ASEAN quyết liệt trước hành vi “bẻ cong” pháp luật của Trung Quốc ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những hoạt động phi pháp công khai của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian gần đây đã thúc đẩy các nước ASEAN đoàn kết để cùng bày tỏ thái độ cứng rắn trước tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh.
Tàu hải cảnh của Trung Quốc đang hoạt động trong vùng biển Natuna của Indonesia

Tàu hải cảnh của Trung Quốc đang hoạt động trong vùng biển Natuna của Indonesia

Chiến thuật “chia rẽ và chinh phục”

Theo ông Aan Kurnia - Giám đốc cơ quan an ninh hàng hải Indonesia, nước này sẽ tăng cường các hoạt động tuần tra đảm bảo an ninh hàng hải quanh quần đảo Natuna (ở Biển Đông) sau khi tàu Hải cảnh Trung Quốc xâm phạm vùng biển này. Động thái trên của Indonesia là diễn biến mới nhất cho thấy thái độ cứng rắn trong thời gian gần đây, kiên quyết không đàm phán với Trung Quốc về Biển Đông.

Quan điểm của Indonesia là nước này và Trung Quốc không có tuyên bố chủ quyền chồng chéo nào trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Thái độ kiên quyết của Indonesia cũng khẳng định xu hướng là nhiều nước ASEAN ngày càng mạnh mẽ công khai quan điểm phản đối các hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Không những thế, các nước ASEAN còn bác bỏ đề nghị đàm phán song phương mà Trung Quốc đưa ra, đồng thời coi tranh chấp Biển Đông là vấn đề đa phương.

Lâu nay, để giảm bớt bất lợi khi phải đương đầu với các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông hoặc với toàn khối ASEAN, Bắc Kinh luôn tìm cách tiếp cận theo công thức “1-1” với các bên, thay vì đối thoại với cả nhóm hay toàn bộ khối. Trong các cuộc tiếp xúc về tình hình Biển Đông, Trung Quốc thường đề nghị thúc đẩy các cuộc gặp với Việt Nam, Malaysia và Philippines theo thể thức song phương. Mục tiêu của Bắc Kinh là khi ASEAN bị chia rẽ, không coi Biển Đông là vấn đề chung của Hiệp hội mà chỉ là vấn đề giữa Trung Quốc với từng nước, thì Trung Quốc có thể dễ đạt được các thỏa hiệp có lợi nhất. Bắc Kinh hy vọng có thể “đục nước béo cò” nếu như tình đoàn kết và thống nhất giữa các nước ASEAN về vấn đề Biển Đông bị chia rẽ.

Để làm được việc đó, Trung Quốc tìm cách khai thác một số quan điểm khác nhau trong lập trường của một số nước ASEAN để tạo ra sự chia rẽ nội khối. Bắc Kinh cũng luôn thổi phồng các vụ va chạm do tình trạng đánh bắt hải sản trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước để khoét sâu mâu thuẫn trong ASEAN. Chiến thuật “chia rẽ và chinh phục” này đã từng có lúc khiến ASEAN thiếu thống nhất.

Năm 2012, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 đã không ra được Tuyên bố chung sau khi nước chủ nhà Campuchia không chấp nhận đưa vấn đề tranh chấp lãnh hải giữa Việt Nam, Philippines với Trung Quốc vào văn bản này. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 năm 2016 cũng không ra được Tuyên bố chung của ASEAN về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông vì Campuchia phủ quyết dự thảo nhắc đến đến việc Tòa Trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Với từng nước ASEAN, Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte hầu như không nhắc đến phán quyết của Tòa Trọng tài, mặc dù phán quyết này có lợi cho Philippines. Có thời điểm, Philippines còn nhắc đến chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” mà Trung Quốc gợi ý với các nước ASEAN. Indonesia trước đây cũng thường im lặng, hầu như không nhắc đến tranh chấp Biển Đông.

Thượng tôn pháp luật để ngăn chặn âm mưu “bẻ cong” pháp luật

Sự gia tăng các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông từ đầu năm đến nay làm tình hình khu vực hết sức căng thẳng, các nước ASEAN hết sức lo ngại. Trung Quốc hết cho tàu Hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam, Philippines, lại liên tiếp có các hành động khiêu khích như hướng radar điều khiển vũ khí vào tàu chiến của Philippines, cản trở hoạt động tàu khảo sát địa chấn của Malaysia, đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, điều tàu đánh cá có tàu Hải cảnh đi cùng vào vùng biển Natuna của Indonesia… Những hành động trên của Trung Quốc đã tạo ra sự nghi ngờ ngày càng lớn của các nước trong khu vực, đặc biệt là Philippines, Malaysia và Indonesia đối với ý đồ của Trung Quốc, buộc các nước này phải điều chỉnh thái độ.

Philippines đã rút lại quyết định hủy bỏ Thỏa thuận thăm viếng quân sự (VFA) với Mỹ bởi lo ngại trước những hành động gây căng thẳng của Trung Quốc. Điều này cho thấy Philippines có sự điều chỉnh trong mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, theo hướng duy trì liên minh với Mỹ trong khi làm chậm lại xu hướng thân thiện với Trung Quốc. Indonesia thì đã lên tiếng một cách rõ ràng trong vấn đề vùng biển Naruta.

Với ASEAN, dù không phải không còn những khác biệt, nhưng điểm nổi lên là các nước đều chủ trương tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Điều này thể hiện rõ trong bản Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 nhân hội nghị kết thúc hồi tháng 6-2020. Các lãnh đạo ASEAN đã khẳng định các bên phải “giải quyết hoà bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982”.

Trước đây, các tuyên bố chung của ASEAN chỉ đề cập chung chung là phải “phù hợp với luật pháp quốc tế”, nhưng nay vai trò của UNCLOS 1982 được đề cao và bất cứ chỗ nào trong văn bản có nhắc đến luật pháp quốc tế thì đều đi kèm với Công ước này. Điều này có ý nghĩa quan trọng bởi lâu nay, các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông là không phù hợp với UNCLOS.

Bằng việc gắn luật pháp quốc tế với UNCLOS 1982, ASEAN đã gián tiếp bác bỏ những yêu sách của Trung Quốc, cũng như thể hiện thái độ ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc. Các nước ASEAN cũng thống nhất trong quan điểm về sự cần thiết đẩy nhanh việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), đồng thời cho rằng đây sẽ là khuôn khổ quy phạm chuẩn mực cho cách ứng xử giữa các quốc gia trên vùng biển này, giúp ngăn ngừa sự cố và xây dựng niềm tin giữa các bên về vấn đề Biển Đông.

Dù các tranh chấp lãnh thổ diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng vấn đề chính ở Biển Đông là trật tự quốc tế dựa trên luật pháp đã bị vi phạm nghiêm trọng. Việc ASEAN chọn thượng tôn pháp luật khác với lập trường “bẻ cong” pháp luật của Trung Quốc đang tạo ưu thế cho ASEAN về dư luận quốc tế, mở đường cho sự ủng hộ từ các nước như Mỹ, EU, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ... đối với việc giải quyết tranh chấp chủ quyền bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.