'Ba ngón tay thần chết' SA-6 đã phá bỏ thế bất bại của tiêm kích F-15 Mỹ?

ANTD.VN -  Phiến quân hồi giáo cực đoan Houthi thông báo chiếc F-15 của không quân Saudi Arabia đang tham chiến tại Yemen đã bị bắn hạ bởi "Ba ngón tay thần chết" SA-6, biệt danh mà NATO đặt cho hệ thống phòng không 2K12 Kub do Liên Xô phát triển.
Giới phân tích quân sự thế giới đang tỏ ra bất ngờ khi vị thế "bất bại" của chiến đấu cơ F-15 cuối cùng đã bị "Ba ngón tay thần chết" SA-6 hạ gục trên bầu trời Yemen.
“Cảm ơn Thượng Đế, các hệ thống phòng không của chúng tôi đã đánh chặn thành công máy bay quân sự F-15 thuộc Không quân Saudi Arabia vào chiều 9/12/2021”, đại diện của Houthi tại Yemen cho biết.
Cùng với tuyên bố trên là việc tung ra đoạn clip cho thấy khoảnh khắc hạ gục tiêm kích F-15. Ban đầu có thông tin cho rằng đó có thể là máy bay chiến đấu của Không quân Mỹ.
Nhưng sau đó phía Houthi phản hồi rằng, họ chỉ nói đây là dòng máy bay do Mỹ sản xuất. Hiện phía Saudi Arabia vẫn chưa lên tiếng về sự việc trên.
Phiến quân Yemen đang dược trang bị tới 12 hệ thống phòng không SA-6, biệt danh "Ba ngón tay thần chết", nhưng việc sử dụng hệ thống này rất hạn chế do họ không có đủ đạn dược.
Trong quá khứ hệ thống phòng không SA-6 từng khiến không quân Israel hùng mạnh nhất Trung Đông phải lạnh gáy.
Israel đã mất một số lượng rất lớn máy bay chiến đấu do bị hệ thống này bắn hạ. Điều này cũng khiến phương Tây choáng váng.
Hệ thống SA-6 là định danh của NATO dành cho tổ hợp tên lửa phòng không 2K12 Kub do Liên Xô thiết kế và đưa vào trang bị từ đầu thập niên 1970.
Trong quá khứ SA-6 từng được Liên Xô bí mật chuyển cho một số nước Trung Đông, ngay sau đó chúng đã thể hiện xuất sắc trong các cuộc xung đột tại đây.
Trong suốt thời gian diễn ra chiến tranh Yom Kippur năm 1973 giữa Israel và khối Arab, SA-6 đã lập chiến công hiển hách khi bắn hạ 64 máy bay Israel chỉ bằng 95 đạn tên lửa.
SA-6 đạt tỷ lệ tiêu diệt là 1,4 tên lửa/1 máy bay, một con số cực kỳ ấn tượng với bất kỳ hệ thống tên lửa phòng không nào.
Kể từ cuộc chiến này, SA-6 đã được đặt cho biệt danh là “Ba ngón tay thần chết” ám chỉ ba quả đạn tên lửa trực chiến để ví von cho sức mạnh của nó.
Thực ra dòng tên lửa này đã được Liên Xô phát triển kể từ năm 1958 trong bối cảnh căng thẳng giữa Liên Xô và phương Tây đang leo thang.
Ban đầu, các tổ hợp 2K12 Kub được yêu cầu có thể tiêu diệt các mục tiêu trên không bay với tốc độ 420 - 600 mét/giây từ độ cao khoảng 100 mét tới 7 km và tầm bắn tối đa 20 km.
Các tướng lĩnh Liên Xô còn yêu cầu yêu cầu tỷ lệ bắn hạ mục tiêu của loại vũ khí này phải đạt 70%, nghĩa là bắn 10 phát phải trúng tối thiểu 7 phát.
Năm năm sau đó, tên lửa Kub của Liên Xô đã lần đầu tiên bắn thử mục tiêu bay vào ngày 18/12/1963 với mục tiêu giả định của nó là một máy bay ném bom Ilyushin Il-28 và tiêu diệt chính xác mục tiêu.
Sau đó, hệ thống tên lửa phòng không này của Liên Xô tiếp tục được thử nghiệm tới năm 1966, vượt qua một loạt các rào cản kỹ thuật mà nó gặp phải, tới năm 1967, hệ thống Kub chính thức được trang bị cho các đơn vị quân đội của Liên Xô.
Ngay lập tức sau khi được đưa vào trang bị, hệ thống 2K12 Kub đã nhận được yêu cầu hiện đại hóa để cải tiến các đặc tính chiến đấu bao gồm tầm bắn xa hơn, thời gian triển khai ngắn hơn.
Chính yêu cầu này đã dẫn tới sự ra đời của phiên bản 2K12 Kub M1 hiện đại hơn vào năm 1973.
Phiên bản cuối cùng của dòng tên lửa Klub mang mã 2K12 Kub-M4. Sử dụng các thành phần của 2K12 Kub-M3 và kèm theo khả năng nhận thông tin điều khiển hỏa lực tiêu diệt mục tiêu từ xe mang radar và ống phóng.

