"Bán" đảo cho Saudi Arabia, quyết định sai lầm của chính quyền Ai Cập?

ANTĐ -Hơn 2.000 người tập trung biểu tình ở trung tâm thủ đô Cairo và thành phố Alexandria (Ai Cập) trong ngày 15-4, hô hào lật đổ chính phủ. Đây là cuộc biểu tình chống chính phủ có quy mô lớn nhất ở nước này trong hai năm qua, nguyên nhân xuất phát từ việc Ai Cập trao quyền kiểm soát 2 hòn đảo cho Saudi Arabia.

Cuộc biểu tình do các nhà hoạt động cánh tả tổ chức nhằm phản đối việc Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi thỏa thuận sẽ trao quyền kiểm soát hai hòn đảo Tiran và Sanafir của Ai Cập trên biển Đỏ cho Saudi Arabia.

"Bán" đảo cho Saudi Arabia, quyết định sai lầm của chính quyền Ai Cập? ảnh 1Người biểu tình cầm giày gí vào tấm ảnh của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi trong ngày biểu tình 15-4, phản đối chính phủ trao hai hòn đảo cho Saudi Arabia.

Ông Abdel Fattah al-Sisi ký thỏa thuận này với vua Salman trong chuyến thăm Saudi Arabia tuần trước. Riyadh hứa đầu tư hàng tỉ USD vào Cairo.

Sau khi thỏa thuận đã được ký, chính phủ Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi mới thông báo về vấn đề này đến người dân. Thông báo cho rằng hai hòn đảo nằm trong khu vực eo biển Tiran vốn là của Saudi Arabia, Ai Cập kiểm soát từ năm 1950 đến nay là do đề nghị của phía Riyadh.

Và giờ Cairo trả lại theo đúng nội dung biên giới hàng hải hai nước đạt được qua thời gian dài thương lượng. Thông báo này bị rất nhiều người phản đối, chỉ trích chính phủ đã bán các hòn đảo.

“Chúng tôi muốn chính phủ này sụp đổ" là khẩu hiệu của người biểu tình trong ngày 15-4, tương tự khẩu hiệu của người dân Ai Cập xuống đường trong Mùa xuân Ả Rập năm 2011 dẫn đến lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak.

Tuy nhiên, quy mô của cuộc biểu tình ngày 15-4 khiêm tốn hơn rất nhiều so với các cuộc đại biểu tình ở Cairo trong Mùa xuân Ả Rập năm 2011.

Nhiều nước rất ngạc nhiên trước quyết định của Ai Cập, trừ Israel. Nước này cũng tuyên bố không phản đối, khiến giới chuyên gia nghi ngờ Israel, Ai Cập và Saudi Arabia sắp lập liên minh.

Tuy nhiên, phản ứng giận dữ của người dân có thể khiến ông Sisi lo lắng, nhất là khi chính phủ của ông xử lý không tốt hàng loạt vụ khủng hoảng gần đây, từ vụ sinh viên người Ý Giulio Regeni bị giết ở Cairo đến vụ máy bay Nga bị đánh bom trên bán đảo Sinai hồi tháng 10-2015.