Bão lụt hoành hành ở nhiều khu vực trên thế giới

ANTD.VN - Khi nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt xảy ra thường xuyên hơn. Tác động của biến đổi khí hậu đang lan rộng, khi các trận lũ lụt thảm khốc và nghiêm trọng ảnh hưởng khắp châu Á, châu Âu cho đến châu Phi.

Trung Quốc triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp với bão Bebinca

Sáng 16-9, bão Bebinca đã đổ bộ vào Thượng Hải, Trung Quốc với cường độ bão cấp 1. Đây là cơn bão nhiệt đới mạnh nhất tấn công trực tiếp vào trung tâm tài chính của Trung Quốc trong hơn 7 thập kỷ. Với sức gió tối đa đạt 151 km/giờ ở gần mắt bão, Bebinca đã tấn công thành phố gần 25 triệu dân vào khoảng 7h30 sáng (theo giờ địa phương). Đây được xem là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Thượng Hải kể từ bão Gloria năm 1949.

Các khu vực dọc biên giới giữa Cộng hòa Czech - Ba Lan và từ Ba Lan đến Romania là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ

Trong nỗ lực ứng phó với bão Bebinca, Trung Quốc đã gấp rút triển khai các biện pháp phòng ngừa. Ban Chỉ huy phòng chống lũ lụt và hạn hán quốc gia đã kích hoạt cơ chế ứng phó khẩn cấp cấp độ 4 đối với tỉnh An Huy, miền Đông Trung Quốc, đồng thời nâng mức ứng phó lên cấp 3 đối với thành phố Thượng Hải và tỉnh Chiết Giang.

Theo Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp, lực lượng cứu hộ gồm hơn 3.000 người cùng gần 1.000 bộ thiết bị cứu hộ và 5 máy bay trực thăng cũng đã được điều động đến các địa phương ở vùng duyên hải để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

Trước đó, chính quyền thành phố Thượng Hải ngày 15-9 cũng đã quyết định hủy hàng trăm chuyến bay tại 2 sân bay chính, gồm sân bay Phổ Đông và sân bay Hồng Kiều. Ga tàu Thượng Hải cũng đã tạm dừng một số dịch vụ đường sắt, trong khi đó một số dịch vụ phà cũng đã phải dừng hoạt động.

Kỳ nghỉ tết Trung thu đang diễn ra cũng đã làm tăng thêm sự phức tạp cho công tác ứng phó với bão lũ tại Trung Quốc. Nhà điều hành đường sắt Trung Quốc dự đoán sẽ có 74 triệu lượt hành khách trong kỳ nghỉ này. Nhà chức trách yêu cầu chính quyền địa phương cần tăng cường nỗ lực phòng chống lũ lụt và thảm họa địa chất, sơ tán những người dân trong khu vực bị ảnh hưởng, đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi, hồ chứa, mỏ và các công trình hạ tầng khác, cũng như chuẩn bị các phương án ứng phó với tình trạng ngập úng đô thị.

Lũ lụt ở Slobozia Conachi, Romania

Trung và Đông Âu: Ít nhất 5 người tử vong, 4 người mất tích do bão Boris

Nhà chức trách các nước ở Trung và Đông Âu ngày 15-9 thông báo, ít nhất 5 người đã thiệt mạng ở Ba Lan và Romania khi cơn bão Boris quần thảo khu vực này với những trận mưa như trút nước và lũ lụt.

Kể từ ngày 12-9, gió lớn và mưa lũ bất thường tấn công nhiều vùng của Áo, Cộng hòa Czech, Hungary, Romania và Slovakia. Cơn bão đã khiến 4 người ở Romania thiệt mạng và hàng nghìn người phải sơ tán trên khắp lục địa. Phát biểu với báo giới vào sáng 15-9, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk xác nhận trường hợp tử vong đầu tiên do đuối nước tại khu vực Klodzko giáp giới với Cộng hòa Czech.

Thủ tướng Tusk đang thị sát khu vực Tây Nam đất nước, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lũ lụt. Khoảng 1.600 người đã được sơ tán ở Klodzko. Chính phủ Ba Lan đã huy động quân đội để hỗ trợ lính cứu hỏa tại địa phương.

Tại Cộng hòa Czech, cảnh sát cho biết lực lượng chức năng đang tìm kiếm 4 người mất tích, bao gồm 3 người bên trong chiếc ô tô bị cuốn xuống sông ở thành phố Lipova-Lazne, Đông Bắc nước này, và một người đàn ông khác bị lũ cuốn trôi ở khu vực Đông Nam. Trong khi đó, một con đập ở miền Nam Cộng hòa Czech đã bị vỡ, gây ngập lụt các thị trấn và làng mạc ở hạ lưu.

Trước đó, ngày 14-9, giới chức Romania cho biết đã có ít nhất 4 người thiệt mạng và 5.000 ngôi nhà bị hư hại trong trận lụt ở Đông Nam nước này. Cơ quan cứu hộ sở tại đã công bố một đoạn video cho thấy những ngôi nhà bị ngập lụt ở một ngôi làng bên sông Danube. Hàng trăm người đã được giải cứu ở 19 vùng của Romania.

Tại Áo, một số khu vực ở vùng Đông Bắc đã được tuyên bố là khu vực thiên tai. Một số khu vực của bang Tyrol chứng kiến lượng tuyết rơi dày tới 1m - một hiện tượng bất thường vào giữa tháng 9, sau khi nhiệt độ lên tới 30 độ C vào tuần trước. Các dịch vụ đường sắt đã bị đình chỉ ở khu vực miền Đông nước này vào sáng sớm 15-9, trong khi một số tuyến tàu điện ngầm cũng bị đóng cửa tại thủ đô Vienna, nơi sông Wien đang có nguy cơ tràn bờ.

Nước láng giềng Slovakia đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Bratislava. Dự báo mưa lớn tiếp diễn cho đến ít nhất là ngày 16-9 tại Cộng hòa Czech và Ba Lan.

Nigeria: Mưa lũ làm tường nhà tù đổ sập, 281 phạm nhân bỏ trốn

Mưa lớn gây lũ quét đã làm sập các bức tường của nhà tù ở Maiduguri, Đông Bắc Nigeria, tạo cơ hội cho 281 phạm nhân trốn thoát. Giới chức quản lý nhà tù ngày 15-9 cho biết, lực lượng chức năng đã nhanh chóng triển khai các hoạt động truy bắt phạm nhân tẩu thoát. Đến nay, lực lượng an ninh đã bắt giữ 7 tù nhân trong số này.

Từ đầu tuần trước, Maiduguri - thủ phủ của bang Borno, đã phải hứng chịu trận lũ lụt nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ. Lượng mưa lớn đã khiến một con đập bị vỡ, tàn phá một vườn thú thuộc sở hữu nhà nước, đồng thời cuốn trôi các động vật nguy hiểm như cá sấu và rắn vào các khu dân cư. Theo Cơ quan ứng phó tình huống khẩn cấp Nigeria, mưa lũ đã khiến ít nhất 30 người thiệt mạng, ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 1 triệu người và buộc hàng trăm nghìn người phải sơ tán.