trong quan hệ thương mại. Việt Nam đang tiếp tục trao đổi, thúc đẩy Mỹ sớm công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (MES). Bên cạnh đó, hai bên tiếp tục thúc đẩy cơ chế Hiệp định khung về Thương mại và đầu tư (TIFA), trao đổi đoàn doanh nghiệp… nhằm tiếp tục củng cố và mở rộng khung khổ quan hệ thương mại song phương.

Hợp tác ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả

Khi quan hệ Việt Nam - Mỹ được nâng lên ở mức cao nhất là Đối tác chiến lược toàn diện, hai bên nhận thấy còn nhiều dư địa để thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Phía Mỹ nhận thấy nhiều tiềm năng kinh doanh và đầu tư ở Việt Nam. Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có Mỹ. Bên cạnh đó, Việt Nam có vị trí thuận lợi và khả năng cao trong thu hút nguồn đầu tư từ các doanh nghiệp Mỹ đang dịch chuyển từ các quốc gia khác về Việt Nam.

Từ mối quan tâm tìm hiểu và xúc tiến kinh doanh, đầu tư thời gian qua của doanh nghiệp hai nước, thấy nổi lên một số lĩnh vực hợp tác mới như: công nghệ mới, kinh tế xanh tuần hoàn - năng lượng sạch, kinh tế số và chuỗi cung ứng. Trong đó, việc Việt Nam là quốc gia có trữ lượng đất hiếm - nguyên liệu làm thành phần quyết định để sản xuất ra chip và đấu dẫn các mạch điện tử - lớn thứ hai thế giới đang dần thu hút và dịch chuyển các công ty sản xuất điện thoại, máy vi tính, ti vi thông minh, robot, AI… về Việt Nam. Một số doanh nghiệp của Mỹ đã tạo điều kiện cấp vốn cho doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch, thúc đẩy việc chuyển đổi công nghệ vào ứng dụng sản xuất.

Phát biểu tại sự kiện kỷ niệm 1 năm nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện và hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ vào năm tới được tổ chức ngày 22-9 tại New York (Mỹ), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hoan nghênh những kết quả đáng khích lệ hai bên đạt được sau một năm nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Đồng thời, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, với nội hàm toàn diện và cụ thể của khuôn khổ quan hệ mới, hai bên còn nhiều dư địa để tiếp tục làm sâu sắc và đưa quan hệ song phương ngày càng phát triển ổn định, thực chất, mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho nhân dân hai nước cũng như đóng góp cho hòa bình, ổn định, thịnh vượng ở khu vực và quốc tế.

Tới dự buổi toạ đàm với chủ đề Tăng cường hợp tác Việt Nam - Mỹ trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và AI diễn ra cùng ngày 22-9 tại New York với sự tham gia của các lãnh đạo, chuyên gia các tập đoàn công nghệ, tổ chức hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn và AI tại Mỹ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ, Việt Nam đang có những thế mạnh và cơ hội để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và AI. Trong 20 năm qua, Việt Nam đã đào tạo ra hàng trăm nghìn lập trình viên, hàng triệu người làm công nghệ thông tin, đây là cơ sở quan trọng khẳng định nguồn nhân lực trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và bán dẫn là một trong những điểm mạnh của Việt Nam.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng hợp tác quốc tế và hiểu rằng để thành công và tiến xa trong các lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là ngành công nghiệp bán dẫn và AI, thì chỉ có thể đi cùng nhau, cùng xây dựng chuỗi giá trị vững chắc; đồng thời hoan nghênh các doanh nghiệp, các tổ chức Mỹ đến Việt Nam để cùng phát triển những giải pháp sáng tạo, bền vững. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ tin tưởng rằng, cùng với sự góp sức của tất cả, mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia sẽ ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả, góp phần cho sự phát triển bền vững.