Australia hợp tác với Anh, Mỹ đóng mới 8 tàu ngầm hạt nhân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Australia sẽ đóng 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong khuôn khổ thỏa thuận quan hệ đối tác an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới đạt được với Mỹ và Anh. Các nhà phân tích cho rằng điều này có thể sẽ khiến Trung Quốc phẫn nộ, bởi họ coi đó là một nỗ lực để kiềm chế Bắc Kinh.

“Thế giới đang trở nên phức tạp hơn, đặc biệt là trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Để ứng phó với những thách thức này, giúp mang lại an ninh và ổn định cần thiết, giờ chúng tôi phải đưa quan hệ đối tác lên một tầm cao mới”, Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố.

Ông Morrison cho biết, Australia đang hủy thỏa thuận trị giá 40 tỷ USD với Pháp về phát triển tàu ngầm thông thường nhằm thay thế hạm đội lớp Collins đã già cỗi của nước này. Thay vào đó, họ mất hơn 18 tháng đàm phán với Mỹ và Anh để đóng 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Các tàu ngầm đó sẽ không mang vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hội đàm trực tuyến với nguyên thủ Anh và Australia ngày 15-9-2021

Tổng thống Mỹ Joe Biden hội đàm trực tuyến với nguyên thủ Anh và Australia ngày 15-9-2021

Australia sẽ là quốc gia thứ hai sau Anh vào năm 1958 được cấp quyền tiếp cận công nghệ hạt nhân của Mỹ để chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Các nhà phân tích an ninh cho biết, các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể ở dưới nước lâu hơn và có khả năng tàng hình ở các khu vực có xung đột tiềm tàng với Trung Quốc như Biển Đông.

Trong thông báo về hiệp ước đối tác an ninh mới hôm 15-9, các nhà lãnh đạo của Mỹ, Australia và Anh không đề cập đến Trung Quốc, nhưng Washington và các đồng minh đang tìm cách đẩy lùi sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh, đặc biệt là việc tăng cường sức mạnh quân sự nhằm gây áp lực lên vấn đề Đài Loan và Biển Đông.

Ông Richard Maude, chuyên viên cấp cao của Viện Chính sách Xã hội Châu Á nhận định, hiệp ước ba bên, bao gồm quyền tiếp cận công nghệ tàu ngầm hạt nhân của Mỹ, sẽ được coi là một mối đe dọa đối với Bắc Kinh. "Trung Quốc sẽ coi thông báo mới này là bằng chứng thêm về việc củng cố liên minh nhằm cân bằng quyền lực với họ. Nước này sẽ phản đối, nhưng hành vi quyết đoán và không khoan nhượng của chính họ đang thúc đẩy những liên kết mới này”.

Theo các nhà phân tích, hiệp ước an ninh ba bên nói trên có thể làm xấu đi mối quan hệ thương mại vốn đã căng thẳng của Australia với khách hàng xuất khẩu lớn nhất của họ là Trung Quốc.

Thủ tướng Australia Morrison sẽ đến Washington trong tháng này để gặp các nhà lãnh đạo của Quad, nhóm “Bộ Tứ” có cả thành viên Ấn Độ và Nhật Bản để thảo luận về an ninh.