Ba Lan muốn Đức triển khai 'rồng lửa' Patriot sát Ukraine sau sự cố 'tên lửa bay lạc'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ba Lan đề xuất Đức đặt hệ thống phòng không "rồng lửa" Patriot gần biên giới Ukraine, một ngày sau khi Berlin nêu ý tưởng hỗ trợ Warsaw cải thiện lưới phòng không. Động thái diễn ra sau khi tên lửa bay lạc sang nước này từ phía Ukraine khiến 2 thường dân thiệt mạng.

"Tôi sẽ đề xuất triển khai thêm hệ thống tên lửa phòng không Patriot gần biên giới với Ukraine trong cuộc đối thoại với phía Đức", Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak cho biết hôm 21/11.

Phát biểu được đưa ra một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht đề xuất hỗ trợ Ba Lan bảo vệ không phận bằng cách "triển khai tiêm kích Typhoon và hệ thống tên lửa phòng không Patriot".

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak và người đồng cấp Đức Christine Lambrecht
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak và người đồng cấp Đức Christine Lambrecht

Các phát biểu được đưa ra sau vụ tên lửa rơi xuống làng Przewodow ở đông nam Ba Lan, gần biên giới với Ukraine đêm 15/11, khiến hai dân thường thiệt mạng.

Ba Lan và các đồng minh phương Tây cho rằng bằng chứng từ hiện trường cho thấy đạn phòng không S-300 Ukraine bị chệch hướng khi đánh chặn tên lửa Nga, nhấn mạnh Moskva vẫn là bên phải chịu trách nhiệm cuối cùng vì đã tấn công lãnh thổ Ukraine và dẫn đến sự cố này.

Trong khi đó, Ukraine vẫn phủ nhận và nói rằng có "dấu vết của Nga" trong sự việc, nhưng chưa đưa ra bằng chứng. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 17/11 nói ông không hoàn toàn chắc chắn điều gì đã khiến tên lửa rơi xuống ngôi làng ở Ba Lan, hai ngày sau khi cáo buộc do Nga tấn công.

Bộ Ngoại giao Nga cho rằng "tình trạng lộn xộn" xung quanh cáo buộc rằng Nga gây ra vụ nổ ở Ba Lan là "một phần trong chiến dịch chống Nga có hệ thống của phương Tây".

Ba Lan, thành viên NATO, đã tăng cường lưới phòng không từ rất lâu trước sự vệc. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng NATO còn mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện lá chắn phòng không ở sườn đông, nhất là sau hàng chục năm khu vực này bị bỏ quên.

Trong khi đó, Đức từng sở hữu 36 tổ hợp tên lửa phòng không Patriot trong Chiến tranh Lạnh và vẫn phải dựa vào sự hỗ trợ của NATO. Nước này hiện chỉ vận hành 12 hệ thống Patriot, trong đó hai tổ hợp đang triển khai ở Slovakia.

Tên lửa đánh chặn của hệ thống phòng không Patriot
Tên lửa đánh chặn của hệ thống phòng không Patriot

Hệ thống tên lửa chống tên lửa đạn đạo MIM-104F PAC-3 (Patriot Advanced Capability), gọi tắt là Patriot, được Mỹ phát triển để thay thế hệ thống Nike Hercules (là hệ thống phòng không tầm trung và tầm cao của Lầu Năm Góc) và thay thế hệ thống MIM -23 Hawk (hệ thống phòng không chiến thuật tầm trung của quân đội Mỹ). Hệ thống Patriot đã phục vụ trong quân đội Mỹ từ tháng 12-1981.

Hệ thống phòng không Patriot gồm có: Trạm chỉ huy AN/MSQ-104; radar đa chức năng AN/MPQ-53; bệ phóng M901; tên lửa phòng không MIM104; trạm nguồn năng lượng AN/MSQ-26; phương tiện kỹ thuật ngụy trang điện tử và cuối cùng là thiết bị kết nối thông tin. Xe chỉ huy AN/MSQ-104 được bố trí trên khung xe M814, là nơi điều khiển, kiểm soát toàn bộ khả năng tác chiến của tổ hợp Patriot. Bên trong xe chỉ huy có các thiết bị liên lạc, các máy tính dữ liệu thiết bị đầu cuối và một số phụ kiện khác.

Cho đến nay, nó là một hệ thống phòng không được nhiều nước sử dụng nhiều nhất, hiện có tới 16 quốc gia đang có hệ thống này trong biên chế, nó chỉ đứng sau S300 của Liên Xô về độ phổ biến.

Ngày nay các biến thể mới trong gia đình tên lửa Patriot luôn được cải tiến, và biến thể PAC3 mới nhất sử dụng kiểu đạn đánh chặn mới với phương thức Hit to Kill (truy đuổi và tiêu diệt), đây là phương thức có độ chính xác cực cao, và tiêu diệt mục tiêu bằng động năng thay vì bằng đầu đạn nổ. Với phương thức này quả đạn tên lửa sẽ nhỏ và nhẹ hơn, điều đó cho phép mỗi hệ thống có thể mang nhiều đạn hơn trong mỗi lần xuất trận.