Những cuộc gọi bị chặn số và 'mặt trận' 30 ngày đêm không nghỉ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Có một “mặt trận” được huy động triển khai với 30 ngày đêm không nghỉ. Một “mặt trận” đã ghi dấu không biết bao nhiêu giọt mồ hôi rơi xuống cùng những đêm dài không đếm được từng bước chân lặng lẽ. Một “mặt trận” mà ở đó có những cuộc gọi bị chặn số và phải vất vả lắm người chiến sĩ công an mới hoàn thành được nhiệm vụ… Đã 15 ngày cho “chiến dịch” cuối cùng thần tốc để lên được những con số, chỉ có những hy sinh âm thầm là không đong đếm được.

Những bàn chân lặng lẽ

23h13... Trung úy Lê Trọng Trung, cán bộ Cảnh sát khu vực (CSKV) Công an phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) vẫn đi qua từng con ngõ. Bóng đèn đường soi rõ những bước chân lặng lẽ của anh đằng sau từng nếp nhà đang ngủ yên.

“Không chỉ có khu dân cư do tôi phụ trách mà nhiều khu khác cũng vậy, người dân lao động chân tay có khi đi từ sáng sớm tới đêm khuya mới về. Họ đi làm xa, trở về nhà muộn là chuyện bình thường. Gặp được họ khó lắm, nhưng mình phải thông cảm và hiểu cho họ nên CSKV chúng tôi đều cố gắng đợi…” - Trung úy Lê Trọng Trung tâm sự.

Miệt mài cả một ngày dài, mồ hôi ướt đẫm áo nhưng trong lúc chờ công dân của tổ dân phố do mình phụ trách về, anh lại rà soát danh sách các công dân chưa làm căn cước công dân (CCCD) gắn chíp để tính toán việc gặp gỡ thế nào, động viên thuyết phục ra sao.

Cán bộ Cảnh sát khu vực Công an phường Vĩnh Tuy tận tụy với công việc

Cán bộ Cảnh sát khu vực Công an phường Vĩnh Tuy tận tụy với công việc

“Họ là người lao động, còn việc của mình là gọi điện thoại mời họ lên làm CCCD gắn chíp, nhưng có người thấy gọi nhiều quá họ chặn luôn cả số. Thực ra, CSKV gần dân nhất nên hiểu rõ hoàn cảnh của mỗi công dân, nên không vì thế mà trách họ. Mình hiểu họ thì họ cũng hiểu mình” - Trung úy Lê Trọng Trung nói thêm.

Là một chiến sĩ CSKV thực hiện tốt nhiệm vụ trong “chiến dịch” thần tốc 30 ngày đêm thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chíp của Công an phường Vĩnh Tuy, điều mà người chiến sĩ trẻ này nhận được không phải lời khen của Chỉ huy Công an phường, mà chính là lời cảm ơn rất chân thành của những công dân không có khả năng đi lại, được Trung úy trẻ tuổi cõng lên trụ sở Công an quận Hai Bà Trưng làm các thủ tục cấp CCCD gắn chíp. Với anh, được phục vụ nhân dân chính là động lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trung tá Phạm Trung Khánh Tùng - Trưởng Công an phường Vĩnh Tuy cho biết, địa bàn phường có đặc thù đông dân cư, nhiều tòa nhà chung cư, nhiều khu vực người lao động phổ thông sinh sống, do đó cũng phát sinh biến động dân cư thường xuyên.

Triển khai Mệnh lệnh 01, đơn vị sau khi điều tra cơ bản cũng đã xác định số đối tượng thu nhận hồ sơ đợt cuối này thường rơi vào các trường hợp đi công tác dài ngày, đi du lịch, thăm thân ở nước ngoài chưa về, công dân có hộ khẩu thường trú nhưng đi nơi khác sinh sống (KT2)…

“Với những đặc thù địa bàn, ngay từ đầu chúng tôi đã động viên cán bộ chiến sĩ là sẽ vất vả, hy sinh nhiều nhưng sẽ nỗ lực hết sức để hoàn thành mục tiêu đề ra. Khó khăn lớn nhất mà chúng tôi gặp phải chính là các trường hợp KT2 đi. Qua việc tra cứu tàng thư dữ liệu căn cước, tiêm chủng, bảo hiểm, hay thậm chí gặp hàng xóm cũ để hỏi han thông tin… chúng tôi xác định được nơi cư trú mới, nhưng mời họ về làm CCCD gắn chíp rất khó. Phần vì có người phải đi lại xa xôi, phần vì họ cho rằng chưa cần thiết. Hoặc ngay cả các tòa chung cư trên địa bàn, biến động dân cư là thường xuyên, có trường hợp thì bảo để bán nhà xong đi nơi khác ổn định sẽ làm theo địa chỉ mới. Có trường hợp mới đến cũng không thay đổi thông tin tạm trú... Số lượng người ít, nhiệm vụ không thể lơ là một ngày, nên cán bộ chiến sĩ cũng phải làm việc tăng cường ngoài giờ” - Trung tá Phạm Trung Khánh Tùng thông tin.