Mỗi khẩu đội SA-6 (2K12 Kub) tiêu chuẩn gồm 4 xe mang phóng tự hành, một xe radar điều khiển hỏa lực 1S91 Straight Flush, một số xe nạp đạn trang bị cần cẩu 2T7M.

Ngoài ra hệ thống này còn được một số khí tài điện tử trợ lực như đài radar cảnh báo sớm dải sóng VHT, đài radar cảnh báo sớm băng E, đài radar cảnh báo sớm dải sóng UHF, đài radar đo độ cao băng tần E, đài radar phân biệt địch ta được đặt trên xe UAZ-469.
Đạn tên lửa 3M9 có trọng lượng 599 kg, dài 5,8 m, đường kính 335 mm, sải cánh 1,2 m, trang bị đầu đạn 59 kg.

Đạn tên lửa có vận tốc tối đa mach 2,8, tầm bắn 24 km, độ cao diệt mục tiêu từ 0,1 - 14 km, sử dụng hệ dẫn đường bằng radar bán chủ động.

Hiện nay các phiên bản sau cùng của hệ thống phòng không SA-6 (2K12 Kub) vẫn được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới.
Quay trở lại việc phiến quân Houthi tuyên bố bắn cháy chiến đấu cơ F-15 Saudi Arabia tại Yemen. Giới phân tích sau phút bầt ngờ thì cũng cùng cũng cho rằng, hãy còn khá sớm để tin rằng SA-6 đã lập công khi xuất sắc bắn cháy F-15.
Đầu tiên đoạn clip do Houthi tung ra không đủ thuyết phục khi ban đầu là hình ảnh chiến đấu cơ F-15, nhưng ngay sau đó chuyển cảnh và mục tiêu chỉ còn là một chấm sáng, vì vậy có thể mục tiêu bị bắn hạ là các loại UAV của Saudi Arabia,
Mặt khác với một chiếc máy bay to lớn dài gần 20 mét và có tải trọng cất cánh tối đa lên tới hơn 36 tấn, khi bị bắn cháy sẽ tạo ra rất nhiều mảnh vỡ. Tuy nhiên phía Houthi lại không có bất kỳ hình ảnh nào vệ mảnh vỡ của chiếc máy bay này dù hiện trường bị bắn hạ nằm tại Yemen.
Tiếp đến, phía Saudi Arabia cũng không phản hồi về tuyên bố của phiến quân Houthi, thông thường dù xác nhận hay phủ nhận việc bị bắn trúng, nhưng khi mất một chiến đấu cơ trong chiến đấu sẽ được không quân nước sở hữu thông báo.

Và cuối cùng, đây cũng không phải là lần đầu tiên phía Houthi tuyên bố việc họ bắn hạ chiến đấu cơ F-15 Saudi Arabia. Rất có thể nhóm này phao tin để phô trương thanh thế.

Năm 2018 Houthi cũng tuyên bố tương tự, nhưng khi điều tra hộp đen máy bay thì cho ra kết quả là máy bay gặp sự cố chứ không phải bị trúng đạn phòng không từ đối phương.

F-15 và các biến thể của nó đã được kiểm chứng về hiệu suất chiến đấu cực tốt trên chiến trường, còn việc liệu chúng có bị SA-6 của Houthi bắn hạ hay không, chúng ta cần chờ thêm một thời gian nữa.