Băng qua cánh đồng lúc rạng sáng, thần tốc vì “chiến dịch” cuối cùng trọn vẹn 30 ngày đêm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những ngày cuối cùng của “chiến dịch” thần tốc 30 ngày đêm trên “mặt trận” chỉ với những con số, đường vân có lẽ đã chứng kiến những đêm không thể ngủ của cán bộ chiến sĩ tham gia cấp căn cước công dân gắn chíp ở Công an huyện Thường Tín (Hà Nội). Băng xuyên cánh đồng lúc đêm khuya, hay tiếng xe máy rời nhà khi gà gáy canh năm chính là những vất vả, khó khăn không thể nói hết của họ…

Khó khăn trên “mặt trận” của những con số, đường vân

Huyện Thường Tín nằm ngay cửa ngõ Thủ đô Hà Nội, dù đang phát triển mạnh nhưng người dân cơ bản vẫn là thuần nông, một số địa bàn xã làm nghề truyền thống, những người dân nhạy bén thì vào nội thành đi buôn, không thì đi xuất khẩu lao động hoặc tìm kiếm cho mình một công việc ở tỉnh khác với thu nhập tốt hơn là bám lấy đồng ruộng quê hương…

Chính vì vậy, dẫu “chiến dịch” cấp căn cước công dân gắn chíp đã được lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an huyện Thường Tín triển khai quyết liệt, nhưng cho đến thời điểm trước khi Giám đốc CATP Hà Nội triển khai Mệnh lệnh 01 - cao điểm 30 ngày đêm thu nhận hồ sơ (25-7-2022), toàn huyện vẫn còn 16.401 trường hợp chưa làm căn cước công dân gắn chíp.

Trong đó, số phải thu nhận thực tế là 8.266, còn lại là các trường hợp công dân đi xuất khẩu lao động nước ngoài, hay những đối tượng đang chấp hành án phạt tù, tham gia cải tại trong các cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng…

Cán bộ chiến sĩ đến tận nhà người dân cấp căn cước công dân gắn chíp lưu động

Cán bộ chiến sĩ đến tận nhà người dân cấp căn cước công dân gắn chíp lưu động

“Từ khi sinh ra đến giờ, chúng tôi quanh năm - ngày - tháng không rời khỏi làng xã, thôn xóm. Công việc đồng áng bận bịu cả ngày thì đi đâu? Nên bảo chúng tôi làm căn cước công dân gắn chíp thì nói thực là tôi thấy không cần thiết” - bà Trần Thị Nga ở xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín nói.

Giống như bà Nga, bà Hồ Thị Tách (xã Nghiêm Xuyên) đến thời điểm hiện tại cũng chưa đi làm căn cước công dân gắn chíp bày tỏ: “Tôi có bao giờ đi giao dịch gì đâu mà cần căn cước công dân gắn chíp. Ngay cả bảo hiểm y tế còn không làm, xe máy thì không biết đi, tích hợp định danh điện tử gì đó mà các anh Công an nói thì đúng là không phù hợp”.

Còn chị Nguyễn Thị San, ở xã Ninh Sở, huyện Thường Tín thì cho biết, bản thân gia đình chị làm nghề buôn bán ở các chợ đầu mối nội thành Hà Nội. Hôm nào cũng vậy, cứ 3h sáng chị lại chở rau củ đi bán, sớm thì khoảng 8-9h sáng thì về, muộn có khi tới trưa. Về tới nhà, chị ăn quáng quàng bát cơm rồi ngủ bù lấy sức chiều đi cắt rau cho buổi chợ hôm sau.

“Tôi cũng thấy hàng xóm bảo chú Cảnh sát khu vực đến tìm mấy lần, nhưng thú thực tôi đi bán hàng giờ giấc cũng trái ngược với mọi người nên có ở nhà mấy đâu. Mình tranh thủ kiếm tiền lo cho con cái để nó học hành sau này có công việc ổn định, không phải vất vả như mình” - Chị Nguyễn Thị San tâm sự.

Không ngại khó khăn, vất vả, khắc phục mọi hoàn cảnh để cấp căn cước công dân gắn chíp cho người dân

Không ngại khó khăn, vất vả, khắc phục mọi hoàn cảnh để cấp căn cước công dân gắn chíp cho người dân

Đây chỉ là ba trong số hàng nghìn trường hợp cho đến thời điểm hiện tại chưa làm căn cước công dân gắn chíp của huyện Thường Tín. Đại tá Nguyễn Tiến Tần, Trưởng Công an huyện Thường Tín thông tin, trước đó, đơn vị đã tổ chức điều tra cơ bản, nắm tình hình số lượng công dân, nguyên nhân công dân chưa làm căn cước công dân gắn chíp, để từ đó họp bàn, đề ra các biện pháp, giải pháp tháo gỡ.

“Triển khai Mệnh lệnh 01, chúng tôi đã thực hiện rất quyết liệt. Tuy nhiên, nó là đặc thù địa bàn nên chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn. Cán bộ chiến sĩ tham gia “chiến dịch” vất vả lắm, không thể đong đếm hết được những hy sinh mà nhiệm vụ thì còn gian nan. Do vậy, một mặt nghe báo cáo hàng ngày, mặt khác chúng tôi cũng phải thường xuyên động viên cán bộ chiến sĩ, đôi khi chỉ là những lời nói, hay những cuộc điện thoại, khi là dòng tin nhắn, tôi tin rằng anh em cũng rất ấm lòng…” - Đại tá Nguyễn Tiến Tần chia sẻ.

