Bão tố qua đi, tình yêu thương ở lại làng biển Bình Minh

ANTD.VN - Siêu bão Chan Chu đã cướp đi mạng sống của 87 con người ở làng biển Bình Minh 16 năm trước. Nhưng khi bão tố đi qua thì tình yêu thương sẽ ở lại. Những người thực hiện chương trình “Nối trọn yêu thương” của Truyền hình Nhân đạo (phát trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam) đã về làng Bình Minh trong lớp học đặc biệt của cô giáo Vương Thị Dung.

Sức sống sau bão tố

Làng Bình Minh (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) nằm bên bờ biển với những cây xương rồng gai góc dù trải qua biết bao cơn bão. 16 năm qua, lớp học của cô giáo Vương Thị Dung đã trở thành ngôi nhà thứ hai với những đứa trẻ mồ côi sau siêu bão Chan Chu. Những mảnh đời kém may mắn năm nào nay rôm rả đọc bài trong lớp học ấm áp tình thương và luôn rạng rỡ nụ cười.

Nhà vô địch thế giới Ultra cuộc đua sức bền năm 2022 Vũ Phương Thanh - đại diện của Tập đoàn Tân Hiệp Phát cùng cô giáo Vương Thị Dung trong chương trình “Nối trọn yêu thương”

Nhà vô địch thế giới Ultra cuộc đua sức bền năm 2022 Vũ Phương Thanh - đại diện của Tập đoàn Tân Hiệp Phát cùng cô giáo Vương Thị Dung trong chương trình “Nối trọn yêu thương”

Người ta từng gọi Bình Minh là làng góa phụ bởi 16 năm trước siêu bão Chan Chu đã khiến 87 ngư dân trụ cột trong các gia đình mãi mãi ra biển mà không bao giờ trở về. Biển cho họ cuộc sống, nhưng cũng lấy lại cả cuộc đời...

Trước mùa mưa năm nay, “cô gái thép” Vũ Phương Thanh (vô địch thế giới Ultra cuộc đua sức bền năm 2022) - đại diện của Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã cùng ê-kíp thực hiện chương trình “Nối trọn yêu thương” của Truyền hình Nhân đạo về làng biển Bình Minh. Tất cả chỉ với mong muốn đồng hành, sẻ chia cùng các em nhỏ mồ côi, những mảnh đời kém may mắn trong lớp học của cô giáo khuyết tật Vương Thị Dung, người đã kiên trì mở lớp dạy học cho các em 16 năm qua.

Cô giáo Vương Thị Dung năm nay 32 tuổi. Vốn được sinh ra với cơ thể khỏe mạnh, nhưng cuộc sống rất vất vả khi cha mẹ cô có đến 6 người con. Cô Dung là con út với tên gọi là Út Bảy. Hàng ngày, cả gia đình trông vào nguồn thu nhập của người cha làm thuyền viên trên tàu đánh cá. Để giảm gánh nặng cho gia đình, từ khi học lên cấp 2 kỳ nghỉ hè nào Dung cũng theo xe khách ra Đà Nẵng làm thuê để tự trang trải tiền học hành.

“Khi tôi đang học lớp 11 thì tai họa ập đến. Sau một đêm thức dậy, tôi bị liệt toàn thân. Gia đình đưa tôi đến bệnh viện cứu chữa nhưng vô vọng. Bác sĩ kết luận, tôi bị viêm tủy vùng cổ, tổn thương tủy sống gây mất vận động dưới vùng tổn thương. Nguyên nhân gây bệnh không rõ ràng và y học không có thuốc đặc trị” - cô Dung nhớ như in ngày đen tối trong cuộc đời mình.

Không đầu hàng số phận

Tai họa ập đến, Dung cảm thấy vô cùng chênh vênh, bất lực khi không chỉ đau đớn về thể xác mà còn cả sức ép khủng khiếp về tinh thần, nhất là khi áp lực cuộc sống mưu sinh đè nặng lên vai cha mẹ. Cảm giác bất lực nhất là khi Dung được chuyển ra Bệnh viện Trung ương Huế, lúc đó gia đình không còn tiền.

Với tinh thần hướng đến những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng, Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã đồng hành cùng chương trình “Nối trọn yêu thương” của Truyền hình Nhân đạo (phát trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam) ngay từ những ngày đầu tiên phát sóng. Đến nay, chương trình thực tế đã ghi nhận hơn 40 nhân vật lan tỏa cảm hứng đến cộng đồng về tinh thần vượt qua nghịch cảnh, đồng thời tôn vinh hành động nỗ lực chung tay cùng xã hội giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn.

Cha và anh trai của Dung phải chạy vạy khắp nơi để có tiền chữa trị mà không cách nào khỏi được bệnh… “Động lực của mình chính là gia đình. Mình không thể bỏ cuộc mà phải là chỗ dựa cho gia đình khi có nhiều biến cố, cha mẹ cũng đã già. Thứ hai là khát khao tuổi trẻ được cống hiến. Tôi tự nhủ, rồi căn bệnh này sẽ qua thôi, phải có cuộc sống cho riêng mình, không có điều gì có thể khuất phục được mình” - Dung nhớ lại.

