Báo Nga khoe 'tính năng vượt trội' của tên lửa chống tăng Kornet-D1 trước Javelin Mỹ

ANTD.VN - Trong cuộc tập trận tại dãy núi Adanak ở Dagestan, các binh sĩ của Hạm đội Caspian đã thực hành sử dụng hệ thống tên lửa chống tăng Kornet-D1 diệt mục tiêu mô phỏng xe bọc thép đối phương và thực hành thay đổi vị trí bắn.

Dịch vụ báo chí của Quân khu phía Nam cho biết 2 vụ phóng tên lửa chống tăng Kornet-D1 đã được thực hiện trong cuộc tập trận. Kíp trắc thủ đã diệt mục tiêu ở khoảng cách hơn 5 nghìn mét, xác nhận năng lực của vũ khí cũng như độ thành thục của kíp chiến đấu.

Gần đây giới truyền thông thường so sánh Kornet của Nga với hệ thống tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin do Mỹ chế tạo. Sự quan tâm đặc biệt còn liên quan đến việc Washington cung cấp lượng lớn vũ khí này cho Quân đội Ukraine.

Đối với Kiev, FGM-148 Javelin gần như được gọi là "vị cứu tinh của đất nước" và là vũ khí có khả năng thay đổi gần như hoàn toàn diễn biến chiến trường. Tuy nhiên theo các chuyên gia Nga, Kornet-D1 còn sở hữu những đặc điểm kỹ chiến thuật vượt trội.

Báo chí Nga nhớ lại rằng Javelin được thiết kế để tiêu diệt xe tăng chiến đấu chủ lực và xe bọc thép, đã được Quân đội Mỹ phát triển và sử dụng cách đây hơn hai thập kỷ, nó có tầm bắn hiệu quả từ 2,5 - 3 km.

Ngoài ra các nhà báo Nga dự đoán tên lửa chống tăng Javelin Mỹ cung cấp cho Ukraine đang gần hết thời hạn sử dụng. Do đó hiệu suất của vũ khí này nói một cách nhẹ nhàng là khó lòng đáp ứng đòi hỏi về chất lượng.

Họ trích dẫn sự cố nghiêm trọng với Javelin vào ngày 23/9/2020, khi trình diễn tổ hợp này với Tổng thống Zelensky tại cuộc tập trận Joint Efforts 2020, đã có một sự lúng túng khi tên lửa không bay ra khỏi ống phóng.

Đối với Kornet của Nga, nó được phát triển trong Phòng thiết kế Tula "Priborostroenie" và được khẳng định là có tính năng vượt trội Javelin của Mỹ về tất cả các mặt.

Ngoài ra phiên bản Kornet-D1 được thông qua vào năm 2019 đã nâng khả năng xuyên giáp của tên lửa lên 1.150 mm thép đồng nhất (RHA) và tầm bắn kéo dài tới 10 km. Trong khi với Javelin, những con số khiêm tốn hơn nhiều khi chỉ xuyên được 800 mm RHA ở cự ly 2,5 - 3 km.

Nhìn chung như các chuyên gia nhận định, xét về các thông số tác chiến chính - khả năng xuyên giáp và tầm bắn - thì Kornet-D1 không có đối thủ trên thế giới. Về tốc độ bắn, Javelin cũng thua kém khi chỉ bắn được 3 phát/phút, trong khi tổ hợp của Nga bắn 4 phát/phút.

Ngoài ra, hệ thống tên lửa chống tăng cơ động của Nga bảo đảm (xác suất diệt mục tiêu 0,9) bắn trúng toàn bộ đội hình tăng, thiết giáp hiện đại, tiên tiến, kể cả trang bị hệ thống phòng vệ chủ động hiện đại.

Ngoài ra tên lửa này cũng có thể được sử dụng để phá hủy công sự, nhân lực trong hầm trú ẩn, và thậm chí cả mục tiêu bay tốc độ thấp như trực thăng bay treo tại chỗ.

Vì vậy đầu đạn của Kornet có thể là loại nổ lõm với hai khối song song để phá giáp phản ứng nổ và đạn nhiệt áp, tên lửa được điều khiển bằng hệ thống quang học thông qua hướng dẫn bằng chùm tia laser.

Đối với Javelin, theo các chuyên gia Nga, để vô hiệu hóa sức xuyên của nó, chỉ cần trang bị một vật thể bọc thép với các tấm chắn bảo vệ dưới dạng lưới hoặc lồng kim loại là đủ phân tán luồng xuyên.

Mặc dù vậy, dễ dàng nhận thấy báo chí Nga đã nói quá về vũ khí của mình, trước tiên là biện pháp bảo vệ kiểu hàn thêm lồng thép trên nóc xe tăng T-72B3 đã bị Quân đội Ukraine chứng minh hoàn toàn vô dụng khi luồng xuyên không hề mất sức mạnh.

Sức xuyên của tên lửa Javelin cho dù có kém hơn Kornet-D1 nhưng với cú đánh kiểu "đột nóc", nó nhắm đúng vị trí xe tăng được bọc giáp mỏng nhất, khác với Kornet-D1 luôn phải lao vào giáp trước hay tháp pháo - những vị trí quy ra RHA luôn vượt xa con số mà ATGM Nga có thể vượt qua.

Quan trọng hơn, Javelin của Mỹ là loại "phóng và quên", sau khi bắn đi xạ thủ không phải liên tục chiếu chùm laser hướng dẫn cho tên lửa - thao tác khiến người bắn chịu nguy cơ cực lớn từ cú phản đòn bởi chiến xa hiện đại có đủ cảm biến giúp xác định nguồn phát laser.

Vấn đề nữa đó là độ chính xác của Kornet trong thực chiến rất khó được như khi luyện tập, bởi xạ thủ để tránh hệ thống cảnh báo laser luôn phải "ngắm lệch" mục tiêu, chờ đạn gần tới nơi mới căn lại đường ngắm, khác hẳn việc chiến xạ trực tiếp lúc diễn tập.

Tên lửa Javelin cũng có độ linh hoạt hơn nhiều, khi chỉ cần đặt ống phóng lên vai, xác định mục tiêu rồi bắn, trong khi đó Kornet phải dựng giá 3 chân, gá ống phóng tên lửa lên rồi mới có thể tác chiến.