Vất vả, hy sinh là thế, nhưng các cán bộ chiến sĩ Công an phường Vĩnh Tuy vẫn âm thầm, lặng lẽ trên “mặt trận cuối cùng” này. Niềm vui lớn đối với họ chính là sự ghi nhận của người dân khi thấy các chiến sĩ CSKV người ướt đẫm mồ hôi nhưng vẫn niềm nở nụ cười cõng các cụ cao tuổi, già yếu, bệnh tật đi làm CCCD gắn chíp.

“Chúng tôi rà soát và lập danh sách 59 trường hợp đặc biệt. Công an phường đã báo cáo Ban Chỉ huy Công an quận chỉ đạo lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội phối hợp ưu tiên làm cho họ. Những trường hợp này được cán bộ của chúng tôi cõng đi làm đến nơi, về đến chốn…” - Chỉ huy Công an phường Vĩnh Tuy chia sẻ.

30 ngày đêm không nghỉ

Đại tá Trương Văn Hồng - Trưởng Công an quận Hai Bà Trưng cho biết, “chiến dịch” 30 ngày đêm cấp CCCD gắn chíp theo Mệnh lệnh 01 của Giám đốc CATP Hà Nội được đơn vị triển khai quyết liệt, từ Chỉ huy cấp quận đến Ban chỉ huy Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và Chỉ huy công an 18 phường đều phải chịu trách nhiệm.

“Chúng tôi giao việc cho từng đồng chí và nghe báo cáo hàng ngày kể cả qua điện thoại hay tin nhắn. Điều quan trọng nhất là kết quả thế nào, thực hiện ra sao và xác định mục tiêu trọng tâm phải hoàn thành đúng thời hạn. Vướng mắc ở chỗ nào, trực tiếp Ban Chỉ huy Công an quận phải cùng với cán bộ chiến sĩ tháo gỡ” - Đại tá Trương Văn Hồng khẳng định.

Qua công tác điều tra cơ bản, Công an quận Hai Bà Trưng xác định, trước khi triển khai Mệnh lệnh 01, đơn vị có 35.540 trường hợp chưa làm CCCD gắn chíp. Trong đó, trên 15.000 trường hợp không có khả năng thu nhận rơi vào số đang thụ án, học tập và làm việc tại nước ngoài, chưa xóa tử, KT2 đi nhưng không rõ địa chỉ cư trú mới, đi cơ sở giáo dưỡng…

Rất nhiều trường hợp khó khăn đi lại được Cảnh sát khu vực Công an quận Hai Bà Trưng hỗ trợ

Rất nhiều trường hợp khó khăn đi lại được Cảnh sát khu vực Công an quận Hai Bà Trưng hỗ trợ

Như vậy, trên 18 phường có khoảng 15.000 hồ sơ thực tế phải thu nhận và cho đến hiện tại, toàn quận chỉ còn trên 5.000 trường hợp chưa cấp. “Một số địa bàn như Thanh Lương, Bạch Đằng, Vĩnh Tuy, người dân chủ yếu là lao động chân tay. Có nhiều trường hợp chưa từng giao dịch hay làm thủ tục hành chính, nên họ nói không có nhu cầu. Có rất nhiều trường hợp kể cả công nhân viên chức đi làm tới đêm khuya mới về. Do vậy, lực lượng CSKV cũng rất vất vả.

Với vai trò lãnh đạo, Ban Chỉ huy Công an quận tiếp tục đôn đốc theo ngày, nhưng cũng phải ghi nhận sự nỗ lực của tất cả cán bộ chiến sĩ tham gia “chiến dịch” thực hiện Mệnh lệnh 01. Đến nay, trên địa bàn quận Hai Bà Trưng có một số phường cơ bản hoàn thành mục tiêu...” - Thiếu tá Vũ Đình Nhâm, Phó trưởng Công an quận Hai Bà Trưng cho biết.

Còn theo Trung tá Nguyễn Thị Thùy Dung - Phó đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an quận Hai Bà Trưng, để giảm thiểu khó khăn đi lại cho người dân ở xa, đồng thời hỗ trợ tối đa cho Công an các phường, đơn vị ngoài việc cấp CCCD gắn chíp tại trụ sở, cũng đã bố trí 2 tổ cấp lưu động tại các phường.

“Chúng tôi luân phiên theo từng phường mà có lượng công dân đông. Sau mỗi ca cuối, cán bộ chiến sĩ trong đội tập hợp ngay số liệu, đối sánh với dữ liệu của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), sau đó báo cáo CATP ngay trong đêm. Do vậy, theo quy định chia 3 ca thì ca cuối kết thúc lúc 22h, nhưng có khi cán bộ chúng tôi phải 1h sáng mới nghỉ, hôm sau lại tiếp tục từ 7h sáng. Thời gian ngủ nghỉ rất ít và mọi nhiệm vụ đối với gia đình đều phải gác lại” - Trung tá Nguyễn Thị Thùy Dung nói thêm.

15 ngày cuối cùng của “chiến dịch”, Công an quận Hai Bà Trưng tiếp tục nỗ lực và mong muốn công an các địa phương nơi có công dân KT2 của quận cư trú sẽ phối hợp, cấp CCCD gắn chíp cho họ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để họ hoàn thành thủ tục mà không phải đi xa để trở về nơi đăng ký thường trú làm, có như vậy “chiến dịch” này mới thắng lợi.

* Một số hình ảnh ghi lại trong "chiến dịch" cấp CCCD gắn chíp của Công an quận Hai Bà Trưng: