Huyền thiêng Côn Đảo:

Bài 3: Giữ cho sóng yên, biển lặng

(ANTĐ) - Đến Côn Đảo, điều ấn tượng nhất với chúng tôi là ý thức tự giác của người dân, từ việc giữ gìn, bảo vệ biển, đến tham gia, chấp hành pháp luật giao thông. Người dân Côn Đảo khi ra đường, đi xe máy luôn đội mũ bảo hiểm.
 Thượng tá Trần Văn Thị trao đổi với PV báo ANTĐ

 Thượng tá Trần Văn Thị trao đổi với PV báo ANTĐ

Huyện đảo Côn Đảo hiện duy trì cơ chế quản lý chính quyền một cấp; dưới huyện là 10 khu dân cư, với chừng 7.000 dân. Lực lượng đảm bảo an ninh trên đảo có CAH Côn Đảo, Đồn Công an Bến Đầm, bộ đội biên phòng, hải quân và kiểm lâm. Thượng tá Trần Văn Thị - Phó Trưởng CAH Côn Đảo tâm sự, hơn 20 năm công tác trên đảo, điều anh ấn tượng nhất là sự bình yên của vùng đất cửa biển này. Mỗi năm, CQĐT CAH Côn Đảo chỉ phải khởi tố chừng 15 vụ án, chủ yếu là tội danh cố ý gây thương tích hay trộm cắp vặt. Đêm ở Côn Đảo, nhiều nhà dân đi ngủ không cần khóa cửa. Tội phạm trộm cắp ở Côn Đảo cũng rất “đặc thù”; Đối tượng trộm cắp xe không phải để bán, mà chỉ để… đi lại. Đi chán, xe bị đối tượng vứt ở bên đường. Người dân tìm thấy sẽ báo công an để tìm chủ sở hữu xe.

Năm 1981, Thượng tá Trần Văn Thị được phân công ra Côn Đảo, dân số khi đó khoảng 2.000 người. Thời điểm ấy, đối tượng nghiện hút tuyệt nhiên không có. Nay, điều tra cơ bản của CAH xác định toàn đảo có 6 đối tượng nghiện, chủ yếu là người từ đất liền đưa ra đảo để… cai nghiện. Công tác quản lý người cai nghiện ở Côn Đảo cũng có nét đặc trưng, rất hiệu quả. Danh tính người nghiện được công bố đến cán bộ các khu dân cư, để cán bộ cơ sở tham gia giám sát, quản lý chặt cùng lực lượng công an. Không kể những buổi gọi hỏi, giáo dục, gần như ngày nào cán bộ cơ sở cũng vào từng gia đình người nghiện để trò chuyện và nắm bắt tình hình. Sát sao là vậy nên ở đảo gần như không có “đầu nậu” ma túy. Biện pháp kiểm soát tốt đối tượng nghiện cũng được áp dụng để phòng ngừa tội phạm hình sự.

“Căng” nhất ở Côn Đảo là những tháng mùa gió chướng (từ tháng 9 đến hết tháng 12 âm lịch). Khu Bến Đầm khi ấy có tới cả nghìn ghe, thuyền cập cảng tránh gió. Dân chài lưới tứ xứ trên biển, tính nóng, ngang tàng, chỉ một câu nói, một thái độ không vừa lòng là lao vào “choảng” nhau. Đã có án mạng xảy ra từ những lý do rất… vớ vẩn. CAH Côn Đảo thường xuyên phối hợp chặt cùng bộ đội biên phòng; vừa tuyên truyền đến các chủ ghe, vừa rà soát, răn đe những trường hợp có “tiền sử” thích ẩu đả, gây lộn.

Người dân Côn Đảo chấp hành tốt Luật giao thông 

 Người dân Côn Đảo chấp hành tốt Luật giao thông

Sự bình yên ở Côn Đảo phần nhiều bắt nguồn từ ý thức tự giác của người dân. Thuê “xe ôm” từ cửa khách sạn Côn Đảo, việc đầu tiên là bác “xe ôm” đưa vào tay tôi chiếc mũ bảo hiểm. Trên các tuyến đường ở Côn Đảo, 100% người dân tôi gặp đều đội mũ bảo hiểm. Ý thức tốt này hình thành từ sự tuyên truyền của cơ quan chức năng huyện đảo Côn Đảo và cũng chính từ bản chất hiền lành của người dân. Phần lớn các tuyến đường ở Côn Đảo được thảm nhựa, đủ cho xe cơ giới chạy với tốc độ cao.

Nhưng rất ít khi người dân Côn Đảo cho xe chạy quá 40km/h. Ngang qua mỗi ngã tư, điểm giao cắt, người tham gia giao thông đều đi thật chậm, bóp còi xe và quan sát. Cả huyện đảo có 2 nút giao thông lắp thí điểm đèn xanh - đỏ từ hơn 1 năm nay, mà như Thượng tá Thị nói: “Để kiểm chứng ý thức chấp hành pháp luật của người dân”. Đứng ở những nút này trong buổi sáng, tôi không gặp trường hợp nào vượt đèn đỏ, cho dù các giao lộ không một bóng người. Nghe tôi kể chuyện những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh tắc đường, hàng quán lấn chiếm vỉa hè, bác “xe ôm” tên Phi lạ lắm.

Bởi người dân Côn Đảo, chỗ nào được chính quyền địa phương cho phép kinh doanh, họ mới kinh doanh. Xe máy đi về nhà phải dựng trong sân chứ không được “vứt” dưới đường, cho dù không lo việc bị mất trộm. Ý thức của người dân Côn Đảo còn thể hiện ở việc, cứ đến 22h, 100% hộ kinh doanh đều đóng cửa. Anh Ngọc, nhân viên lễ tân - bảo vệ nhà khách Công đoàn cho biết, quy định này ban hành đã nhiều năm rồi và chúng tôi đều tự giác thực hiện. Nếu cơ sở nào vi phạm, cán bộ cơ sở, rồi công an khu vực sẽ nhắc nhở, chấn chỉnh ngay.

Biên chế lực lượng CAH Côn Đảo còn rất thiếu. Như Thượng tá Phó Trưởng CAH Trần Văn Thị đang phải kiêm cả Đội trưởng Đội CSHS. CSKV hay cán bộ Đội Quản lý hành chính tham gia phá án hình sự là hết sức bình thường. Nhưng ở Côn Đảo, một thế mạnh được phát huy, duy trì lâu nay chính là sức mạnh của đội ngũ cán bộ cơ sở. Mười khu dân cư ở đảo đều có các chốt trực từ 19h đến nửa khuya, đóng ngay tại các trụ sở nhà văn hóa. Trực chính ở các chốt này là khu trưởng, khu phó và các tổ trưởng, tổ phó.

Trợ cấp cho cán bộ cơ sở không nhiều, nhưng như anh Cường - hướng dẫn viên khu resort Sea travel cho biết: “Mỗi khu phố phải chọn những người nhiệt tình, có sức khỏe mới được tham gia lực lượng tuần tra, phòng ngừa ở cơ sở. Và việc được tham gia đội ngũ ấy là niềm tự hào của mỗi gia đình”.

Trong câu chuyện với những người dân, cán bộ ở Côn Đảo mà tôi gặp, hầu như không ai có ý định rời khỏi vùng đất bình yên này. Bởi Côn Đảo là mảnh đất máu thịt của Việt Nam, là nơi hội tụ những giá trị thiêng liêng, cao quý, kỳ vĩ của lịch sử hình thành đảo cũng như những thắng cảnh rất riêng của mình.