Ba Lan đã bàn giao 100 tên lửa sát thủ R-73 cho Ukraine

ANTD.VN -  Ba Lan đã bàn giao 100 tên lửa sát thủ R-73 cho Kiev, số tên lửa không đối không này rất quý giá đối với các chiến đấu cơ của không quân Ukraine trong bối cảnh hiện tại, khi mà họ phải căng mình chống đỡ lại không quân hùng mạnh của Nga.
Không quân Ukraine đã nhận được thêm 100 quả tên lửa sát thủ R-73 từ phía Ba lan. Số tên lửa không đối không này sẽ trang bị cho chiến đấu cơ Su-27 và MiG-29.
Ba Lan hiện là một trong số những quốc gia đã hết mình hỗ trợ cho Ukraine kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 24/2.
Số tên lửa R-73 đã được Ba Lan bàn giao trong suốt thời gian qua, rất có thể Warsaw sẽ tiếp tục trợ giúp vũ khí cho Ukraine trong đó có các loại tên lửa không đối không.
Do đang chuyển đổi sang sử dụng các dòng tên lửa không đối không theo chuẩn NATO, nên Ba Lan đã mạnh tay chuyển giao những tên lửa có nguồn gốc Liên Xô cho Ukraine.
Việc chuyển giao các loại vũ khí có nguồn gốc từ Liên Xô sẽ giúp Ukraine có thể ngay lập tức sử dụng được trong bối cảnh chiến tranh với Nga vẫn đang ác liệt.

R-73 là loại tên lửa không-đối-không tầm ngắn tiêu chuẩn của Liên Xô được phát triển bởi cục thiết kế Vympel dựa trên những kinh nghiệm thu được từ loại tên lửa đối không tầm ngắn đời cũ R-60.

Tên lửa không đối không R-73 bắt đầu đưa vào biên chế trong không quân LIên Xô từ năm 1984.

R-73 nằm trong kho vũ khí của tiêm kích MiG-21-93, MiG-21 Bison, MiG-23MLD, MiG-29 và Su-27 cũng như các loại trực thăng Mi-24, Mi-28, Ka-50...

R-73 cũng có thể sử dụng trên các máy bay vốn không có hệ thống ngắm bắn phức tạp.

R-73 có trọng lượng 105 kg, chiều dài 2,9 m, đường kính 170 mm, sải cánh 510 mm, chúng có tầm bắn tối đa lên tới 40km với vận tốc Mach 2,5.
Để công phá mục tiêu, những tên lửa R-73 được trang bị đầu nổ phá mảnh nặng 8 kg.
Ngoài khả năng linh hoạt tuyệt vời, R-73 còn có thể kết nối trực tiếp với mũ bay của phi công, cho phép công kích các mục tiêu ở cạnh sườn máy bay, điều vốn không thể thực hiện được với các loại tên lửa có phương cách nhắm bắn và điều hướng thông thường.
Tầm bắn tối đa của R-73 vào khoảng 30-40 km trong khi đó tầm bắn tối thiểu là 300m giúp loại tên lửa này cực kỳ hữu dụng trong các trận không chiến quần vòng (dogfight).
Đây vẫn được coi là một trong số những tên lửa tầm ngắn nguy hiểm nhất thế giới.
Theo trang tin vestnik-rm của Nga cho biết, Ukraine đã phải tiêu hủy 188 tên lửa không đối không R-73 đã hết niên hạn vào năm 2019.
Có điều trớ trêu này là do Ukraine không phát hiện kịp thời số tên lửa hết niên hạn để kịp thay thế và bù đắp vào chỗ trống.
Công tác quản lý khí tài lỏng lẻo khiến cho phần lớn số tên lửa này đã hết niên hạn từ lâu song không kịp phát hiện kịp thời.
Trong số 188 tên lửa hết hạn có 152 quả R-73K, 36 quả R-73L, tất cả đều được trang bị đầu đạn sử dụng thuốc nổ OKFOL.
Số tài liệu được công khai cũng chỉ ra rằng, 188 tên lửa R-73 trên chưa phải là con số cuối cùng và còn rất nhiều tên lửa khác của Ukraine bị phá hủy vì hết niên hạn sử dụng.
Việc bị mất đi số lượng lớn tên lửa không đối không R-73 đặt ra không ít thách thức cho không quân Ukraine khi xung đột với Nga diễn ra.
Chính vì vậy phía Kiev đã phải cầu xin viện trợ vũ khí phương Tây, trong đó có các loại tên lửa không đối không như R-73 để đối phó với không quân Nga.