Australia được chia sẻ công nghệ tàu ngầm tiên tiến nhờ cơ chế an ninh mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trên thế giới hiện chỉ có 6 quốc gia đang vận hành tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân là Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ và Nga. Australia có thể trở thành nước thứ bảy trong danh sách này, nhờ hiệp ước an ninh lịch sử với Anh và Mỹ.
Australia sẽ phát triển đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sử dụng công nghệ của Mỹ và Anh

Australia sẽ phát triển đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sử dụng công nghệ của Mỹ và Anh

Thay đổi do nhu cầu

Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 15-9 xác nhận, nước này sẽ hủy thỏa thuận tàu ngầm trị giá hơn 40 tỷ USD với Pháp. Thay vào đó, Australia sẽ đàm phán trong 18 tháng để đóng 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sử dụng công nghệ của Mỹ và Anh theo thỏa thuận đối tác chiến lược mới với Mỹ và Anh - có tên gọi là AUKUS. Ông Morrison tuyên bố: “Quyết định mà chúng tôi đưa ra là không tiếp tục hợp đồng tàu ngầm với Pháp và việc ngừng lộ trình này không phải là việc thay đổi ý định mà là thay đổi nhu cầu”.

Theo ông Morrison, các tàu ngầm sẽ được đóng tại Adelaide với sự hợp tác chặt chẽ của Mỹ và Anh, đồng thời khẳng định Australia sẽ không trang bị vũ khí hạt nhân và sẽ tiếp tục tuân thủ tất cả các nghĩa vụ không phổ biến vũ khí hạt nhân. Như vậy, Australia sẽ là quốc gia thứ hai sau Anh vào năm 1958 được cấp quyền tiếp cận công nghệ hạt nhân của Mỹ để chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng, đây sẽ là một trong những dự án phức tạp và đòi hỏi kỹ thuật cao nhất trên thế giới. “Công nghệ này cực kỳ nhạy cảm. Thực sự đây là một ngoại lệ trong chính sách của chúng tôi xét trên nhiều khía cạnh”, một quan chức cao cấp Mỹ ẩn danh nói với CNN.

Thỏa thuận về tàu ngầm chỉ là yếu tố nổi bật nhất trong Hiệp ước AUKUS. Dự kiến, nó sẽ được ký chính thức tại Washington vào tuần tới, đề cập đến nhiều lĩnh vực hợp tác ngoại giao, an ninh và quốc phòng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Các bên tham gia thỏa thuận an ninh ba bên mới đều rất kỳ vọng vào điều mà họ hướng tới. “Thế giới đang trở nên phức tạp hơn, đặc biệt là trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Để ứng phó với những thách thức này, giúp mang lại an ninh và ổn định cần thiết, giờ chúng tôi phải đưa quan hệ đối tác lên một tầm cao mới”, Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố. Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh: “Ba nước chúng ta sẽ nâng cao năng lực và chia sẻ kinh nghiệm để cùng đối mặt với những thách thức trong thế kỷ 21 như cách chúng ta đã làm trong thế kỷ 20”.

Tác động của hiệp ước đối tác an ninh mới

Việc mua các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ hỗ trợ đáng kể cho hải quân Australia. Tờ Economist dẫn lời ông Malcolm Davis thuộc Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) nhận định, các tàu mới được đề xuất sẽ cung cấp “sức mạnh tấn công… thực sự, đó là những gì chúng ta cần để răn đe và đối phó với thách thức ngày càng tăng”.

Mối quan hệ hợp tác mới cũng diễn ra vào thời điểm thích hợp đối với ông Biden. Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và sự sụp đổ sau đó của chính phủ nước này đã khiến nhiều đồng minh lo ngại về độ tin cậy của Mỹ. Việc ông Biden đồng ý chia sẻ công nghệ quốc phòng tiên tiến, dù khá hiếm hoi, cho thấy, Mỹ tiếp tục thực hiện quá trình tái định hướng các nguồn lực ngoại giao và quân sự sang châu Á.

Nhưng có thể thấy ngay trước mắt, thỏa thuận nói trên có khả năng dẫn đến tổn hại mối quan hệ giữa Australia với Pháp. Giới chức Pháp cho rằng, việc Mỹ quyết định gạt một đối tác và là đồng minh châu Âu như Pháp ra khỏi quan hệ đối tác với Australia tại thời điểm nhiều thách thức chưa từng có trong tiền lệ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là sự thiếu chặt chẽ.

Bên cạnh đó, trong thông báo về hiệp định đối tác an ninh mới hôm 15-9, các nhà lãnh đạo của Mỹ, Australia và Anh không đề cập đến Trung Quốc, nhưng Washington và các đồng minh đang tìm cách đẩy lùi sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh. Ông Richard Maude, chuyên viên cấp cao của Viện Chính sách Xã hội châu Á nhận định, hiệp ước sẽ được coi là một mối đe dọa đối với Bắc Kinh. “Trung Quốc sẽ coi thông báo mới này là bằng chứng thêm về việc củng cố liên minh nhằm cân bằng quyền lực với họ. Nước này sẽ phản đối, nhưng hành vi quyết đoán và không khoan nhượng của chính họ đang thúc đẩy những liên kết mới này”. Nhưng chính vì thế, AUKUS có thể làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Australia và Trung Quốc. Trong một tuyên bố, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã chỉ trích AUKUS, đồng thời cho rằng, Washington, London và Canberra nên “từ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh và định kiến về ý thức hệ”.

Trung Quốc sẽ coi thông báo về Hiệp định AUKUS là bằng chứng thêm về việc củng cố liên minh nhằm cân bằng quyền lực với họ. Nước này sẽ phản đối, nhưng hành vi quyết đoán và không khoan nhượng của chính họ đang thúc đẩy những liên kết mới này”.

Ông Richard Maude (Chuyên viên cấp cao của Viện Chính sách Xã hội châu Á)