Ankara muốn gì khi trao 'chìa khóa gia nhập NATO' cho Phần Lan thay vì Thụy Điển?

ANTD.VN - Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Phần Lan gia nhập NATO nhưng lại ngăn cản Thụy Điển, bất chấp hai quốc gia trên khẳng định chỉ nhận tư cách thành viên cùng nhau, vậy toan tính của Ankara là gì?

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã khiến cả thế giới ngạc nhiên khi ông có thái độ khác nhau về việc trao "chìa khóa gia nhập NATO" cho Phần Lan thay vì Thụy Điển.

Trong một sự kiện của thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra ở thành phố Bilecik, ông Erdogan đã nói: “Nếu cần Ankara có thể đưa ra một thông điệp khác, Thụy Điển sẽ phải hiểu vì sao chúng tôi đưa ra quan điểm ngược lại đối với Phần Lan”.

Căng thẳng giữa Ankara và Stockholm bùng phát khi lãnh đạo đảng Hard Deal đối lập - ông Rasmus Paludan đốt kinh Koran trước đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ, chính trị gia này đã nhận được sự cho phép của chính quyền địa phương để tổ chức biểu tình.

Ankara ngay lập tức đưa ra tuyên bố cứng rắn, đó là sau hành động trên, Stockholm nên ngừng hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ủng hộ đơn xin gia nhập Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương của họ.

Trước diễn biến trên, trong cuộc trò chuyện với tờ PolitExpert (PE), nhà phương Đông học người Nga Karine Gevorgyan nhận xét, hiện tại rất khó để đánh giá toan tính thực sự của Ankara với Phần Lan và Thụy Điển.

Tuy nhiên nhà khoa học chính trị người Nga vẫn cố gắng giải mã thông điệp bí ẩn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.

“Tổng thống Erdogan đã nói về việc ủng hộ Phần Lan gia nhập NATO nhưng lại đề xuất loại trừ Thụy Điển và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nước này. Diễn biến trên có thể gây ra một cú sốc cho ai đó", người đối thoại của tờ PE nhận định.

Một vấn đề cần đặc biệt lưu ý đó là sắp tới các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội sẽ được tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara có thể tận dụng những diễn biến bên ngoài cho mục đích bên trong.

Trước đó, chuyên gia phân tích chính trị của hãng thông tấn Rossiya Segodnya - ông Vladimir Kornilov cho rằng các hành động làm thổi bùng căng thẳng trong NATO có thể đã được Ankara chuẩn bị như một phần của chiến dịch chạy đua.

"Tôi có thể nói rằng quan điểm của Tổng thống Erdogan liên quan đến tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển trong NATO đang khiến Washington tức giận, Washington chắc chắn đang làm việc với phe đối lập", ông Gevorgyan lưu ý.

Tuy nhiên quan điểm cho rằng ông Kemal Kılıçdaroğlu - lãnh đạo Đảng Nhân dân Cộng hòa trung tả sẽ nhận sự ủng hộ từ Washington do là một chính trị gia thân phương Tây không thực sự phù hợp với thực tế.

“Ông Kılıçdaroğlu cũng hành xử theo cách giống như đương kim Tổng thống Erdogan trên con đường xây dựng chính sách đối ngoại, lập trường của hai người là gần giống nhau".

"Tôi không nhận thấy bất kỳ sự khác biệt nào về đường lối. Có ý kiến ​​​​cho rằng ông ấy sẽ là người được phương Tây ủng hộ, nhưng điều này có xảy ra khi chính sách của nhân vật trên giống hệt đương kim Tổng thống Erdogan?”, nhà khoa học chính trị người Nga đặt câu hỏi.

Lời khẳng định của Tổng thống Erdogan đối với Phần Lan về việc ủng hộ nước này gia nhập NATO thực chất hoàn toàn vô nghĩa, bởi vì Helsinki đã nhiều lần khẳng định chỉ nhận tư cách thành viên Liên minh cùng lúc với Stockholm.

Vì vậy, thực chất có lẽ nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn đưa ra một quân bài để mặc cả nhằm khiến Mỹ và NATO phải nhượng bộ mình nhiều hơn, từ đó tạo lập ưu thế trong cuộc tổng tuyển cử.