Những chuyến đi băng xuyên cánh đồng tối sẫm

Hơn 23h đêm, Đại úy Nguyễn Hải Linh và tổ công tác của Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an huyện Thường Tín mới bắt đầu thu dọn máy móc từ địa bàn trở về trụ sở Công an huyện. Anh bảo, người dân đi làm có khi từ sáng sớm tới đêm khuya mới trở về nhà, nên cán bộ cố gắng chờ đợi.

“29 xã thì có nhiều xã ở xa, cách trụ sở Công an huyện gần 20 cây số. Vì thế, sau ca làm việc muộn, anh em về tới trụ sở có khi đã hơn 12h đêm. Chúng tôi lại phải tập hợp số liệu, đối sánh với dữ liệu của Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) rồi báo cáo về CATP ngay trong đêm vì hôm sau đã phải đi sớm rồi, nên về nhà đã 1-2h sáng. Nhiều khi chỉ rửa mặt, thay bộ quần áo rồi lên giường đi ngủ chứ cũng không kịp tắm” - Đại úy Nguyễn Hải Linh kể. Thế rồi, tờ mờ sáng hôm sau, khi gà mới gáy canh năm họ lại phải lên đường cho kịp tiến độ.

Đường xá xa xôi do địa bàn rộng, nên quãng đường về không biết bao đêm phải băng qua cánh đồng tối sẫm, không một ánh đèn. Nhưng vất vả này, như cán bộ chiến sĩ Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết “chưa thấm vào đâu so với lực lượng công an cấp xã”.

Những hình ảnh gây xúc động mạnh về những người chiến sĩ Công an huyện Thường Tín tham gia "chiến dịch" cấp căn cước công dân gắn chíp theo Mệnh lệnh 01 của Giám đốc CATP Hà Nội

Những hình ảnh gây xúc động mạnh về những người chiến sĩ Công an huyện Thường Tín tham gia "chiến dịch" cấp căn cước công dân gắn chíp theo Mệnh lệnh 01 của Giám đốc CATP Hà Nội

Vạn Điểm, Nghiêm Xuyên, Minh Cường… là những xã ở cách xa trung tâm và trụ sở Công an huyện Thường Tín. Địa bàn xã cũng rộng với những cánh đồng trải dài. Đi từ đầu xã đến cuối xã có khi cũng gần chục cây số. Ấy vậy mà như Nghiêm Xuyên, xã cũng chỉ có 6 cán bộ chiến sĩ bao gồm cả chỉ huy là Công an chính quy.

Bắt tay vào “chiến dịch” 30 ngày đêm thần tốc thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chíp, không chỉ Cảnh sát khu vực mà ngày cả đồng chí trưởng công an xã cũng phải lao vào “cuộc chiến”, rà từng danh sách công dân, phân chia cho từng cán bộ chiến sĩ, và cũng trực tiếp xuống địa bàn, đi từng ngõ, gõ từng nhà, động viên từng công dân.

“Người dân xã Nghiêm Xuyên 100% thuần nông, sáng sớm ra đồng, đến tối mới về nhà nên việc vận động, truyên truyền gặp rất nhiều khó khăn. Kể vui ra đây là có cán bộ chiến sĩ của chúng tôi đi ra tận đồng vận động, bà con bảo bao giờ cuốc xong luống đất thì về đi làm, thế là cán bộ của tôi cũng vào giúp một tay. Nhìn thấy như vậy, họ mới hiểu được tầm quan trọng của việc cấp căn cước công dân gắn chíp cũng như thực hiện Đề án 06, vì có quan trọng thì lực lượng công an mới lăn xả đến thế” - Đại úy Vương Tiến Đạt, Trưởng Công an xã Nghiêm Xuyên cho biết.

Để thực hiện có hiệu quả Mệnh lệnh 01 của Giám đốc CATP, Công an huyện Thường Tín cũng đã tham mưu cho UBND huyện ban hành văn bản, chỉ đạo cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Thậm chí, công an 29 xã còn phải nhờ tới những người có uy tín ở các dòng họ giúp đỡ. Vì thế, từ nhận thức mơ hồ về tiện ích của căn cước công dân gắn chíp, người dân nơi đây đã hiểu và thực hiện.

Thiếu tá Nguyễn Thanh Hải - Đội phó Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an huyện Thường Tín cho biết, đến nay, đơn vị vẫn còn hơn 3.000 trường hợp chưa làm căn cước công dân gắn chíp. Dù không hoàn thành mục tiêu ban đầu của “chiến dịch” nhưng đơn vị sẽ vẫn tiếp tục động viên bà con, khắc phục mọi khó khăn, vất vả.

“Chúng tôi ngoài việc cấp tại trụ sở còn bố trí 3 tổ công tác lưu động đi từng xã để hỗ trợ công dân, không để bà con phải đi xa. Nếu trường hợp nào đi lại khó khăn, già yếu, bệnh tật ốm đau, đơn vị sẽ triển khai cấp tại nhà, miễn làm sao giúp bà con thực hiện được quyền và nghĩa vụ của mình” - Thiếu tá Nguyễn Thanh Hải khẳng định.