"Bảo bối" Pantsir-S1 của Syria trước nguy cơ bị biệt kích xâm nhập đánh chiếm

ANTD.VN - Hệ thống tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1 được cho là vũ khí gây ra nhiều nguy cơ nhất đối với Không quân Mỹ và đồng minh, do vậy họ rất muốn nắm được các bí mật của nó để đưa ra phương án đối phó hiệu quả, một trong những biện pháp có thể là xâm nhập đánh chiếm.
Trong cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình do liên quân được Mỹ dẫn đầu vào các mục tiêu trên lãnh thổ Syria, "nước chủ nhà" thông báo chỉ sử dụng các tổ hợp tên lửa phòng không sản xuất từ thời Liên Xô chống trả.
Mặc dù vậy họ tuyên bố tỷ lệ đánh chặn thành công cao đến mức đáng ngạc nhiên, đó là 71 trên tổng số 103 tên lửa hành trình đã bị bắn rơi trên đường bay tới mục tiêu.
Điều này đã gây ra nghi ngờ cho các chuyên gia quân sự vì các hệ thống phòng không cũ khó mà đánh chặn được mục tiêu bay thấp như Tomahawk mà có thể "tác giả" chính vẫn là Pantsir-S1.
Hiệu quả tác chiến của hệ thống tên lửa - pháo phòng không trong tay Quân đội Syria này là không phải bàn cãi, khi nó đã chứng tỏ năng lực qua thời gian dài vừa qua.
Bởi vậy phía Mỹ và các quốc gia đối địch rất muốn nắm bắt các bí mật của hệ thống này nhằm tìm ra phương thức đối phó phù hợp nhất.
Một phương án táo bạo vừa được nhắc tới, đó là có thể Mỹ sẽ nhờ biệt kích Israel đột nhập lãnh thổ Syria và đánh cắp cả một tổ hợp Pantsir-S1 nguyên vẹn về để nghiên cứu.
Lý do biệt kích Israel được nhắc tới cho nhiệm vụ này là vì họ được đánh giá là bậc thầy trong các hoạt động bí mật, đã thực hiện thành công vô số vụ đột nhập vào lãnh thổ các quốc gia Arab đối địch.
Tiêu biểu có thể kể ra đây đó là đêm 26/12/1969, biệt kích Israel tiến hành chiến dịch mang mật danh "Rooster 53" (Gà trống 53) nhằm đánh cắp một radar cảnh giới đường không P-12 mà Ai Cập vừa nhận từ Liên Xô.
Thành công của chiến dịch giúp Israel và Mỹ sở hữu một trong những radar hiện đại nhất thời đó cũng như tìm ra phương án gây nhiễu để đối phó với các tổ hợp tên lửa S-75 (SA-2) do Liên Xô chế tạo.
Ban đầu, quân đội Israel định không kích tiêu diệt hệ thống này, nhưng vụ tấn công bị hủy khi họ nảy ra ý tưởng "bắt cóc" đài P-12 một cách nguyên vẹn. Chiến dịch mang mật danh Rooster 53 được lên kế hoạch vào ngày 24/12.
Không quân Israel lựa chọn trực thăng vận tải hạng nặng CH-53 Yasur vừa được bàn giao trước đó không lâu, được cho là loại phương tiện duy nhất đủ sức chuyên chở hệ thống radar P-12 với khối lượng tới 7 tấn.
Nhóm đột kích Israel đã gây bất ngờ cho lực lượng bảo vệ đài radar, bắn hạ 2 lính Ai Cập, bắt sống 4 người và nhanh chóng kiểm soát khu vực, bắt đầu "xẻ thịt" đài radar để đưa lên trực thăng CH-53 mang về nước.
Kinh nghiệm từ bài học trong quá khứ theo đánh giá vẫn còn nguyên giá trị vào thời điểm hiện tại, do vậy viễn cảnh đặc nhiệm Israel thực hiện một vụ đột kích đánh cắp tương tự là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Trước mối nguy cơ này, Quân đội Syria sẽ phải thật cảnh giác và dự liệu sẵn các tình huống có thể xảy ra để bảo vệ vũ khí hiện đại của mình bằng mọi giá.
Vì nếu để lộ tham số mật của Pantsir-S1 thì bầu trời của họ trong tương lai sẽ gần như mở toang cửa chào đón không quân nước ngoài tới đánh phá.