Trong bệnh viện, bằng sự kiên trì, Dung bắt đầu bền bỉ tập luyện cử động chân, tay, lật, trườn... Sau 1 năm, với nghị lực luyện tập phi thường, tay của Dung đã cầm được vật dụng, có thể ngồi trên xe lăn di chuyển. Nằm liệt trên giường, ước mơ vào đại học của Dung khép lại.

Thế nhưng, với quyết tâm không đầu hàng số phận, Dung nhờ anh chị mua sách vở các môn tiếng Anh, Toán, Văn... để tự học, mở ra cuộc sống mới ý nghĩa hơn.

Lớp học của cô giáo Vương Thị Dung đã trở thành ngôi nhà thứ hai của những đứa trẻ ở làng biển Bình Minh

Lớp học của cô giáo Vương Thị Dung đã trở thành ngôi nhà thứ hai của những đứa trẻ ở làng biển Bình Minh

Từ bệnh viện về nhà, Dung xin mẹ mua cho mình một tấm bảng nhỏ treo ngay trên đầu giường và 2 cái bàn thấp cho học trò ngồi. Dung đã tự mở lớp dạy kèm miễn phí cho những học sinh nghèo là các em nhỏ mồ côi sau siêu bão Chan Chu oan nghiệt. Ban đầu là một vài em, sau đó là hàng chục em.

Từ sáng đến chiều tối, cô giáo Vương Thị Dung ngồi trên xe lăn, học sinh ngồi dưới nền nhà nghe giảng bài. Hôm nào thời tiết thay đổi, không ngồi được xe thì Dung nằm trên giường, đám học sinh vây quanh nghe giảng bài. Dung dạy tất cả các môn, tất cả những gì các em hỏi. Lớp học của Dung đầy đủ lứa tuổi, ngày bình thường là chục em, còn kỳ nghỉ hè lớp luôn kín học sinh. Mọi việc cứ thế trôi qua suốt 16 năm.

Từ lớp học chỉ có vài học sinh, mỗi năm căn phòng nhỏ của cô Dung lại có thêm nhiều em nhỏ hiếu học. Sự đùm bọc yêu thương và vòng tay nhỏ bé của cô Dung đã ôm lấy bao đứa trẻ mồ côi cũng như có hoàn cảnh đặc biệt. Nơi đây không chỉ là lớp học mà còn là gia đình, là tương lai.

Khát vọng vươn lên

Trong căn nhà nhỏ ven biển, cuộc trò chuyện giữa “cô giáo vượt lên số phận” Vương Thị Dung và “cô gái thép” Vũ Phương Thanh mang lại những cảm xúc bất tận. Hai người phụ nữ mang đến những câu chuyện đầy nghị lực và đáng để người xem suy ngẫm.

Vũ Phương Thanh đến từ Việt Nam đã không ngừng đã chinh phục mọi thử thách trong cuộc đua sức bền ở châu Âu khiến các vận động viên thế giới phải nể phục. Còn cô giáo tật nguyền Vũ Phương Dung với sự bền bỉ đã vẽ lên câu chuyện thật đẹp giữa đời thường khi vượt qua nghịch cảnh và chung tay giúp đỡ cộng đồng.

Cảm phục cô giáo nhỏ nhắn nhưng luôn tích cực, hồn hậu với lớp học đầy ắp niềm vui, nghị lực, Vũ Phương Thanh nói với Vương Thị Dung: “Mình muốn chia sẻ với Dung rằng, những điều phi thường đều xuất phát từ những người bình thường. Khác biệt là chúng ta không bao giờ bỏ cuộc. Xin cảm ơn Dung đã lan tỏa tinh thần “không gì là không thể”.

Còn cô giáo Vương Thị Dung tâm sự: “Mình muốn cảm ơn một người anh đã tặng cuốn sách “Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi” của tác giả Andrew Matthews. Cuốn sách như vị cứu tinh khi giúp mình nhìn nhận cuộc sống tích cực hơn. Từ đó cố gắng vận động, quyên góp để lớp học có thêm tủ sách để các em cùng đọc, cùng khám phá những chân trời mới”.

Không chỉ dạy học, cô giáo Dung còn làm thơ, viết văn. Nhiều tác phẩm được cô gửi tới các báo, tạp chí như Thiếu niên Tiền phong, Hoa học trò, Áo trắng... Thơ của cô Dung dung dị như những người dân làng chài, tuy nghèo nhưng luôn tin yêu cuộc sống.

“Em như hoa xương rồng

Mọc trên triền cát trắng

Không e sương ngại nắng

Hiên ngang đứng giữa trời

Và nào đâu hương sắc

Nhưng điều em dám chắc

Là mạnh mẽ vô cùng

Em - loài hoa ung dung

Dám vươn lên tất cả

Dù phong ba vật ngã

Em vẫn trả ơn đời...”

Những vần thơ như chính cô giáo ngồi bên bãi biển mỗi khi chiều về với nụ cười hồn hậu, nụ cười hạnh phúc khi mang lại con chữ cho những học trò nghèo nơi biển xanh cát trắng Thăng Bình.

Tin cùng chuyên mục